Màu cờ và sắc áo

17/10/2011 01:00 GMT+7

Còn nhớ, trong một giải đấu quốc tế, khi ghi được bàn thắng, tiền vệ Thành Lương của đội tuyển VN đã chạy về góc khán đài, cúi xuống rút ra một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ và hôn lên lá cờ trong niềm hân hoan và xúc động đến nghẹn thở của hàng triệu người VN đang xem trực tiếp trận đấu trên màn ảnh nhỏ. Bàn thắng của Thành Lương như đẹp lên bội phần.

Sự tin tưởng của người hâm mộ VN đối với cầu thủ này cũng tăng lên bội phần sau cử chỉ đẹp đẽ ấy.

Những vận động viên (VĐV) nhiệt huyết thi đấu vì danh dự của quốc gia, vì lá cờ Tổ quốc, trong đó có cả mồ hôi, nước mắt và khát vọng mãnh liệt của họ muốn lập thành tích, muốn chinh phục những kỷ lục, muốn có những bàn thắng dâng lên cho đất nước mình. Khoác lên mình chiếc áo thi đấu mang lá cờ Tổ quốc, không chỉ là vinh dự hay trách nhiệm, mà còn là nỗi khát khao của bất cứ VĐV ở bất cứ môn thể thao nào.

Lâu nay, có lẽ do những người lãnh đạo thể thao cứ hay dùng chữ “màu cờ sắc áo” như một sáo ngữ hơn là một khẩu lệnh xung trận, nên một số VĐV dường như chưa ý thức được hết thế nào là màu cờ và thế nào là sắc áo. Từ chỗ thiếu ý thức tới chỗ xem nhẹ sự lựa chọn mà quốc gia đã trao cho mình chỉ còn là một bước ngắn. Vì thế mới có chuyện trung vệ Quốc Anh “nhẹ nhàng” bỏ đội tuyển U.23 VN không cần nêu lý do khi thời điểm khai mạc SEA Games 26 đã tới rất gần, khiến mọi người kinh ngạc và bức xúc. Vì thế mới có chuyện tranh cãi bùng nhùng rất tồi tệ trong nội bộ đội tuyển quần vợt VN, khi cả những người có trách nhiệm lựa chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia và những VĐV được hoặc không được lựa chọn vào đội tuyển đều xử sự một cách tùy tiện và ích kỷ chỉ vì bản thân mình. Những chuyện bùng nhùng ấy chứng tỏ một điều: khi người tuyển trạch không coi trách nhiệm chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia là chuyện lớn, còn VĐV được chọn vào đội tuyển quốc gia cũng chẳng mấy mặn mà với vinh dự của mình, thì mọi chuyện tồi tệ đều có thể xảy ra.

Khi học trò không được giáo dục tốt thì phải coi lại không chỉ người thầy của họ, mà cả phương pháp giáo dục đang được áp dụng. Tại sao cứ diễn đi diễn lại chuyện VĐV kém ý thức khi khoác áo đội tuyển quốc gia, rồi cả chuyện bán độ hay “nghi án” bán độ cứ nhức nhối trong nhiều năm qua? Trước mỗi giải đấu quốc tế, chuyện tiền thưởng luôn được đặt lên hàng đầu, được nhấn mạnh và được quan tâm nhiều nhất, trong khi chuyện làm sao cho VĐV có được niềm tự hào và ý thức trách nhiệm lại chẳng hề được quan tâm đúng mức. Và nếu VĐV lấy mục tiêu được chọn vào đội tuyển quốc gia để “quảng bá” cho hình ảnh của mình và hy vọng “giá tiền” của mình sẽ tăng lên sau giải đấu, thì VĐV ấy cũng sẽ sẵn sàng từ bỏ đội tuyển nếu không đạt được mục đích của cá nhân mình.

Khi ấy, câu nói “vì màu cờ sắc áo” chỉ còn là câu nói hoàn toàn sáo rỗng.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.