Masan sẽ tham gia bán lẻ, y tế

Mai Phương
Mai Phương
24/04/2019 13:28 GMT+7

Sáng nay 24.4, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019.

Sẽ cởi mở, chia sẻ thông tin nhiều hơn

Trong phần thảo luận tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, một cổ đông đặt câu hỏi với ban điều hành Masan: "Sự cố tương ớt Chin-su có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 2019 hay không". Đại diện Masan trả lời trong kinh doanh, sẽ có những chuyện không lường trước được. Vụ Chin-su chỉ là sự cố truyền thông và công ty sẽ tiếp tục làm rõ sản phẩm của Masan luôn an toàn cho người tiêu dùng.
Cổ đông tiếp tục hỏi: Sản phẩm nước mắm công ty có ảnh hưởng gì từ các vụ scandal gần đây không? Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan nhấn mạnh: "Chúng ta phải thẳng thắn là còn chưa chủ động, còn ít chia sẻ các thông tin đối với báo chí, truyền thông. Chúng ta nghĩ là sẽ ổn nhưng trên thực tế sẽ phải làm tốt hơn công tác truyền thông, Hay nói đơn giản phải cởi mở hơn để chia sẻ. Chúng ta cần cố gắng làm tốt, làm thế nào để người tiêu dùng tin và dùng. Cái nào làm chưa tốt thì sẽ làm tốt hơn, không ai hoàn hảo hết. Quan trọng là phải tìm ra cách làm tốt hơn ngày hôm qua. Kết quả kinh doanh sẽ không ảnh hưởng nhiều vì nhìn đầy đủ Masan có nhiều sản phẩm ở các phân khúc khác nhau".

Không chia cổ tức 2018

Kết thúc năm 2018, Tập đoàn Masan (MSN) đạt doanh thu hơn 38.187 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.621 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế phân bổ cho các cổ đông hơn 4.916 tỉ đồng. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Hội đồng quản trị của công ty đề xuất không chia cổ tức cho năm vừa qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang hứa khi lượng tiền mặt của công ty quá lớn và công ty không đủ năng lực để sử dụng hiệu quả, công ty sẽ trả cổ tức hoặc cổ đông có quyền yêu cầu. Nhưng khi chiến lược kinh doanh cần nguồn tài chính lớn để phát triển trong tương lai thì chúng ta sẵn sàng đầu tư cho tương lai.
Đợt chia cổ tức tuy nhất trong lịch sử của Masan là cuối năm 2016 bằng tiền với tỷ lệ 30% (bao gồm cổ tức năm 2015 là 19% và cổ tức năm 2016 là 11%) và bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Cổ đông bỏ phiếu thông qua các tờ trình của Hội đồng quản trị Masan M.P
Ông Danny Lê - Giám đốc chiến lược và phát triển của Tập đoàn Masan - trình bày với các cổ động về chiến lược phát triển trong vòng 5 năm tới. Theo tính toán, năm vừa qua mỗi người tiêu dùng Việt Nam chi 17 USD cho sản phẩm của Masan. Masan đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 45.000 - 50.000 tỉ đồng, tương ứng mỗi người Việt Nam sẽ chi 19 - 21 USD cho sản phẩm của Masan,  tăng 18-31% so với năm vừa qua. Đến năm 2020, mục tiêu doanh thu của tập đoàn sẽ đạt 9 - 10 tỉ USD, tương đương mỗi người tiêu dùng Việt Nam sẽ chi 90 - 100 USD hằng năm cho sản phẩm Masan.
Đại diện Masan  khẳng định sẽ đẩy mạnh phát triển ngành hàng nước uống với mục tiêu cân bằng tỷ lệ với ngành hàng thực phẩm. Ví dụ nước tăng lực đã được 7% thị phần và đến cuối 2019 sẽ tăng mạnh cũng như bắt đầu có những sản phẩm đồ uống truyền thống của người Việt và mục tiêu đạt đến 200 triệu USD doanh thu vào năm 2022.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng định hình 2 ngành hàng mới để tham gia thị trường. Đó là sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Thứ hai là ngành bán lẻ, kết hợp cả bán lẻ truyền thống, hiện đại và online.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.