Malala Yousafzai - biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới

10/10/2014 18:20 GMT+7

(TNO) Malala Yousafzai, nữ sinh Pakistan 17 tuổi vừa được trao giải Nobel Hòa bình 2014 , đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về đấu tranh bảo vệ quyền được giáo dục cho nữ giới.

:rel:d:bm:LR1EAAA0PQ0IF
Malala Yousafzai phát biểu trong một sự kiện về nữ quyền ở Anh - Ảnh: Reuters

Malala là người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa bình kể từ năm 1901 đến nay, theo tờ Guardian (Anh) ngày 10.10. Cô được cả thế giới biết đến sau khi một tay súng thuộc lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban bước lên xe buýt vào ngày 9.10.2012, hỏi: “Ai là Malala?”, và bắn vào đầu nữ sinh này.

Đối với Taliban, nữ giới không được quyền đi học. Và Malala dũng cảm đấu tranh giành quyền được đi học cho nữ giới nên Taliban muốn thủ tiêu cô bé. Nhưng Malala may mắn thoát chết, được đưa sang Anh điều trị và hồi phục. Kể từ đó, Malala trở thành một biểu tượng quốc tế, một ngôi sao toàn cầu nhờ vào nỗ lực đấu tranh đòi quyền được đi học cho nữ giới.

Vào tháng 7.2013, Malala được mời đến phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tuyên bố cô sẽ không im lặng. Một năm sau đó, nữ sinh này đoạt giải thưởng về nhân quyền Sakharov danh giá của Liên minh châu Âu (EU).

Malala bắt đầu viết blog cho đài BBC vào năm 2009, khi đó cô mới 11 tuổi, mô tả cuộc sống ở thung lũng Swat (Pakistan), dưới sự cai trị tàn bạo và đẫm máu của Taliban. Taliban chiếm Swat kể từ năm 2007. Dưới chế độ Taliban, những người bất đồng chính kiến bị mưu sát, bị phạt roi, phụ nữ bị cấm đi chợ và không được đi học.

Malala đã xuất bản một quyển tự truyện và được mời đến uống trà cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth II, đạt được mức độ nổi tiếng giống như một ngôi sao điện ảnh hơn là một nhà hoạt động nữ quyền. Quyển tự truyện tựa đề “Tôi là Malala” cũng hé lộ một mặt khác của Malala, cho thấy cô cũng là một nữ sinh bình thường như bao thiếu nữ khác, là fan của ca sĩ Justin Bieber, tiểu thuyết lãng mạn ma cà rồng “Chạng vạng”.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN (Mỹ) vào năm 2013, Malala cho biết cô muốn trở thành thủ tướng Pakistan để “cứu nước”.

Vào năm 2013, Malala từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Nhưng Ủy ban Nobel đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vì những nỗ lực nhằm loại bỏ vũ khí hóa học trên thế giới của tổ chức này.

Vào ngày 10.10, quân đội Pakistan cho biết họ đã bắt giữ 10 nghi phạm thuộc Taliban dính líu đến âm mưu sát hại Malala. Tuy nhiên, Taliban nói 3 người đàn ông định giết chết Malala, một đã chết và hai người khác hiện vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Tại quê nhà, nhiều người vẫn hoài nghi Malala là một hình tượng do phương Tây cố tình tạo ra để làm hủy hoại hình ảnh của đất nước Pakistan, theo Reuters.

Phúc Duy

>> Nữ sinh 17 tuổi giành Nobel Hòa bình 2014
>> Malala Yousafzai nhận giải thưởng hòa bình
>> Taliban hối tiếc về vụ bắn nhà hoạt động thiếu niên Malala Yousafzai
>> Ủng hộ "Cô bé dũng cảm” Malala Yousufzai
>> Cuộc chiến của Malala

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.