Trong bức chân dung đó, bà mặc váy trắng với tay váy xòa rộng, miệng cười nền nã. “Bức tranh này được vẽ từ năm 2014, do chính nhân viên trong công ty tặng nhân sinh nhật. Tôi đặt nó ở trong phòng làm việc vừa để trân trọng tình cảm của anh em, vừa lưu lại những thời điểm quan trọng. Bức tranh ra đời đúng lúc chúng tôi đã có những thành công nhất định với TNR Goldmark City nên chính tôi cũng thấy mọi chuyện nhẹ nhàng. Còn bức chân dung kia vẽ năm 2016 (một bức chân dung khác) trông tôi còn tự tin, tươi mới hơn”, bà cười nói. Cả hai bức chân dung trong phòng nữ Chủ tịch HĐQT TNR, cũng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TNG Holdings Vietnam là đều thể hiện bà như một người phụ nữ trẻ trung, tươi mới và hiện đại thay vì một hình ảnh doanh nhân quyền lực.

Chính điều này gợi cho chúng tôi một góc nhìn khác về bà Phạm Thị Vân Hà, khác với hình ảnh một nữ doanh nhân trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều “tinh thần thép” như bất động sản, đó là một góc nhìn đời thường hơn với một người phụ nữ duy mỹ.

Vậy là bức chân chung đánh dấu thời điểm bà đã vượt qua khó khăn trước 2013. Lúc đó, mọi chuyên đã xảy ra thế nào?

Những năm đó TNR vừa ra mắt thị trường.  Chúng tôi là một doanh nghiệp mới, trong khi sản phẩm bất động sản lại liên quan rất nhiều đến uy tín và bề dày của công ty. TNR đã đầu tư vào Goldmark City ở Hồ Tùng Mậu hết sức bài bản. Các phương án tài chính được tính kỹ vì đó siêu dự án với hơn 10 tòa nhà, tổng vốn đầu tư hơn mười mấy nghìn tỷ. Các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ và tài chính, ngân hàng đều được chuẩn bị khá bài bản. Nhưng khi mình ra đến thị trường thì lần chào bán sản phẩm đầu tiên không được như kỳ vọng. Bản thân tôi cũng sốc. Vào thời điểm đó, thị trường bất động sản đã hồi phục, có những dấu hiệu rất tốt. Ra thị trường lúc tốt như vậy mà sản phẩm không được đón nhận thì thực sự khiến tôi lo lắng. Không chỉ tôi, mà cả bộ máy cũng vậy.

Để vượt qua điều đó, chúng tôi xác định phải chứng minh cho thị trường thấy mình trẻ nhưng không hề “non”. Các đối tác làm việc với chúng tôi là minh chứng cho điều đó. Họ là những đơn vị thực sự mạnh. Họ cũng luôn biết lựa chọn đối tác xứng tầm chứ không bao giờ làm chỉ vì tiền. Chưa kể, họ cũng luôn tìm kiếm những đối tác có khả năng đi đường dài. Cùng lúc, chúng tôi cũng phải chứng minh sức mình bằng kinh nghiệm đầu tư 12 năm ở khu công nghiệp. Nhưng quan trọng, chúng tôi giới thiệu kỹ các sản phẩm của mình. Tôi tự hào vì những thiết kế của TNR được thị trường khen rất tốt, dù vậy, chúng tôi vẫn thay đổi thêm một số điểm để tốt hơn. Sau đó, khách hàng quay lại. Và tôi có nụ cười trong bức tranh đó.

Tôi có đọc một bài báo trên mạng. Bài báo có ảnh bà đứng cạnh một người bạn là hoa hậu áo dài và bà được giới thiệu là người đẹp Vân Hà.

Khi bạn đưa bài báo đó lên, tôi cũng gọi điện và nói sao lại không giới thiệu đúng hình ảnh của mình. Bạn nói rằng, hình ảnh của tôi là doanh nhân thì rõ rồi, ai vào facebook  hay đọc về tôi thì đều biết về điều đó. Thế nên bạn muốn đưa một hình ảnh nhẹ nhàng về tôi. Tôi tôn trọng ý muốn của bạn. Bản thân tôi tự thấy mình cũng còn trẻ và ai cũng muốn là người đẹp cả. Không có ai là xấu hết, chỉ có biết làm đẹp hay không.

Để làm một người đẹp, chắc chắn bà phải “trả giá” cho việc đó chứ. Bà đã thu xếp ra sao?

Tôi là phụ nữ,  tôi cũng duy mỹ. Vì thế tôi luôn muốn đẹp nhất có thể trong khả năng của mình.

Tôi hay có những cuộc họp với đối tác bên ngoài, khi đó phải chỉn chu hơn, tóc phải sóng bồng bềnh. Nhưng vì quá bận, không ra tiệm sấy được nên tôi phải hy sinh bằng cách vừa họp với nhân viên vừa quấn đầy lô trên đầu (cười). Tôi thu xếp như vậy và lâu dần nhân viên cũng quen với hình ảnh đó.

Tôi thường tập thể dục mỗi ngày vào 5 giờ sáng. Có thể hôm trước thức tới 1-2 giờ sáng nhưng hôm sau tôi vẫn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng để đi tập gym. Có những hôm mưa phùn gió bấc, đến phòng tập chỉ thấy có một mình, nhưng tôi vẫn tập. Đã thành thói quen như vậy rồi. Tôi không chỉ giữ cho mình đẹp mà còn giữ cho mình ý chí, tinh thần luôn khỏe mạnh, nhiệt tình, đầu óc tươi trẻ. Tôi được dạy từ nhỏ phải giữ da thế nào, giữ dáng ra sao. Tôi chú tâm đến cả cách ăn uống, sử dụng mỹ phẩm nữa. Đối với tôi, những điều đó giúp cho cuộc sống của mình cân bằng giữa một bên là công việc áp lực, căng thẳng, nhiều cạnh tranh với một bên là những thói quen, sở thích rất đời thường của phái nữ.

Tôi tham gia khá nhiều môn để giữ dáng. Trước tôi bơi, sau đó sợ ảnh hưởng tới làn da tôi chuyển sang tập zumba, aerobic, gym và mới đây là kick fit. Tôi luôn luân chuyển bài tập để không bị nhàm chán và bão hòa. Huấn luyện viên sẽ giúp tôi chỉnh bài tập để không bị quên một nhóm cơ nào. Tôi tập lâu rồi, khá tự tin mình hiểu nguyên lý tập, nhưng có những lúc vẫn ngạc nhiên vì có kiến thức mình chưa biết. Điều đó cũng giúp tôi có thêm động lực.

Trong công việc, ai là huấn luyện viên của bà?

Tôi nghĩ trong công việc, thành công như kế hoạch luôn khó. Nhưng chính khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu sẽ là huấn luyện viên của mình. Đúng hơn, không có ai hướng dẫn mà mình phải tự quản điều đó, vượt qua nó để thành công. Mà khó khăn thì nhiều vẻ. Có lúc, đối thủ cạnh tranh làm mình bị ảnh hưởng. Có khi nội bộ không giữ được nhân sự giỏi. Những chuyện đó có thể xảy đến cùng lúc khiến làm thay đổi tình thế càng khó khăn. Lúc đó, phải nhìn xem khó khăn nào là quyết định. Vẫn câu chuyện TNR hồi 2013. Chúng tôi phải cân nhắc đâu là khó khăn thực sự, đâu là giá trị. Và chúng tôi đã chứng minh với thị trường rằng chúng tôi có tiềm lực thực sự vì chúng tôi luôn đảm bảo xây dựng đúng tiến độ, chúng tôi có các nhà thầu lớn cùng hợp tác. Kể cả khi giấy phép bị chậm chúng tôi vẫn đúng tiến độ bàn giao cho khách hàng. Cứ thế, chúng tôi vượt qua từng khó khăn, tôi luyện chính mình và rồi sau đó, khách hàng lại đến.

Một doanh nhân thành công, nhưng bà để mở facebook, ai cũng có thể vào tương tác được. Vì sao lại như vậy.

Tôi sử dụng facebook khi còn rất trẻ nên muốn đó là nơi đưa lên những hình ảnh tươi trẻ của mình. Còn nếu ai quan tâm, bằng hình thức này hay hình thức khác thì người ta cũng biết thôi. Những điều tôi đưa lên đó cũng nhẹ nhàng, văn minh thì không đến nỗi bị ai quá ghét. Còn nếu đã bị ghét thì không có facebook người ta cũng sẽ không thích mình rồi. Tôi vẫn đưa ảnh khi có cảnh đẹp, khi có bạn bè. Phần nào đó nó cũng thể hiện con người tôi, yêu hoa, yêu hoạt đông ngoại khóa, du lịch, shopping, giao lưu cùng bạn bè.

Chỉ có điều quan điểm của tôi là không đưa công việc lên facebook. Thời gian, khối lượng mình làm việc đã lớn rồi. Thậm chí đỉnh điểm nó chiếm 2/3 thời gian của mình. Vì thế, trên facebook luôn là điều gì đó mang đến cân bằng, của riêng mình, để mình chia sẻ những bức ảnh đẹp, không gian đẹp, những lúc mình rất hạnh phúc, rất vui vẻ và mình lưu giữ nó.

Bà nói không đưa công việc lên facebook, nhưng có một dự án đã xuất hiện  trên đó. Đúng hơn là thông tin về những viên gạch gốm được đặt để trang trí không gian của TNR Goldmark city. Những viên gạch được đặt nghệ nhân làm. Một dự án lớn nhưng được khoe bằng một chi tiết siêu nhỏ.

TNR Goldmark city là dự án đầu tiên bên tôi triển khai và nó mang lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Cảm giác đó như người thân, ruột thịt, một đứa con tinh thần mình được sinh ra trong thời điểm khó khăn. Và khi thấy nó đẹp đẽ hồng hào như bây giờ tôi rất tự hào. Thời điểm đấy, tôi rất hưng phấn và đưa thông tin lên không phải để PR hay bán nhà, vì nếu để PR thì tôi sẽ chọn thông tin khác như giá cả, dịch vụ chẳng hạn. Cái tôi đưa lên đó là niềm tự hào.

Tôi nhớ, lần đầu tiên đến đó, chỉ có cỏ xanh ngút ngàn, hoàn toàn không có bóng dáng gì của một dự án hoành tráng như bây giờ. Mình tham gia từ chuyện rất nhỏ. Tôi dạo quanh dự án đó rất nhiều lần, tự làm những việc rất nhỏ như tự mình đi mua đồ làm những cái lễ đầu tiên, tự luộc khoai, luộc ngô cúng chúng sinh, tự nấu các loại chè… Bây giờ TNR có bộ máy để làm những việc như thế, lễ của TNR rất hoành tráng nhưng tại thời điểm đó chính tôi làm việc sửa lễ. Không phải do không có nhân viên mà do tôi muốn tự mình làm. Mình trân trọng mảnh đất mình xây công trình lớn như là xây nhà cho chính mình với mong muốn sẽ làm cho khu đất càng thịnh vượng hơn.

Nói về kỷ niệm rất là nhiều, tuy nhiên, vì sao tôi lại yêu quý mảnh gốm bé trong cả công trình lớn? Vì tôi muốn tập trung vào việc đem đến khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà nhiều khi chính họ cũng không tưởng tượng được mình đã mất công đến như vậy. Với một công trình lớn như Goldmark City, chúng tôi đã mời một công ty landscape rất nổi tiếng, họ cũng thiết kế những cảnh quan, chùm cây tỏa bóng mát giống như ở Singapore. Nhưng, vì muốn nó phải khác với những công trình tương tự ở Singapore, chúng tôi sử dụng những viên gạch gốm đó để trông nó phù hợp với cư dân Goldmark city hơn và đó phải là sản phẩm của Việt Nam vì chúng ta tự hào với truyền thống làm gốm của cha ông ta từ xưa. Những mảnh gốm đó đã được đưa từ Đà Nẵng về, rồi qua bàn tay các thợ gốm ghép hoàn toàn thủ công.

Với những công trình quá rộng lớn, quá đa dạng người sử dụng như vậy mọi người vẫn nghĩ phải sử dụng máy móc, xây dựng theo xu hướng hiện đại hóa, có tính hệ thống lớn hơn. Nhưng với những gì chúng tôi thấy cần mang tính nghệ thuật và tâm huyết, chúng tôi sẵn sàng sử dụng thợ thủ công để làm. Chúng tôi rất trân trọng sự tỉ mỉ đó. Nếu không nói ra thì mọi người sẽ chỉ thấy nó đẹp thôi, và không biết nó tỉ mỉ, vất vả thế nào. Vất vả không phải vì để bán sản phẩm đâu mà là vất vả bởi vì mình yêu nó và muốn đấy là một điểm nhấn.

Tôi đi ngang qua bàn nhân viên, thấy họ dán lên bàn câu “Phải kiểm soát đến từng chi tiết”. Kiểm soát - một từ gợi quyền lực, thậm chí rất nam tính. Cảm giác của bà khi nhân viên đặt yêu cầu như thế?

Ở một số hạng mục công việc cần tính chính xác cần dùng nguyên tắc đó, kế toán, kiểm toán chẳng hạn. Những bộ phận liên quan đến con số cần kiểm soát từng chi tiết thật vì những con số họ đưa ra ảnh hưởng tới cả bộ máy. Tuy nhiên, không phải áp dụng tất cả các bộ phận. Marketing, nghiên cứu thị trường thì lại cần sự bay bổng, luôn mới, tránh lối mòn. Ngay cả với tôi cũng vậy. Một số việc phải kiểm soát vì quyết định của mình nếu sai lầm sẽ ảnh hưởng cả bộ máy. Nhưng ngược lại có việc lại thoải mái.

Bà từng nói, luôn ưu tiên cho nhân viên lâu năm vì đó là những người cùng bà tạo dựng giá trị. Vậy giá trị bà muốn tạo dựng ở TNR là gì?

Tôi trải qua nhiều cung bậc khi vận hành bộ máy đủ để nhận thấy không đam mê thì giỏi đến mấy cũng rời bỏ, hoặc thất bại. Vì thế, giá trị tôi muốn xây dựng là đam mê. Những nhân viên làm cùng tôi lâu năm từ những bộ phận khác nhau: nghiên cứu thị trường, kinh doanh, marketing, hành chính, phát triển sản phẩm. Họ đều là nhân viên thôi nhưng tôi luôn đánh giá cao họ. Họ theo tôi từ những ngày đầu tiên đến khi  TNR có vị thế như bây giờ. Đó là một quãng đường dài, nhiều cung bậc kinh khủng. Có những lúc chúng tôi làm thâu đêm suốt sáng, việc đáo hạn liên tục, lúc nào cũng thường trực tinh thần có việc là ở lại làm, công tác liên miên. Với những bạn trẻ mới có gia đình, hoặc con nhỏ thì đó là thời kỳ khó khăn, nếu không quyết tâm họ sẽ rời đi.

Bản thân tôi cũng không tự đặt giới hạn trong sử dụng nhân sự. Thời điểm TNR cần người giỏi, tôi sẵn sàng săn và tìm trên thị trường, tìm người giỏi nhất, đánh giá tốt nhất, đắt nhất qua các công ty nhân sự. Nhưng cũng theo kinh nghiệm của tôi, những người rất nổi trên thị trường, rất giỏi, chưa chắc thích hợp. Trong khi đó người theo mình từ đầu, ngoài chăm chỉ họ cũng rất thông minh, nhạy bén. Họ đi cùng mình qua những việc khó khăn. Làm việc với những đối tác giỏi, như công ty kiến trúc thiết kế giỏi, họ cũng học được cách nhanh nhạy để phản biện... Sau nhiều sàng lọc, những nhân viên đi lên từ chính công ty lại là người rất thích hợp. Mình đào tạo và cho họ cơ hội. Họ đã qua tôi luyện. Do đó, những vị trí chủ chốt của TNR đều là nhân sự lâu năm. Chúng tôi đưa cho họ cả áp lực và cả cơ hội.

Tính trung thành của người lao động với tổ chức liệu có mặt trái hay không. Chẳng hạn, nó có giảm tinh thần tự phê phán trong tổ chức hay không. Văn hóa tự phê của TNR có phát triển không?

Cả ở TNR và TNG, điểm mạnh của chúng tôi là tính cạnh tranh cao, không có chuyện ma cũ bắt nạt ma mới. Chúng tôi vẫn có người mới tiếp tục vào  những vị trí cao cấp. Nếu chúng tôi thấy thiếu mảng nhân sự mới, chúng tôi vẫn cần người giỏi lĩnh vực mới đó về. Công ty duy trì đánh giá nhân sự, có tỷ lệ đào thải để tránh trì trệ. Tôi rất thích tư duy “start up” - lúc nào cũng là người khởi nghiệp, là lính mới.

Nói đến TNG và TNR phải nói đến bà Nguyệt Hường. Bà muốn nói gì về bà Nguyệt Hường không?

Chị Hường là người phụ nữ rất tuyệt vời, một người truyền cảm hứng. Tôi cũng nhìn chị và học tập rất nhiều vì chị là người đi trước, là chủ và người xây dựng lên TNG ngày hôm nay. Chị là người giỏi trong kinh doanh, đa tài, cũng làm thơ, tiếng Nga rất giỏi, rất nữ tính và khi cần lại vẫn sắc sảo mạnh mẽ.

Còn về quan điểm cá nhân thì tôi nghĩ chị là người quý và tạo điều kiện cho giới trẻ như tôi bứt phá trong thời điểm hiện tại. Nếu không có chị ấy, tôi không có được thành công như ngày hôm nay. Nhiều khi trong công việc chúng tôi có ý chí khác nhau. Nhưng tổng hòa thì chúng tôi rất tôn trọng. Nó là mối quan hệ sâu sắc và bền chặt.

Bà là một tiến sĩ từ nước ngoài về. Bà có gặp định kiến gì về việc đó không?

Tôi nghĩ nhiều người biết tôi có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về thì ngạc nhiên. Họ vẫn cho rằng với doanh nhân, tố chất trong kinh doanh quan trọng hơn vấn đề mang tính học thuật. Nhưng tôi thấy nó lại rất bổ khuyết cho mình. Vấn đề là mình định hướng mình thế nào thôi. Trường tôi học là Copenhagen Business School - một trường đứng thứ 3 về đào tạo kinh doanh ở châu Âu. Bản thân tôi cũng được đào tạo tài chính. Nên đối với tôi nó cho tôi phương pháp tiếp cận vấn đề tốt.

Bà công khai việc có nhiều bạn  bè trong giới giải trí. Điều đó có khiến bà phải chịu nhận xét tiêu cực gì trong kinh doanh không?

Họ là những người có chung sở thích với tôi về cái đẹp. Chúng tôi có thể nói với nhau về thời trang, trang điểm. Họ không quá quan tâm đến việc tôi kinh doanh gì, chúng tôi chỉ nói với nhau về cái mới của thị trường thời trang. Một nữ doanh nhân cũng có tuổi thanh xuân, cũng muốn được sống đa dạng chứ.

Những người bạn gắn bó với nhau ở những mối quan tâm chung. Tôi cũng không nghĩ rằng, điều này có gì ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của mình. Ở TNR, chúng tôi có một văn hóa là “nói chuyện với nhau bằng con số”. Kết quả nói lên tất cả, chứ không phải ở cuộc sống riêng tư.

Một số người nhận xét bà thuộc mẫu người có khả năng truyền cảm hứng. Điều này có liên quan đến việc bà luôn nỗ lực chăm sóc cho bản thân mình đẹp hơn không?

Tôi cũng có được nghe mọi người nhận xét mình có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Tôi tự hào về điều này. Bản thân sự nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt đến một thành quả nhất định cũng đã truyền đi nhiều cảm hứng tích cực. Để thành công, không thể thiếu sự nỗ lực. Tôi cho đây là yếu tố quan trọng.

Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, khi mình nỗ lực để đẹp hơn, có thể mình cũng sẽ truyền cảm hứng tốt hơn. Và, tôi cũng rất muốn phát huy điểm này. Mọi phụ nữ đều đẹp. Họ tự tin hơn khi họ trở nên xinh đẹp hơn. Và, như một sự cộng hưởng, phụ nữ càng tự tin, lại càng xinh đẹp. Đó thật sự là một điều truyền cảm hứng cho mọi người.

Trong giáo trình của các trường kinh doanh quốc tế, việc tạo hình ảnh của người lãnh đạo rất quan trọng. Bà có vận dụng những bài học đó trong công việc không? Làm đẹp là tự thân hay là một phần công việc.

Đa phần là tự thân. Nhưng đúng là với doanh nhân nữ hiện đại, người giỏi và rất giỏi không chỉ khoanh vùng giỏi trong việc kinh doanh. Họ thông minh và giỏi nhiều lĩnh vực. Tôi còn có nhiều điều phải học vì tôi xác định không thể chỉ giỏi trong kinh doanh bất động sản, mà phải mở rộng những điều mình hiểu biết. Nếu lĩnh vực khác ngoài công việc mình cũng có hiểu biết, chẳng hạn như chơi thể thao cho giới trẻ, tự tạo style riêng biệt thì sẽ toàn diện hơn.

Nam giới chiếm đa số trong hệ thống CEO ở Việt Nam. Bà có thấy khó khăn gì khi làm việc với họ không không, chẳng hạn, việc phải dự tiệc khuya, uống rượu.

Chúng tôi vẫn ăn cơm với CEO khác. Trong cách làm việc mọi người rất tôn trọng và đánh giá cao nhau.Tôi không không nhận ra dấu hiệu của đánh giá cô ấy là nữ giới và cô ấy thua kém năng lực. Họ ứng xử tôn trọng và lắng nghe mình. Tôi thấy, nếu không lắng nghe thì không phải vì mình là nữ mà vì mình chưa thuyết phục được thôi. Không có rào cản định kiến giới ở đó. Tôi thường chọn ăn trưa bàn công việc vì buổi tối dành cho gia đình. Và vì là nữ, tôi thấy mình có thể chọn một chút vang, có thể không uống. Tôi lại thấy nữ giới là một lợi thế vì người ta tôn trọng, không ép buộc.

Thời gian gần đây có nhiều khóa học dạy làm thế nào để trở thành người phụ nữ hạnh phúc. Họ đều nhấn vào sự hồn nhiên. Bà có nghĩ làm doanh nhân thì sẽ mất đi cơ hội hồn nhiên không?

Tôi nghĩ nếu  bó mình trong công việc, trong con số thì đúng mất đi sự hồn nhiên thật. Mình cũng không thể đưa sự hồn nhiên vào công việc. Nhưng chính vì thế lại quay lại câu chuyện về căn bằng. Nếu 24  tiếng chỉ nghĩ mình là doanh nhân sẽ hỏng. Tôi chỉ xác định là doanh nhân khi làm việc, còn khi ra khỏi văn phòng phải trở về đúng con người thực của mình. Tôi nghĩ chúng ta vẫn phải giữ được sự hồn nhiên của mình thôi. Đó là trong tận hưởng, tham gia vào ngoại khoá hay du lịch, gặp gỡ bạn bè, du lịch, thể dục… Tôi là người thích làm thơ, mỗi khi có việc xúc động tôi lại làm những bài thơ nho nhỏ. Tôi vẫn giữ cho mình sự lãng mạn như vậy…“.

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
03.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.