Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng

29/09/2024 19:04 GMT+7

Mới đây, một số tài khoản mạng xã hội chia sẻ các hiện tượng được cho là 'dị tượng', 'thiên tượng' kèm theo là những thông tin mang tính mê tín khiến người xem hoang mang. Thực hư thế nào?

Trước, trong và sau cơn bão Yagi lịch sử, nhiều hiện tượng trên bầu trời được chụp lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Đó có thể là những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên gợi nên những liên tưởng thú vị, nhưng cũng có những hiện tượng được một số tài khoản gắn mác là "thiên tượng", "dị tượng" lan truyền những thông tin mê tín, xuyên tạc, không có cơ sở khoa học khiến dư luận bức xúc.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ

Nhiều thông tin mê tín

Mới đây nhất, những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một vệt đen được liên tưởng giống với con rồng uốn lượn giữa mặt trời chói chang, được nhiều trang mạng xã hội chia sẻ, khẳng định chụp ở Tây Ninh hồi cuối tháng 9.

Tài khoản A.S có gần 35.000 người theo dõi cũng đăng tải hình ảnh trên, kèm theo chú thích dài lan truyền những thông tin mê tín. "Đây là thiên tượng xuất hiện ở Tây Ninh mà mọi người gửi cho A.S sáng 28.9. A.S nhìn thấy giống như con rồng bị lật ngửa lên trời đợi người ta làm thịt, bị mặt trời che kín, đốt đen thui.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 1.

Những hình ảnh được nhiều tài khoản gắn mác "dị tượng", "thiên tượng", lan truyền những thông tin mê tín

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

"Điềm này không phải là điềm tốt. Cẩn thận thiên hạ sẽ có loạn lớn. Nói riêng ở Tây Ninh thì có thể là lửa cháy lớn ở đâu có cũng không chừng. Đây chỉ là suy đoán của A.S thôi". Tài khoản này cũng khẳng định nếu trong mặt trời có "vết đen" thì sẽ có "đại nạn".

Giải mã đám mây đỏ rực ở Lào Cai khiến dân mạng xôn xao

Ngay sau đó, bài viết kèm hình ảnh, clip đã nhận về gần 400.000 lượt xem, 6.000 lượt thích, bình luận và chia sẻ. Nhiều người để lại bình luận, bày tỏ sự hoang mang về những nhận định của tài khoản A.S này. Không chỉ tài khoản A.S, một số tài khoản khác cũng chia sẻ hình ảnh nói trên và khẳng định rằng đây là "các hiện tượng kỳ lạ".

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 2.

Nhiều trang mạng đăng tải những điềm báo về tai họa có thể xảy ra khi xem hiện tượng thời tiết

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chưa rõ thực hư, tính chân thực của những bức ảnh này, tuy nhiên dưới góc độ khoa học, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM (HAAC) khẳng định vệt đen được liên tưởng tới hình ảnh con rồng không phải vết đen mặt trời như tài khoản A.S chia sẻ.

"Vết đen thì không thể nào to như vậy. Khả năng cao, những bức ảnh này đã qua chỉnh sửa, nếu cho hình ảnh giống con rồng là mây đi qua mặt trời cũng không thể có những chi tiết nhỏ tương phản tốt như vậy. Chưa kể, những thông tin nói về thiên tượng, điềm báo cũng là mê tín, không có cơ sở khoa học", ông Tuấn chia sẻ.

Có thể lý giải hình ảnh dưới góc độ khoa học

Ngày 20.9 mới đây, hình ảnh và clip về đám mây đỏ rực trên bầu trời Sa Pa (Lào Cai) được chia sẻ "chóng mặt" trên mạng xã hội. Hình thù đám mây được nhiều người liên tưởng tới hình ảnh chim phượng hoàng tung cánh, như một hình ảnh của tự nhiên.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 3.

Khoảnh khắc một luồng sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây xuống bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng được nhiều người liên tưởng tới điềm lành

ẢNH: ĐỖ HỮU TUẤN

Tuy nhiên, đám mây này cũng được một số trang mạng sử dụng để tuyên truyền những thông tin mê tín dị đoan, cho rằng đây là "điềm xấu", "điềm dữ". Ông Vũ Thế Hoàng, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết những đám mây đỏ rực được chia sẻ nói trên là khoảnh khắc của tự nhiên, không phải hiện tượng lạ.

Vầng sáng chiếu xuyên đám mây xuống tượng Bồ Tát Quán Thế Âm có đặc biệt?

Theo ông Hoàng, thực chất đây là hiện tượng tán xạ, khúc xạ ánh sáng. Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua các lớp khí quyển, lớp mây bị tán xạ vào thời điểm ráng chiều đã khiến đám mây tạo thành màu đỏ rực khi mắt nhìn thấy. Một cách ngẫu nhiên, đám mây được nhiều người liên tưởng tới những hình thù đặc biệt.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 4.

Hình ảnh đám mây giông như sóng thần được chụp ở TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương hồi đầu tháng 9

ẢNH: M.TUẤN

Hồi giữa tháng 9, hình ảnh luồng sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây xuống bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng cũng được dân mạng chia sẻ khắp nơi.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự hứng thú, cho rằng đó khoảnh khắc đẹp và thú vị của thiên nhiên, cũng có những nhận định cho rằng đây là "thiên tượng" dự báo những điểm lành. Trên thực tế, trong ảnh là hiện tượng thường thấy, khi ánh sáng mặt trời xuyên qua phần mỏng của đám mây chiếu xuống mặt đất.

Ngẫu nhiên, ánh sáng này chiếu xuống bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tạo nên một hình ảnh đẹp, được mạng xã hội chia sẻ. "Bản chất nó như tia nắng chiếu qua lỗ nhỏ, khe cửa, hoàn toàn không phải là điềm báo nào", chuyên gia thiên văn khẳng định.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 5.

Đám mây đỏ rực trên bầu trời Sa Pa cũng được một số tài khoản lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trước đó, hình ảnh về những đám mây có hình như "sóng thần" xuất hiện ở khu vực Bình Dương, kế đến là Tây Ninh cũng được dân mạng lan tỏa, kèm theo lo lắng. Một số trang mạng chia sẻ hình ảnh các đám mây trên, nói rằng đó là "điểm báo về tai họa sắp đến".

Tuy nhiên nói về đám mây như sóng thần xuất hiện ở Bình Dương đầu tháng 9, ThS. Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn cho biết những đám mây có hình dạng này là mây giông (mây vũ tích). Loại mây này có nhiều hình dạng, trong những hình ảnh được chia sẻ là một dạng rất mạnh với hình phễu và chuẩn bị xoáy lại. Chân mây thấp, dạng dày đặc và cách mặt đất chỉ khoảng vài trăm mét.

Hình ảnh cho thấy đám mây đang trong quá trình hình thành lốc xoáy hoặc vòi rồng nhưng chưa kịp phát triển. Vòi rồng quét vài chục km có thể cuốn theo xe máy trên đường, cây cối… gây nguy hiểm cho con người. Chuyên gia cho biết, loại mây này phát triển khi gió mùa tây nam mạnh, đi kèm là giông mạnh, sét, lốc xoáy.

Như vậy, đó cũng là hiện tượng thời tiết có thể lý giải bằng khoa học, hoàn toàn không phải dị tượng hay điểm báo.

Làm gì trước những thông tin gây hoang mang?

Ni sư Như Trí, trụ trì chùa Diệu Giác (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, việc nhìn những hình ảnh về hiện tượng thời tiết tự nhiên và liên tưởng đến những điềm báo thiên tai hoàn toàn không có cơ sở hay khoa học chứng minh.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ: Chuyên gia thiên văn, tín ngưỡng lên tiếng- Ảnh 6.

Nhiều người đăng tin sai sự thật liên quan đến các hiện tượng thời tiết

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Thực tế, không ít người hoang mang, sợ hãi khi đọc những những thông tin đó từ mạng xã hội hay truyền miệng. "Theo quan niệm của tôi cái gì đến sẽ đến, đi sẽ đi. Một khi bản thân có đuổi đánh, lấy mọi thứ ngăn chặn điều đó vẫn xảy đến, khi đã đi mà con người cố tình cột dây, kéo lại vẫn không thể ngăn cản", ni sư Như Trí nói.

Về những hiện tượng thời tiết, vị trụ trì nói rằng đó là do thiên nhiên quyết định, con người khó thay đổi. Với những người theo đạo Phật có thể niệm Phật để con người có thể bình an, đối mặt với những khó khăn do thiên nhiên tạo ra.

"Chúng ta không thể nhìn vào những hình ảnh thời tiết tự nhiên rồi suy đoán đó là những điềm báo và sống trong lo sợ. Những người theo đạo Phật có thể cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm cho tất cả chúng sanh tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, những điều xuất hiện được an lành", ni sư Như Trí bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.