Mật vụ bí ẩn nhất thế giới - Bài 2: CIA và nghi vấn “ủy quyền tra tấn”

01/11/2010 23:07 GMT+7

Từ trước khi WikiLeaks tung tài liệu về cuộc chiến Iraq, giới tình báo Mỹ đã nhiều lần bị cáo buộc dính líu đến những vụ tra tấn nghi can khủng bố.

Những tài liệu mới nhất của website WikiLeaks cho thấy nhiều nghi can khủng bố bị binh lính Iraq tra tấn dã man và sau đó giao cho phía Mỹ khi họ đã nhận tội. Từ trước tới nay, giới truyền thông và các tổ chức nhân quyền vẫn cáo buộc Mỹ thường xuyên “mượn tay” lực lượng nước ngoài lấy cung các nghi can khủng bố Hồi giáo bằng những phương pháp khắc nghiệt mà nhân viên CIA không được phép thực hiện. Một số người gọi chuyện này là “ủy quyền tra tấn”.

Những chuyến bay bí mật

Le Monde Diplomatique dẫn lời luật sư Barbara Olshansky thuộc Trung tâm vì quyền Hiến pháp (Centre for Constitutional Rights) cho biết Mỹ không chỉ dùng các nước trung gian để thẩm vấn nghi can mà còn có các trại giam ở hải ngoại do CIA kiểm soát. Trước đây, một nghi can đang lẩn trốn ở nước ngoài nếu bị các nhân viên tình báo bắt giữ, sẽ bị đưa về Mỹ để xét xử. Từ ngày CIA bắt đầu cuộc chiến chống al-Qaeda, đặc biệt sau vụ 11.9.2001, mọi chuyện đã thay đổi. Các nghi can khủng bố sẽ bị gửi đến một số nước có thỏa thuận với Mỹ để thẩm tra và có thể bị tra tấn mà pháp luật không màng đến.

CIA và một số cơ quan tình báo khác của Mỹ thường xuyên sử dụng phi cơ tư nhân để áp giải nghi can. Tờ Le Monde Diplomatique đã nắm được nhật ký hành trình của một trong số những phi cơ trên. Năm 2001, chiếc Gulfstream-V từng bay đến 49 điểm nằm ngoài lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là các nước Jordan, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Ma Rốc và Uzbekistan. Theo Robert Baer, một cựu mật vụ CIA trước đây, các loại máy bay tư nhân này chỉ đăng ký dưới dạng dân sự nên ít gây chú ý. Ông nhận định với Le Monde Diplomatique: “Nếu bạn gửi một tù nhân đến Jordan, anh ta khá may mắn. Nếu đó là Ai Cập hay Syria, có thể sẽ không bao giờ bạn gặp lại anh ta”. Ông Baer cho rằng số lượng nghi can bị chuyển đến các nước trung gian còn nhiều hơn đến nhà tù Guantanamo.

Các quan chức tình báo Mỹ luôn khẳng định việc đưa các nghi can khủng bố đến các nhà giam ở một số nước hoàn toàn vì mục tiêu chống khủng bố. Một khi đã “chuyển giao” tù nhân, Mỹ sẽ không can thiệp vào quá trình thẩm vấn. Theo các tài liệu WikiLeaks vừa công bố, nhiều nghi can trong các nhà giam ở Iraq vì không chịu được những đòn tra tấn tàn khốc đã phải nhanh chóng nhận tội để “được” chuyển sang cho các nhân viên điều tra Mỹ thẩm vấn. Không ít người là công dân các nước phát triển, bị bắt vì có gốc gác từ các nước Hồi giáo. Sau khi trải qua “địa ngục trần gian”, nếu họ muốn kiện tụng cũng không phải là điều đơn giản vì các kiểu tra tấn “hiện đại” thường ít để lại dấu tích trên thân thể mà phần lớn các nạn nhân chịu di chứng nặng nề về tinh thần.

Các hiệp ước của LHQ quy định rất rõ: “Không có quốc gia nào được trục xuất hay dẫn độ một người đến nơi mà anh ta có thể bị tra tấn”. Ai Cập, Syria vẫn bị cộng đồng quốc tế tố cáo vi phạm nhân quyền vì sử dụng tra tấn trong hỏi cung. Như vậy, dù các quan chức tình báo Mỹ luôn khẳng định các vụ dẫn độ nghi phạm đều hợp pháp, nhưng câu hỏi về “ủy quyền tra tấn” vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Chính quyền có nhẹ tay?

Ngoài “ủy quyền tra tấn”, không ít lần các cơ quan tình báo Mỹ bị cáo buộc đã trực tiếp hành động. Tháng 5.2004, The New York Times tường thuật: “Các nhân viên điều tra của CIA đã sử dụng nhiều mức độ thẩm vấn khác nhau, kể cả phương pháp “waterboarding”: nghi can bị trói chúc đầu xuống đất và bị tạt nước vào mặt để anh ta có cảm giác đang chết đuối”.

Về nguyên tắc, theo Washington Post, những nhân viên điều tra tra tấn nghi phạm sẽ bị xét xử trước pháp luật, nhưng sau những công bố năm 2004, hầu như chính quyền Mỹ vẫn chưa có động thái cụ thể nào để giải quyết tình trạng này. Sau sự kiện 11.9, đảng Cộng hòa gần như chấp nhận việc “cứng rắn” với các nghi can để khai thác thông tin tình báo. Hành động tra tấn sẽ được nói giảm thành “biện pháp nghiệp vụ”, theo Washington Post. Về phần mình, đảng Dân chủ khi ấy đang bị xem là quá khoan hòa trong các chính sách an ninh, đã không bàn đến chủ đề này, tránh nguy cơ bị cáo buộc “bảo vệ quyền lợi cho vây cánh al-Qaeda”. Đến năm 2006, thậm chí các hạ nghị sĩ còn thông qua luật Military Commission Act, giúp nhân viên tình báo “sử dụng các biện pháp vượt giới hạn trong thẩm tra” không bị kiện như tội phạm chiến tranh.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.