Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay chi ra hàng ngàn tỉ đồng chia cổ tức cho cổ đông.
|
Nếu dòng tiền này quay ngược lại thị trường sẽ góp phần cải tạo thanh khoản cho chứng khoán.
|
Nhiều nhà đầu tư khá bất ngờ khi CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) công bố sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt, tương đương 5.000 đồng/CP. Với hơn 69 triệu cổ phiếu (CP) đang lưu hành, số tiền cổ tức mà MPC chi cho cổ đông lên tới gần 350 tỉ đồng. 2.000 tỉ đồng cũng sẽ được CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) chia cho các cổ đông của mình với tỷ lệ 21,49%, tương ứng 2.149 đồng/CP. Giải thích cho quyết định này, VIC cho biết do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của tập đoàn tương đối tốt và VIC đã không chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông suốt những năm vừa qua. Vẫn tiếp tục "truyền thống" chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, CTCP sữa Việt Nam (VNM) đã công bố chia cổ tức đợt 1/2014 lên mức 40%. Trong đó, chia bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tương đương gần 1.700 tỉ đồng. Theo công bố, 6 tháng đầu năm nay VNM đạt lợi nhuận 2.963 tỉ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm và dự kiến cổ tức 2014 của VNM không dưới 50% lợi nhuận sau thuế đạt được của cả năm...
Không chỉ những công ty quy mô lớn mới có mức cổ tức cao mà nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cũng mạnh dạn chi tiền cho cổ đông. Chẳng hạn CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) cũng chia cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt; CTCP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức đợt 2/2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, cho cổ đông sau khi đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 10%...
Theo Giám đốc khách hàng cá nhân (Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN) Kim Thiên Quang, giá CP của những DN chia cổ tức cao thường sẽ tăng khá mạnh khi thông tin được công bố. Đặc biệt nếu thời điểm nhận được cổ tức mà thị trường đang giao dịch sôi động thì hầu hết nhà đầu tư sẽ sử dụng để tái đầu tư trở lại CP trên sàn. Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nhận định nguồn tiền từ cổ tức hiện chưa được tái đầu tư nhiều vào TTCK. Đặc biệt với các cổ đông là tổ chức thì thông thường số tiền này được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác. Chẳng hạn trong 6 tháng đầu năm nay, SCIC đã nhận được 1.052 tỉ đồng cổ tức từ VNM và sắp tới là hơn 750 tỉ đồng nhưng bản thân SCIC hiếm khi đầu tư vào CP trên sàn. Như vậy, chỉ có các DN có lượng cổ đông bên ngoài lớn thì khả năng thu hút trở lại dòng tiền từ cổ tức sẽ lớn hơn. Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho rằng nguồn tiền từ cổ tức được chia hằng năm của các DN niêm yết là rất lớn. Để khuyến khích thu hút tái đầu tư vào TTCK thì các DN phải có đại đa số cổ đông bên ngoài. “Nếu là các cổ đông lớn gồm cổ đông nhà nước hoặc bản thân các ông chủ DN được nhận nhiều cổ tức thì dòng tiền này khó được đầu tư trở lại trên sàn chứng khoán. Vì vậy, để khuyến khích tăng thanh khoản cho TTCK thì nên giảm sở hữu của các cổ đông lớn, đặc biệt cổ đông nhà nước ở mức tối đa 30%. Từ đó cũng góp phần tạo động lực phát triển vững chắc cho DN”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.
Mai Phương
>> SCIC sắp nhận được 750 tỉ đồng cổ tức từ Vinamilk
>> Khóc cười với cổ tức
>> Nhiều công ty khất nợ cổ tức
>> Cổ tức "khủng
>> Đòi chia cổ tức gây náo loạn
>> Cổ đông trông cổ tức
>> Một số công ty chia cổ tức bằng tiền mặt
Bình luận (0)