Mạng sống của chúng ta lại nằm trong tay người khác

03/01/2019 11:27 GMT+7

Cần kiểm tra lại cơ chế giám sát đối với những người điều khiển phương tiện quá khổ như xe khách, xe container.

Theo dõi vụ tai nạn xảy ra tại Bến Lức, Long An vừa qua mà tôi thấy rùng mình kinh hãi và trên hết đó là cảm giác bất lực. Nếu không may ở vào vị trí của những nạn nhân xấu số đó thì có lẽ kết cục của tôi cũng chẳng khác gì họ. Tôi sợ rằng lái xe cẩn thận vẫn chưa đủ, sự an toàn của chúng ta còn phụ thuộc vào tay người khác mà trong trường hợp này là cái tâm của những người lái xe container.
Trước tiên phải nói rằng, tôi không hề có thành kiến với những người làm nghề tài xế. Họ cũng chỉ là con người, đằng sau họ còn có cả gia đình phải nuôi dưỡng và tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên điều đó không làm thay đổi thực tế rằng, các phương tiện tham gia giao thông mà họ điều khiển như xe khách, xe tải, xe đầu kéo... tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu người điều khiển xử lý không cẩn thận có thể gây ra tai nạn đáng tiếc.
Tôi biết có những bác tài rất có tâm với nghề, lái xe điềm tĩnh, cẩn thận nhưng cũng có không ít lái xe phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, ỷ vào xe to chèn ép người đi đường. Hầu hết nguyên nhân tai nạn đều xuất phát từ đây mà ra chứ không hẳn tài xế xử lý kém.
Để nhận được bằng lái xe, các tài xế phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng lái xe nhưng không có cách nào kiểm tra được tư cách đạo đức của họ. Tất cả trông chờ vào sự tự giác của những người trong nghề, điều này quá may rủi, cần có thêm cơ chế giám sát đối với những tài xế lái xe khách, xe tải, xe đầu kéo... Sở dĩ ngành hàng không có tỉ lệ tai nạn thấp bởi ngành này có tiêu chuẩn rất gắt gao đối với cả phương tiện và người hành nghề phi công.
Chỉ một sai lầm của tài xế xe container gây ra thiệt hại rất lớn
Sau vụ tai nạn vừa qua, có nhiều người kêu gọi phải tăng nặng hình phạt đối với những lái xe gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo tôi, điều đó là không cần thiết. Điều chúng ta cần làm là ngăn tai nạn xảy ra chứ không phải nghĩ cách trừng phạt họ sao cho thích đáng. Mọi người đang hướng hết mũi dùi về phía các tài xế mà quên đi một nhân tố khác quan trọng không kém. Đó là các chủ doanh nghiệp vận tải. Cùng với tài xế, họ là những người quyết định sự an toàn khi tham gia giao thông.
Lái xe có người giỏi người kém nhưng tôi dám khẳng định gần 100% tài xế đều chịu áp lực về mặt thời gian. Chạy nhanh để bắt thêm khách, thêm chuyến và thêm tiền. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước đây đã có hẳn một phóng sự về việc tài xế lái xe đường dài sử dụng ma túy để giữ tỉnh táo có sức chạy suốt ngày đêm không nghỉ. Tôi nghĩ rằng không phải lái xe nào cũng muốn liều mạng chạy nhanh mà vì đó là yêu cầu từ phía chủ thuê. Như ở nước ngoài, đã có chế tài xử lý các chủ nhà xe nếu phát hiện hành vi gây sức ép lên tài xế. Thậm chí các khách hàng ký hợp đồng vận chuyển mà đưa ra yêu cầu quá gấp về mặt thời gian, không thể thực hiện được một cách an toàn cũng bị phạt hành chính.
Dù đã lắp thiết bị giám sát nhưng hiện tượng chạy quá tốc độ vẫn thường xuyên xảy ra
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các phương tiện xe tải, xe khách khi tham gia giao thông. Theo lý thuyết, các thiết bị này có nhiệm vụ gửi thông tin về Tổng cục đường bộ khi phát hiện hành vi chạy quá tốc độ, chạy xe không dừng nghỉ… Nhưng thực tế, tôi vẫn thấy những chiếc xe khách chạy như bay trên đường, nhất là các xe giường nằm và các xe chất lượng cao Limousine. Không rõ Tổng cục đường bộ có quản lý trực tuyến các hành vi vi phạm hay không hay là các tài xế bằng một thủ thuật nào đó đã vô hiệu hóa các thiết bị giám sát này? Hoặc đây chỉ là căn cứ để xử phạt các tài xế khi mà sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi.
Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý để những người dân như tôi không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi dừng đỗ xe chờ tín hiệu giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.