Mạng xã hội và cuộc nổi dậy của phong trào Áo phản quang vàng

19/06/2019 06:00 GMT+7

Từ chỗ là cuộc biểu tình của những người phản đối chính sách xăng dầu, phong trào Áo phản quang vàng bị thổi bùng lên với bạo lực và tin giả lan truyền trên mạng xã hội đóng vai trò lớn trong việc gây kích động.

Ngày 17.11.2018, gần 300.000 người mặc áo phản quang vàng xuống đường biểu tình nhằm phản đối việc chính quyền tăng giá nhiên liệu, bắt đầu phong trào kéo dài nhiều tháng khiến chính phủ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lao đao.
Cuộc biểu tình sau đó biến tướng thành bạo lực, cướp bóc, đập phá... gây khủng hoảng triền miên trong suốt thời gian qua với thông tin giả mạo trên mạng xã hội đóng vai trò lớn trong việc gây kích động.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Reuters
Từ phong trào đường phố...
Phong trào Áo phản quang vàng ban đầu là tập hợp của những người biểu tình giận dữ về đề xuất áp đặt thuế môi trường lên xăng dầu nhằm chống biến đổi khí hậu.
Bà Jacline Mouraud, nghệ sĩ accordion, đăng một đoạn video lên Facebook để chỉ trích Tổng thống Macron vì ngó lơ những tác động của mức thuế đối với người nghèo. Đoạn video sau đó được xem hàng triệu lần, được chia sẻ hàng trăm ngàn lần và nhiều người cho rằng đây là một trong những chất xúc tác cho phong trào Áo phản quang vàng hình thành.
Phong trào sau đó lan rộng ra nhiều vấn đề khiến chính quyền Tổng thống Macron đối diện với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi nhậm chức.
Giới quan sát chỉ ra rằng từ ban đầu, mạng xã hội trong đó cụ thể là Facebook đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy phong trào lớn lên khi cho phép người dân sử dụng nền tảng này để tổ chức, lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình.
Tài xế xe tải Eric Drouet, người phản đối việc tăng giá nhiên liệu lập một trang trên Facebook để người biểu tình bày tỏ ý kiến có tên “La France en colère!!!” sau đó thu hút hơn 200.000 thành viên, nhiều hơn dân số của một vài thành phố lớn ở Pháp, theo France 24.
Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân, hội nhóm kêu gọi biểu tình phản đối chính sách một cách ôn hòa thì cũng có những tổ chức lợi dụng mạng xã hội để kích động, châm ngòi bạo lực.
Các cửa hàng ở Paris bị đốt phá Reuters
...thành công cụ kích động
Cảnh sát Pháp hồi tháng 12.2018 mở cuộc điều tra khả năng các tổ chức nước ngoài tham gia kích động cuộc biểu tình thông qua mạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, các tài khoản này bị phát hiện loan tải những thông tin thất thiệt như cảnh sát Pháp "đồng cảm với người biểu tình và quay lưng với chính quyền".
Avaaz, tổ chức vận động cho các vấn đề toàn cầu (trụ sở Mỹ) hồi tháng 3 công bố kết quả khảo sát cho thấy phong trào biểu tình Áo phản quang vàng đã tạo ra một lượng lớn tin thất thiệt trên Facebook.
Cụ thể, Avaaz cho biết các đoạn video liên quan đến cuộc biểu tình bị báo chí truyền thống coi là tin thất thiệt lại được lan truyền và xem đến 105 triệu lần, được chia sẻ 4 triệu lần trên các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook từ tháng 11.2018 đến tháng 3.2019, theo AFP.
Vai trò của mạng xã hội đã dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa tại Pháp về việc liệu các nền tảng như Facebook hay Twitter có gây tổn hại đến khả năng hoạt động của chính quyền. Trên mạng Medium, nhà nghiên cứu Frederic Filloux, giáo sư tại trường Báo chí thuộc Viện nghiên cứu chính trị Paris cho rằng Facebook là chất xúc tác khiến cho người biểu tình thêm giận dữ và kích động hơn.
“Hơn 2 năm qua, việc các đảng phái, tổ chức dân túy chiếm sóng trên mạng xã hội đã làm bại hoại cả chục cuộc bầu cử trên thế giới và mang quyền lực đến cho hàng loạt lãnh đạo dân túy, những người sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến đất nước của họ”, ông Filloux viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.