Xin cung cấp thêm mấy bài thuốc trị ngứa

05/02/2007 23:39 GMT+7

Sau 2 tuần gửi bài thuốc tắm lá xông để chữa bệnh "ngứa mà không dám gãi", tôi không ngờ lại có thể giúp được nhiều người như vậy, rất nhiều độc giả đã gọi điện cám ơn vì chỉ với một phương pháp đơn giản vậy mà họ đã khỏi bệnh. Qua đó có thể thấy hiệu ứng của Báo Thanh Niên thật là to lớn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thắc mắc không khỏi hoặc khỏi rồi nhưng khi ngừng tắm nước lá đó thì lại thấy bị trở lại. Chính vì vậy tôi thấy cần gửi tới các bạn một số phương pháp khác, bởi với bài thuốc đó chỉ có thể chữa được những trường hợp ngứa do tiếp xúc với dị nguyên bên ngoài như côn trùng, phấn hoa... Và sau khi khỏi cũng cần phải loại trừ nguyên nhân nữa.

Cũng là bệnh ngứa nhưng có rất nhiều loại: như mề đay, viêm da thần kinh, chàm, eczema, vảy nến... Và những trường hợp mạn tính còn do nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt là nguyên nhân nội sinh từ bên trong, khi đó cần kết hợp uống thêm thuốc để trị bệnh hy vọng có thể thay đổi cơ địa. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin giới thiệu bệnh mề đay là một bệnh khá phổ biến và có rất nhiều độc giả gọi điện xin tư vấn.

Theo Tây y: Mề đay là một trong những bệnh ngoài da phổ biến tiến triển theo 2 thể bệnh khác nhau: Thể cấp tính không khó khăn trong tìm hiểu nguyên nhân và điều trị ví dụ như tiếp xúc với lá đơn, khi gặp lạnh đột ngột... Thể mãn tính ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động, có khi kèm theo biến chứng nặng và nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Yếu tố cơ địa dị ứng (nhạy cảm với chất kích thích) và các yếu tố ngoại lai như thức ăn tanh cua, cá, tôm, sò, ốc, hến, đồ hộp, thịt bò, thịt gà; các loại thuốc (trụ sinh, an thần, hạ nhiệt, giảm đau...); các loại huyết thanh; các loại thảo mộc như lá cây, hoa cỏ; các ổ nhiễm khuẩn, các loại ký sinh trùng đường ruột; do khí hậu thời tiết; hóa chất... Hoặc do yếu tố tinh thần (bực bội, lo lắng, buồn phiền quá mức) tác động vào cơ thể gây ra bệnh.

Những yếu tố dị nguyên (chất gây dị ứng) tác động vào cơ thể làm cho cơ thể tiết ra một số lượng lớn histamin, histamin có tác dụng làm giãn các mao mạch gây nên hiện tượng phù nề, kích thích dây thần kinh cảm giác gây nên ngứa và kích thích, gây một phản xạ sợi trục làm đỏ chung quanh các nốt mề đay.

Phương pháp điều trị thường sử dụng các thuốc kháng histamin như: promethazin,

Đông y đã đề cập đến chứng mề đay dưới nhiều tên gọi khác nhau: Phong Ẩn Chẩn, Phong Chẩn, Ẩn Chẩn... dân gian quen gọi là Mẩn Tịt, Ma Tịt, Phong Ngứa...

Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị: Thường có 3 thể bệnh như sau:

+ Do Phong Thấp: mề đay màu trắng hoặc hơi hồng, thân thể nặng nề, nước tiểu trong hoặc hơi đục, rêu lưỡi trắng, nhờn và dày. Điều trị: Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm mỗi loại 10g; Đảng sâm, Sinh kỳ mỗi loại 20g; Trạch tả, Kim tiền mỗi loại 20g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Do Phong Nhiệt: mề đay màu hồng tươi, khát, mặt có lúc bốc nóng, nước tiểu vàng, táo bón, gặp lạnh thì dễ chịu, rêu lưỡi vàng, mạch Phù sác. Điều trị: Ngân hoa, Liên kiều, Sinh địa đều 1,2g; Ngưu bàng tử (sao), Đại thanh diệp, Đơn bì đều 1,0 kg; Kinh giới, Phòng phong, Cam thảo, Thuyền thoái đều 0,6 kg. Tất cả phơi khô tán bột dùng dần: sắc uống ngày 100g. Táo bón thêm lá Muồng, Mè đen, Đại hoàng.

+ Do Phong Hàn: Da hơi đỏ hoặc trắng, gặp lạnh thường phát bệnh, trời nóng thì bệnh giảm, rêu lưỡi trắng, mạch Phù khẩn. Điều trị: Ma hoàng (nướng), Quế chi đều 6g; Bạch thược (sao), Hạnh nhân, Khương hoạt, Đảng sâm, Tô diệp đều 10g; Táo 7 quả; Gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

Phòng bệnh:

- Chú ý tìm nguyên nhân để tránh: mỗi người sẽ có thể dị ứng với một số chất nhất định, tuy nhiên các loại sau hay gây dị ứng nhất cá biển, thịt bò, gà, các loại mắm, tôm cua, và cần hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

- Hạn chế tiếp xúc các dị nguyên như côn trùng, phấn hoa, áo quần len dạ, xà bông... Nếu có điều kiện nên tắm bằng lá khế, lá tre, lá bưởi...

- Chú ý tinh thần thoải mái trong cuộc sống không nên quá lo lắng, buồn bực, cáu gắt.

- Ăn uống vệ sinh, tẩy giun định kỳ.

Trên đây là những bài thuốc cơ bản trị những thể bệnh thường gặp, độc giả có thể áp dụng tùy theo trường hợp cụ thể của mình, nếu sau 3-4 tuần mà không có kết quả cần đến khám tại cơ sở chuyên khoa để có bài thuốc phù hợp hơn.

ThS-Bs Văn Sang (Trung tâm Y dược Tinh Hoa - ĐT: 0913537686)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.