Tôi sinh ra ở làng Lộc An, một vùng quê nghèo nơi huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, tuổi thơ gắn liền với cánh đồng đầy ắp hương lúa và cái bụng đói “da bụng dính sát da lưng”. Cánh đồng là ký ức, là nỗi ám ảnh khôn nguôi, nó có cả ngọt ngào và cay đắng, khiến ta đau đáu trong lòng hình như giống cảm giác của mối tình đầu bị phụ, vừa muốn nhớ, vừa muốn quên.

Như nhiều đứa trẻ thời đó, khát vọng lớn lao của đời người chỉ muốn ra thành phố. Ngây ngô thế thôi mà khát vọng đó đâu phải dễ thành.

Tôi là đứa trẻ may mắn. Để rồi sau đó nhiều năm sống ở chốn thị thành, những đêm rằm phải cuộn tờ giấy lại thành ống nhòm, nheo một mắt, tắt hết ánh điện mới có thể nhìn thấy trăng.

Trăng, thứ mà ngày xưa chỉ cần ra đồng, ngả mình trên bãi cỏ, ta có thể thấy rõ cả chú Cuội và chị Hằng, bây giờ bỗng nhiên trở nên phù phiếm. 

Một ngày đẹp trời, từ trong vô thức, dắt xe ra và đi. Đi mãi cho đến lúc gặp một cánh đồng, thứ mà ngày xưa ta rất giàu có, bây giờ như thể trong mơ. 



Làng có cái tên rất đẹp Cẩm Sa chỉ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 15 km theo hướng về Hội An đã thành khu phố của phường Điện Nam Bắc thuộc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) từ mấy năm qua. Vậy nhưng Cẩm Sa vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của một ngôi làng miền Trung.

Những con đường dẫn ra đồng được đổ bê tông chạy song song với con mương nhỏ, chung thủy nhưng khát khao như cặp tình nhân say đắm mà chưa thể nắm tay. Cạnh đó là những cây bàng dịu dàng tỏa bóng và rặng hoa chuối nước đủ màu. 

Cứ mỗi đoạn trên con đường đó có một điểm dừng, có giếng nước khoan, có ghế đá. Nói cho dễ hình dung, nó như là một công viên khổng lồ đầy ắp… không khí. Công viên có thảm màu xanh là ruộng lúa, nương ngô ngút ngàn. 

Cái công viên trong mơ đó do những người nông dân Cẩm Sa tạo ra nhưng có bàn tay của một con người có tên gọi là Ông Bao Đồng. 


Ông Bao Đồng tên thật là Phạm Thế Mỹ. Làng Cẩm Sa không ai không biết ông. Họ còn gọi ông bằng nhiều cái tên khác nhau, ông vá đường, ông đổ xăng, ông bơm xe, ông đóng giếng, thậm chí có cả cái tên không mấy hay ho, ông gàn. 

Nhà ông Mỹ sống trên con đường bê tông chính giữa làng. Khi chúng tôi đến, vẫn như người ta kể, trước cổng nhà ông có một cái chòi nhỏ che bằng tôn, bên cạnh dựng một chiếc xe bò bỏ sẵn cuốc xẻng, một chiếc xe cup, một cái bơm và một chai xăng, tất cả đều cũ. 

Ai đi ngang mà xe bị non hơi thì tự bơm lấy, bị thủng thì ông vá cho, không lấy tiền. Lỡ thiếu xăng thì cứ cầm chai đổ vào mà chạy, khi về thì mua trả lại, đặt vào đó cho người khác thiếu thì dùng. Khi họ đi rồi ông lại đổ đầy chai xăng đặt vào vị trí cũ. Lỡ ai “quên” ông cũng chẳng trách mắng gì. Mà ông bảo, cũng không có mấy người quên. 

Xe bò là phương tiện theo ông suốt gần 25 năm qua. Mỗi ngày, ông cùng nó đi vá đường. Chỗ nào có ổ voi ổ gà là ông đến sửa ngay, chẳng ai phân công, cũng chẳng ai trả công cho ông cả. 


Giữa làng Cẩm Sa, nay là khu phố Cẩm Sa có một ngôi chùa nhỏ tên Vạn Phúc. Trong làng có nhiều hồ sen rất đẹp, đến nay vẫn còn nguyên sơ.

Người Cẩm Sa bắt đầu nhận ra họ không chỉ sống bằng đồng đất ngàn xưa mà có thể sống bằng một thứ khác, trồng rau và làm du lịch. 

Cuối tuần, từng tốp người từ thành phố đổ về, học câu cá ở bàu sen, đạp xe, tản bộ trên những con đường ra cánh đồng làng. Khách nước ngoài ở trong các homestay... Ở đó, người ta được hít thở không khí trong lành của đồng quê. 

Trên những con đường chạy ra cánh đồng, có những chỗ nghỉ chân. Ở đó ông Mỹ tự tay khoan giếng, đặt ghế đá dưới cây bàng, bên cạnh có thùng gom rác...

Ngồi đó, phóng tầm mắt ra xa, nghe líu ríu tiếng chim chiền chiện, chiêm ngưỡng cánh chim én liệng mê hoặc, thấy tâm hồn khoáng đạt. Con người như gặp lại ký ức, tựa như một giấc mơ, giấc mơ có thật. 

Dưới chân cả một cánh đồng. 


Báo Thanh Niên
01.02.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.