Những ngày cuối tháng chạp không ngừng phả mùi tết vào không gian. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng thoang thoảng mùi đường, mùi bột gạo, bột nếp, bột đậu xanh, mùi gừng... Bọn trẻ khoe nhau những thứ bánh nhà làm. Có đứa không tin, nói bánh đó nhiều tiền lắm, nhà mày sức mấy mà làm nổi bánh đó. Vậy là ngay lập tức cả bọn kéo nhau rồng rắn đi... kiểm tra

Còn nhớ như in mình đã... rỏ dãi như thế nào trước những cái bánh bò hồng hồng, xanh xanh thoảng thơm dìu dịu. Bánh bò không để lâu được, chỉ làm để cúng giao thừa và đãi khách thăm xuân sáng mùng 1 tết. Vậy nhưng nhà nào cũng làm vì ý nghĩa “đại lợi” của bánh: Chỉ có chút bột nhỏ xíu nhưng “nghe” lửa là bung nở như nắm tay. 

Mình đã từng “nín thở” ngồi nhìn mẹ và chị làm bánh bó. Cán mảng bột nếp đã nhồi nhuyễn ra, xếp những miếng trái cây đã rim với đường rồi cuốn lại. Chỉ vậy thôi, nhưng khi xắt ra đĩa, miếng bánh bó mê hoặc mình bởi mùi thơm ngào ngạt. Bánh bó có thể để lâu đến nửa tháng. Mình nhớ buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, nhờ những lát bánh bó “thần thánh” mình mang theo mà tụi nhóc xúm vào “xin xỏ”, đứa nào cũng lịch sự gọi tên mình: Bạn Duyên ơi!


Bánh đậu cũng làm mình “thổn thức” lắm. Bột đậu xanh phối với nước đường thôi mà làm nên cả một... thiên đường thơm ngọt. Bánh mặc áo giấy đỏ. Chưng lên bàn thờ sáng lên cái màu thịnh vượng. Ăn xong, áp giấy đỏ vào môi, đứa nào trông cũng giống con gái xuân thì.

Mình cũng mê bánh nổ lắm. Những hạt nếp rang lên, nở như bông tuyết. Sên đường với gừng, trộn vào những “bông tuyết” ấy rồi đóng thành từng cái bánh vuông vức. Ôi chao! Chỉ biết ngậm mà nghe miếng bánh đậm đà từ từ tan chảy.

Hơi cầu kỳ một chút là bánh thuẫn, được làm từ hỗn hợp bột bình tinh, đường và lòng đỏ trứng gà. Cho vào khuôn chờ bột dậy lên, nở như hoa huệ thì vớt ra. Mình ngồi chờ cái bánh nào cháy hoặc bánh “thầy tu” (không nở) thì ngửa tay xin. Chị cho nhưng mắng, nói cầm rồi biến đi ông tướng, ngồi đó mà trù ẻo xui lắm. Mình “ôm” bánh ra sau hè nhâm nhi, thấy tết thật dễ thương.


Riêng với bánh tổ, mình “thổn thức” nhất là độ dẻo thơm và cái ngọt nhè nhẹ, êm êm, ru ru, dìu dịu vương đọng trên mặt lưỡi. Bánh được làm từ bột gạo ngào với nước đường sên cho đúng màu vàng óng. Khi dọn cho khách thăm xuân, mình thường được mẹ dúi cho miếng sau cùng. Bánh tổ ngon nhất là xắt miếng rồi chiên lại với tí dầu ăn. Miếng bánh se lại, ngưng đọng cái mùi vị beo béo, thơm thơm, ăn miếng nào cũng thấy ngọt ngào như tết

Bây giờ, các loại bánh “công nghiệp”, bánh ngoại nhập lên ngôi nên bánh truyền thống dần “nhạt nhòa” đi. Nhưng với mình, hương vị những thứ bánh quê nhà vẫn đậm đà trong trí nhớ. Bởi vậy mới có một chiều giáp tết như chiều nay, mình ngồi nao nao nhớ bánh tết những xuân nào.



Báo Thanh Niên
05.02.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.