>>HOÀNG VIỆT

Liên hoan do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng UNESCO, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức, mang đến không khí lễ hội với nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đặc sắc.

Lễ khai mạc liên hoan vào ngày 1.11.2019

Một trong những điểm nhấn của liên hoan là đoàn diễu hành tò he “khủng” dài 6 mét tại triển lãm Tòhe・vo・lu・tion do nghệ nhân Đặng Văn Hậu và nhóm Toheviet nặn dựng. Loại hình nghệ thuật dân gian này còn được thể hiện một cách độc đáo qua những thước phim, mô hình tò he 3D khổng lồ và những sản phẩm tò he do chính khách tham quan cùng tạo nên.

Triển lãm Tòhe・vo・lu・tion

Sinh viên Nguyễn Phương Thảo, Trưởng ban tổ chức triển lãm đến từ CLB Current Media của RMIT, cho biết: “Chúng tôi muốn tìm những nét đẹp mới lạ trong lòng Hà Nội thông qua hình ảnh tò he và gửi gắm đến công chúng thông điệp: Sự sáng tạo được tạo nên bởi những con người nơi đây và mỗi cá nhân đều là một mảnh ghép không thể thiếu trong tác phẩm nghệ thuật mang tên Hà Nội”.

Liên hoan chỉ kéo dài 17 ngày nhưng có đến hơn 30 sự kiện diễn ra dưới các hình thức khác nhau như: triển lãm, hội chợ, lớp học trải nghiệm…, xoay quanh chủ đề chính là tôn vinh văn hóa và sáng tạo.

Liên hoan còn đem đến những cuộc thảo luận mang tính thời sự như Hội thoại Khởi nghiệp sáng tạo nhằm trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp trong ngành sáng tạo với các bạn trẻ, hay Hội thảo Tương lai giáo dục sáng tạo tại Việt Nam với mục đích chia sẻ các ý tưởng xây dựng mô hình giáo dục hỗ trợ các ngành sáng tạo trong tương lai.

Hội thoại Khởi nghiệp sáng tạo

Liên hoan cũng là nơi để tôn vinh tài năng của thế hệ tương lai. Điển hình là Triển lãm Tác phẩm sinh viên ngành Sáng tạo 2019 - nơi tập hợp và trưng bày các bài tập sáng tạo của sinh viên RMIT. Các tác phẩm thể hiện rõ nét quá trình lên ý tưởng và thực hiện các sản phẩm sáng tạo, không thua kém gì chuyên gia trong ngành.

Triển lãm Tác phẩm sinh viên ngành Sáng tạo 2019 - RMIT

Là người đưa ra ý tưởng tổ chức liên hoan này, Phó trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế RMIT Việt Nam - Giáo sư Julia Gaimster chia sẻ: “Đại học RMIT vui mừng chủ trì tổ chức Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019 nhằm tôn vinh nét văn hóa và sáng tạo phong phú, đa dạng ở Hà Nội. Sự kiện còn là minh chứng cho thấy mối quan hệ hợp tác lâu dài của trường với UNESCO, VICAS và TP Hà Nội”.

Các đại biểu tại buổi khai mạc liên hoan

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft cho biết UNESCO vui mừng trở thành đối tác chính hỗ trợ sáng kiến tổ chức liên hoan, gắn liền với tầm nhìn Hà Nội là một thành phố sáng tạo. “Liên hoan được tổ chức rất đúng lúc, thể hiện rõ nét sự hợp tác và liên minh của những người tin rằng truyền thông và thiết kế - những lĩnh vực đầy sáng tạo và giàu sức trẻ - đóng vai trò đáng kể với tương lai của thành phố”, ông Croft chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng VICAS, cho biết: “Liên hoan đã góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong ngành công nghiệp văn hóa”.

Hội thảo Tương lai giáo dục sáng tạo

Giáo sư Julia Gaimster cho biết RMIT cũng vừa ra mắt chương trình cử nhân chuyên về thiết kế đầu tiên ở cơ sở Hà Nội - Cử nhân Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo). Bà nhận định: “Cơ hội làm việc trong ngành sáng tạo ở Việt Nam đang mở rộng với tốc độ chóng mặt và nhu cầu về sinh viên tốt nghiệp ngành sáng tạo ở Hà Nội chắc chắn cũng tăng cao. Sức mạnh của các ngành công nghiệp sáng tạo trong việc đẩy mạnh phát triển đất nước cũng đang ngày càng được ghi nhận”.

Nguồn: Đại học RMIT

Báo Thanh Niên
28.11.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.