Mập mờ giá xăng

24/09/2011 01:26 GMT+7

Có rất nhiều mâu thuẫn trong cách tính giá của Petrolimex khiến dư luận phải đặt câu hỏi: một doanh nghiệp (DN) lớn tại sao không bóc tách được lãi lỗ? Giá thực và giá tạm tính minh bạch hay mập mờ? Có nên căn cứ vào khai báo giá của DN để tính giá như hiện nay?

Theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, con số lỗ của Petrolimex mà ông đưa ra dựa trên công thức tính bình quân 30 ngày giá Platt tại Singapore. Tuy nhiên, cách tính này có thể có lợi cho DN, vì giá bình quân gia quyền 30 ngày trên thị trường Singapore chỉ là giá công bố chung của thị trường, trong khi giá thực nhập của DN có thể thấp hoặc cao hơn giá này. Chưa kể, DN nhập tại thời điểm nào trong ngày hay có mức thương thuyết với đối tác để hưởng mức giá khác rất khó biết rõ.

Việc Bộ Công thương tiếp tục khẳng định DN lỗ trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định DN lãi càng khiến dư luận khó hiểu hơn. Ai đúng ai sai sẽ phải chờ kết luận từ ba đoàn thanh tra của Bộ Tài chính với các tổng công ty xăng dầu lớn.


Cách tính giá của Petrolimex khiến dư luận nghi ngờ thiếu minh bạch - Ảnh: D.Đ.Minh

Không thể đổ lỗi cho tỷ giá

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex, trong kinh doanh xăng dầu tồn tại cơ chế hai giá, giá tạm tính và giá thực. Cụ thể, theo thông lệ quốc tế, xăng dầu mua một tháng sau mới thanh toán tiền, nên tỷ giá luôn tác động theo hướng lên, nhưng xăng dầu lúc ấy bán hết rồi, không biết quyết toán vào đâu. Thứ hai, có nhiều cách giao dịch và ký hợp đồng tính giá với nhà cung cấp. Khi tàu về VN, khai báo với hải quan dùng giá tạm tính, khi quyết toán với đối tác mới dùng giá thực và báo lại giá thực với hải quan, nên nếu lấy giá tạm tính để tính toán thì bao giờ DN cũng thiệt, vì giá tạm tính luôn thấp hơn giá thực.

Nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, tỷ giá hiện tại tương đối ổn định, tác động của tỷ giá làm thay đổi giá nhập quá nhiều như Petrolimex nói là không chính xác.

''Khi bán cổ phần, trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao kêu lỗ nhưng lại báo cáo lãi, lãnh đạo Petrolimex giải thích, riêng xăng dầu lỗ nhưng các mặt hàng khác lãi. Như vậy tiền hậu bất nhất, vì anh nói anh không bóc tách được nhưng lại đưa ra được số lỗ lãi này'' - TS Ngô Trí Long, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính

TS Ngô Trí Long chỉ ra, cách tính giá tạm tính và giá thực của Petrolimex rất mù mịt. Các khoản thuế, phí, các khoản thu khác, lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính là rõ, nhưng mập mờ ở chỗ giá nhập như DN khai báo có đúng hay không. Ông Long đặt vấn đề, có thể DN nhập rẻ nhưng báo đắt, chưa kể mập mờ trong chi phí kinh doanh.

“Khi bán cổ phần, trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao kêu lỗ nhưng lại báo cáo lãi, lãnh đạo Petrolimex giải thích, riêng xăng dầu lỗ nhưng các mặt hàng khác lãi. Như vậy tiền hậu bất nhất, vì anh nói anh không bóc tách được nhưng lại đưa ra được số lỗ lãi này. Petrolimex đang đóng hai vai, một vai chính trị, một vai kinh doanh, nếu là chính trị sẽ được bù lỗ nếu lỗ, nhưng nếu kinh doanh lỗ thì phải tự chịu. Nên DN luôn kêu lỗ để Nhà nước bù”, ông Long nhìn nhận.

TS Nguyễn Thị Thanh Hương nhận xét, Petrolimex đổ lỗi lỗ do tỷ giá là hoàn toàn chưa thể chấp nhận được, cần phải xem xét lại. “Từ đầu năm tới nay, tỷ giá chỉ điều chỉnh một lần duy nhất tăng 9,3% vào ngày 11.2, các tháng trong năm tỷ giá diễn ra khá ổn định, vì vậy không thể lấy lý do mất giá dẫn tới làm tăng chi phí”, TS Hương nói.

Cũng theo TS Hương, Petrolimex phải xem lại bài toán kinh doanh của mình. Việc đổ lỗi cho tỷ giá càng chứng tỏ sự yếu kém của DN trong việc không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Một DN vươn ra thị trường thế giới, kinh doanh xuất nhập khẩu mà không sử dụng công cụ này thì rõ ràng quản trị DN có vấn đề.

PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính cho rằng, suốt những năm vừa qua, Petrolimex chỉ biết nhập khẩu từ một đầu mối là Singapore, tại sao không tìm thêm các đầu mối khác để chia sẻ nguồn hàng nhập, phải chăng đã có sự ăn chia hoa hồng? Nếu có thêm các đầu mối khác, chi phí bảo hiểm và các chi phí khác có thể rẻ hơn, làm giảm giá thành nhập khẩu đi. Cũng theo ông Hậu, cứ giá xăng thế giới tăng là Petrolimex than vãn lỗ, điều này hoàn toàn không hợp lý nếu so với chuẩn mực kế toán, việc lỗ hay lãi phải kế toán theo niên độ hằng quý, hằng tháng chứ không thể căn cứ vào việc nhập một lô hàng.

Mai Hà - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.