Ăn tối quá no, gặp một vấn đề căng thẳng nào đó, đều có thể khiến bạn mất ngủ. Theo thống kê, 95% dân số thế giới từng vài lần gặp tình trạng này trong cuộc đời.
Rất nhiều nguyên nhân
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, Trưởng phòng Chăm sóc giấc ngủ - Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CHAC) cảnh báo, theo một khảo sát mới nhất, người bị mất ngủ kéo dài tăng nguy cơ tai nạn xe hơi gấp 2 lần những người mệt mỏi do các nguyên nhân khác.
Chứng mất ngủ có biểu hiện cụ thể như mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, cảm giác thiếu năng lượng và sức sống, mắc nhiều lỗi trong công việc, tính tình thay đổi, lo lắng trầm cảm, giảm trí nhớ, khó tập trung và dễ bị tai nạn khi lái xe.
Mất ngủ đến từ những nguyên nhân ngẫu nhiên như: xem phim kinh dị, có chuyện bực mình trước giờ đi ngủ, hồi hộp và căng thẳng về chuyện gì sắp xảy ra, phòng ngủ quá ồn, quá nóng hoặc lạnh, dùng chất kích thích như trà đặc hoặc cà phê, di chuyển lệch múi giờ, uống nhiều nước nên phải thức dậy đi tiểu hoặc ăn quá nhiều trước giờ đi ngủ nên hệ tiêu hóa phải làm việc khi cơ thể muốn ngủ... Việc điều trị rất đơn giản là chỉ cần thay đổi lối sống.
Nhưng khi bạn bị mất ngủ mạn (mất ngủ kéo dài trên 1 tháng) thì cần phải tìm đến bác sĩ. Nguyên nhân mất ngủ mạn liên quan đến bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress hậu chấn thương; bệnh thực thể, đặc biệt là những bệnh gây đau, căng thẳng, khó thở; bệnh lý thần kinh như Parkinson, Alzheimer. Một dạng mất ngủ nữa được y học gọi là “nguyên phát” do không tìm được nguyên nhân như người thân vừa mất, ly dị hoặc thất nghiệp.
Cẩn thận khi dùng thuốc
Bác sĩ Bích Huyên cho biết, khi bị mất ngủ, bệnh nhân không nên tùy tiện dùng thuốc ngủ mà nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, bệnh nhân sẽ được làm nhật ký giấc ngủ trong 2 tuần hoặc thực hiện đa ký giấc ngủ.
Đa ký giấc ngủ là một phương pháp ghi lại các hoạt động của não, mắt, cơ hô hấp, luồng khí thở, điện cơ chân, cằm, điện tim... lúc ngủ nhằm phát hiện các rối loạn giấc ngủ. Chính vì ghi nhận khá nhiều hoạt động sinh lý cũng như bệnh lý của cơ thể lúc ngủ, đa ký giấc ngủ là phương tiện giúp bác sĩ tìm nguyên nhân. Bệnh nhân sẽ ngủ 1 đêm tại phòng đo đa ký giấc ngủ, sau đó các bác sĩ sẽ đọc kết quả đa ký giấc ngủ và báo cho bệnh nhân để biết hướng điều trị phù hợp.
Điều trị mất ngủ có thể dùng thuốc hoặc không tùy vào trường hợp. Đối với điều trị không dùng thuốc hay còn gọi là liệu pháp nhận thức - hành vi, bệnh nhân mất ngủ chỉ cần tổ chức lại giấc ngủ (như đi ngủ và dậy đúng giờ ngay cả các ngày nghỉ cuối tuần, phòng ngủ yên tĩnh, thoáng mát, đủ tối).
Đối với giấc ngủ bình thường, nhũ nhi ngủ 18 giờ mỗi ngày; trẻ em và thiếu niên ngủ ít hơn, khoảng 9 giờ mỗi ngày. Đối với người trưởng thành trung bình ngủ 7,5 giờ mỗi ngày. Thời lượng giấc ngủ sâu giảm dần khi lớn hơn 20 tuổi. Bước qua tuổi trung niên, giấc ngủ sâu ngắn đi, thức giấc ban đêm nhiều hơn và kéo dài hơn, mơ thường xuyên hơn (chiếm 20% thời gian ngủ). |
Kiến Văn
Bình luận (0)