Mặt trái của thành công

05/08/2011 20:15 GMT+7

(TNO) Không phải bao giờ các trận tranh Siêu cúp cũng đáng xem. Siêu cúp Anh thậm chí còn bị xếp vào loại “rách việc”, khi người ta có thể thay nửa đội hình trên sân.

HLV Gian Piero Gasperini (trái) và đội trưởng Javier Zanetti của Inter Milan tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm qua, 4.8 - Ảnh: Reuters

(TNO) Không phải bao giờ các trận tranh Siêu cúp cũng đáng xem. Siêu cúp Anh thậm chí còn bị xếp vào loại “rách việc”, khi người ta có thể thay nửa đội hình trên sân.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra trước trận tranh Siêu cúp Ý (Inter - AC Milan, ngày 6.8, tại Bắc Kinh): xem gì khi người ta không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá?

Xem Inter là chính. Bởi Inter là biểu tượng của Calcio suốt nửa thập kỷ vừa qua, và biểu tượng ấy chỉ vừa bị AC Milan hạ bệ tại Serie A mùa trước. Nhưng giới quan sát không xem để biết Inter thắng hay thua. Điều quan trọng là xem HLV Gasperini sẽ làm gì để các cầu thủ Inter chơi được trong cái sơ đồ 3-4-3 mà ông ưa thích.

Gasperini đã quen huấn luyện kiểu 3-4-3 ở đội bóng cũ Genoa. Ông cũng huấn luyện như thế trong những ngày đầu dẫn dắt Inter, nhưng chưa ổn thỏa. Bộ ba trung vệ không thể dâng cao, hoặc khi có một cá nhân dâng lên thì các vị trí khác lại không di chuyển đồng bộ. Vả lại, đá 3-4-3 thì Wesley Sneijder có thể trở nên lãng phí khi bị cột vào vai trò tiền vệ trụ.

Có hai giải pháp. Một là Gasperini thay đổi sơ đồ để Inter có một lối chơi thích hợp với những cầu thủ sẵn có. Hai là ngược lại: ông phải ép các cầu thủ sẵn có hòa nhập vào sơ đồ của mình. Hình như Gasperini nghiêng về giải pháp sau. Như đã nêu trên, Gasperini là “tín đồ” của cách chơi 3-4-3. Không những thế, đội hình 3-4-3 còn là “đặc sản” của bóng đá Ý. Trong cái thời buổi hiện đại mà giới bóng đá khắp nơi cho rằng phải chơi với 4 hậu vệ thì mới an toàn, dân Ý vẫn thích chơi 3-4-3. Udinese, Napoli, Genoa, Palermo… đều chơi như thế.

“Cha đẻ” của sơ đồ 3-4-3 là HLV Alberto Zaccheroni, nay đang dẫn dắt đội Nhật. Hồi cuối thập niên 1990, Zaccheroni huấn luyện Udinese. Gặp “đại địch” Juventus, lại có hậu vệ bị đuổi ngay từ đầu trận, ai cũng cho rằng Zaccheroni sẽ rút bớt 1 tiền đạo để đưa thêm 1 hậu vệ vào sân, cố thủ theo sơ đồ 4-4-1. Nhưng Zaccheroni liều lĩnh giữ nguyên đội hình (3-4-2) và Udinese bất ngờ thắng đậm 3-0! Ở trận kế tiếp, Udinese có đủ người, Zaccheroni vẫn giữ nguyên hàng thủ 3 người để tăng cường tiền đạo.

Thế là sơ đồ 3-4-3 ra đời, như một cuộc cách mạng. Zaccheroni sau đó được trải thảm rước qua AC Milan. Và Calcio chơi 3-4-3 cũng giống như nước Anh chơi 4-4-2 suốt 40 năm kể từ ngày vô địch World Cup 1966 vậy. Kể cả khi sơ đồ 4-4-2 đã lỗi thời, dân Anh vẫn mất khoảng chục năm trời để thay đổi tư duy. Bây giờ đến 3-4-3 của bóng đá Ý. Rất khó thay đổi một công thức từng đem lại thành công vang dội.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.