Mang rác về quê

08/06/2011 00:33 GMT+7

Về nông thôn bây giờ, ít khi thấy những tàu lá chuối dùng để gói thức ăn mua từ chợ mà thay vào đó là túi nylon. Sử dụng xong là người ta vất chúng ra vườn vì ở nông thôn không có xe gom rác.

Vì vậy, sau mỗi trận lũ lớn, một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt người đi đường là cơ man những túi nylon với đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng giăng mắc trên các bụi tre ven các sông ngòi, kênh rạch. Nhưng rác từ túi nylon cũng chỉ làm “xốn” mắt chứ chưa đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của con người bằng các loại “rác” sẽ được đề cập dưới đây.

Hiện nay, địa phương nào cũng có “khu công nghiệp làng nghề” với số diện tích, ít thì mươi héc-ta, nhiều thì lên đến vài chục héc-ta. Ngoài số tiền mà ngân sách bỏ ra để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp làng nghề này lên đến hàng chục tỉ, người nông dân còn phải chịu mất số diện tích đất canh tác, có khi đó là bờ xôi ruộng mật của họ.

Nhưng kết quả từ các nhà máy tại các làng nghề này mang lại là gì? Hẳn mọi người đều biết, các nhà máy tại khu công nghiệp làng nghề đều được sử dụng từ đồ thải ra, hay nói khác đi, đó là các loại máy móc đã quá “đát”, được các ông chủ ở những khu công nghiệp lớn bán tháo để thay đổi công nghệ mới hơn, chất lượng sản phẩm làm ra tốt hơn và cũng thân thiện với môi trường hơn. Không khó để nhận ra tên gọi của các bảng hiệu tại khu công nghiệp làng nghề: cơ sở chế biến giấy, nhà máy nhựa…

Thực chất của các nhà máy này là “tái sinh” những thứ đã “chết”, như giấy lộn, các vật dụng bằng nhựa đã cũ hoặc rách nát. Để cho chúng “tái sinh” như mới, các cơ sở sản xuất buộc phải sử dụng hóa chất để tẩy bẩn. Thứ hóa chất này, sau khi “làm mới” đồ nhựa và giấy, được các nhà máy xả thẳng ra sông, suối mà không qua bất kỳ một khâu xử lý nào để làm sạch môi trường nước mà chúng sẽ “hòa nhập”. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy các khu công nghiệp làng nghề thường chọn vị trí ven sông, suối. Và cũng không ngạc nhiên khi dòng sông xanh biếc ngày nào giờ được nhuộm đen bởi nước thải từ các nhà máy. Các loài thủy sản chết không kịp ngáp đã đành, các khu dân cư sử dụng nguồn nước giếng cũng bị nhiễm bẩn theo do nước bẩn từ các nhà máy thẩm thấu vào. Nhựa hay giấy thì “tái sinh” còn người dân sống quanh các khu công nghiệp thì “chết” từ từ!

Các khu công nghiệp làng nghề này đã giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn với mức thu nhập cao hơn làm ruộng, đó là một thực tế, song mức độ nguy hiểm mà nó mang lại cho làng quê thì chưa ai đo đếm được. Đem lại sự khởi sắc cho nông thôn thì chẳng đáng là bao mà mang rác về quê thì hiển hiện trước mắt.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.