Mang xuân lên bản xa

29/01/2014 21:21 GMT+7

(TNO) Tờ mờ sáng ngày áp Tết Giáp Ngọ, gần 20 bạn trẻ đi xe máy vượt gần 120 km qua nhiều đèo dốc từ TP.Huế ngược lên Trường mầm non Hồng Thủy, Hồng Bắc của huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) để trao hàng trăm suất quà xuân cho học sinh lẫn giáo viên 'cắm bản' nơi đây.

(TNO) Tờ mờ sáng ngày áp Tết Giáp Ngọ, gần 20 bạn trẻ đi xe máy vượt gần 120 km qua nhiều đèo dốc từ TP.Huế ngược lên Trường mầm non Hồng Thủy, Hồng Bắc của huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) để trao hàng trăm suất quà xuân cho học sinh lẫn giáo viên “cắm bản” nơi đây.

Mang xuân lên bản xa1
Nụ cười xuân của học sinh mầm non Hồng Thủy, huyện A Lưới

Áo dài tặng ngày xuân

Trường mầm non Hồng Thủy đóng ở thôn 4 (thôn Kê), nơi sát nước bạn Lào. Trường có 5 cơ sở lẻ với tổng cộng 39 cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ.

Đại đa số giáo viên và học sinh mầm non ở Hồng Thủy đều là đồng bào Pa Kô.

Cô giáo Lê Thị Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường nói rằng đây là lần đầu tiên Trường mầm non Hồng Thủy đón nhận một chương trình tặng quà xuân lớn như vậy.

Gần 280 em học sinh toàn trường em nào cũng có quà tết. Đó là những gói bánh kẹo, sữa kèm theo áo quần, giày dép mới. Hay cả một số áo quần cũ quyên góp từ những tấm lòng tốt và chọn lựa kỹ càng cũng được các bạn trẻ mang lên tặng cho phụ huynh các cháu.

Mang xuân lên bản xa

Họ đã có những trải nghiệm nhân văn từ chuyến “phượt” mang quà xuân lên bản xa

Mang xuân lên bản xa3
Niềm vui nhận quà xuân là xấp vải may áo dài của những cô giáo cắm bản xa

Không chỉ những gói quà tết trao tay cho phụ huynh và các cháu học sinh ở Trường mầm non Hồng Thủy mà gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều bất ngờ khi được nhận những xấp vải áo dài, những đôi dép mới dành cho mình.

“Trường có ngôi nhà công vụ, nhưng không đủ phòng để giáo viên ở lại hết. Nếu thuê nhà bên ngoài để ở lại mất 500 ngàn đồng mỗi tháng. Để tiết kiệm chi tiêu mình đi về trong ngày, mỗi ngày đi khoảng 80 km, mỗi tháng cũng mất gần 1,2 triệu đồng tiền xăng xe rồi. Nếu đoàn không lên tặng quà có lẽ tết này cũng lẳng lặng qua như bao tết trước”, cô Nguyễn Thị Phước, người đồng bào Pa Kô quê ở xã Hồng Thượng (A Lưới) tâm sự.

Trải nghiệm xuân

Chương trình nói trên có tên là “Áo ấm cho miền núi”, được thực hiện từ sáng kiến của anh Trần Nam Trung, một người dân ở TP.Huế. Người đàn ông tuổi dưới 40 này cũng chính là người sáng lập cửa hàng gạo “Hạt gạo yêu thương” tại số 47 Lê Văn Hưu (TP.Huế) để bán gạo lấy lãi giúp người nghèo.

Mang xuân lên bản xa2
Có dép mới mang tết rồi

Mang xuân lên bản xa5
“Ai nhiều hơn?”

Mang xuân lên bản xa6
“Giải quyết” ngay sau khi bóc quà

Mang xuân lên bản xa7
“Ôi nặng quá”

“Mang quà xuân lên tặng các cháu và các cô ở miền núi mình ấp ủ từ giữa năm 2013, nhưng kinh phí kẹt quá. Mãi gần tết thì Tổ chức từ thiện trẻ em Việt Nam  - VCC tài trợ gần 99 triệu mình mừng không nói nên lời. Kinh phí cho chương trình Áo ấm cho miền núi này gần 117 triệu đồng, những ngày cận tết mà xoay mấy chục triệu để sắm thêm cho đủ quà như dự kiến cũng chóng mặt. Chừ chính thức thấy các cháu ôm quà, các cô vui mừng tự dưng mình thấy trong người đã có tết”, anh Trung nói.

Không chỉ Hồng Thủy, mà 30 xấp vải áo dài, giày dép mới cũng được các bạn mang đến trao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường mầm non Hồng Bắc, một ngôi trường ở vùng sâu khác của huyện A Lưới.

“Có nhiều cách để tận hưởng cuộc sống, tận hưởng ngày xuân. Mình đi và trải nghiệm, nhìn, quan sát, cảm nhận và rồi bắt gặp những nụ cười trên khóe mắt các cô, các bác, trên môi các em...”, Phương Nhung, thành viên trong đoàn tặng quà, chia sẻ.

Bài, ảnh: Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.