Máu thịt Hoàng Sa

18/01/2008 23:50 GMT+7

Sáng đó (19.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ mọi người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo - tàu của Trung Quốc". Đó là một ngày đau đớn không quên trong đời ông già năm nay đã 73 tuổi, hiện sống ở phường An Hải Đông, TP Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải dẫn từ cuốn Hải ngoại kỷ sự được viết theo kiểu nhật ký của nhà sư Thích Đại Sán ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong Hải ngoại kỷ sự có chi tiết: Khi thuyền của ông đi qua quần đảo Hoàng Sa thì phải nộp thuế cho chúa Nguyễn. Điều đó thể hiện một sự thật hiển nhiên rằng, Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu.

"Việt Nam địa dư đồ" là một tấm bản đồ cổ do tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc - một vị quan đời Thanh biên soạn. Trong tấm bản đồ này, lần đầu tiên Trung Quốc dùng hai chữ Việt Nam để gọi tên nước ta.

Không hiểu lịch sử biến thiên thế nào mà tấm bản đồ quý ấy lại lưu lạc sang tận châu u, trở thành tài sản của thư viện Vương quốc Anh.

Tấm bản đồ này được vẽ theo lối hiện đại, có ghi các tỉnh của nước ta thời Nguyễn như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Xuân... Đặc biệt, bản đồ vùng biển có những hàng chữ rất quan trọng "Tiểu Trường Sa hải khẩu", "Đại Trường Sa hải khẩu"...

Việc người Trung Quốc ghi những dòng  "Tiểu Trường Sa hải khẩu" và "Đại Trường Sa hải khẩu"  trong "Việt Nam địa dư đồ" thể hiện một điều chắc chắn rằng triều đình Mãn Thanh - Trung Quốc đã thừa nhận ở Việt Nam có hai hải khẩu đi ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

*

Trong nhiều trang ghi chép còn lưu lại, cho thấy tất cả tàu các nước Trung Quốc, Hà Lan, Anh quốc, Nhật Bản... bị nạn ở Hoàng Sa đều được bộ máy nhà nước triều Nguyễn, đại diện là chức quan trông coi, chiểu theo quy định mà giúp đỡ, cấp cho tiền gạo và giúp trở về nước an toàn.

Đô đốc Pháp D'Estaing, người được nhà khảo cổ học Louis Mallere gọi là một trong những kẻ tiên khu vĩ đại nhất trong sự nghiệp bành trướng của thực dân Pháp ở châu Á, đã nhận xét khi thường xuyên chạm trán với tàu thuyền nước ta khi Pháp có ý định nhòm ngó Thuận Hóa: Khó khăn càng tăng khi chúng ta muốn vượt qua đảo Hoàng Sa... Khu vực ấy (Hoàng Sa) luôn luôn có tàu của họ (nhà Nguyễn) đi lại rất nhiều.

Rất nhiều ghi chép về địa lý xưa đều cho thấy, hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa và ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm là Bãi cát Vàng... Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

*

Ông Võ Như Dân, hiện sống ở tổ 10, khối phố Vĩnh Ninh, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng, có lẽ là một trong những người sống lâu nhất trên đảo Hoàng Sa. Suốt từ năm 1957 đến năm 1973, ông có cả thảy 18 lần ra đảo, mỗi lần 3 tháng. Tổng cộng thời gian ông đã sống trên đảo là 4 năm 6 tháng. Công việc của ông là lo hậu cần cho 7 người ở Ty Khí tượng (cũ). Ông kể lại rằng, những ngày sống ở nơi được coi là "ổ bão của thế giới", thời tiết vô cùng khắc nghiệt, ông và mọi người đã tận dụng nước ngọt trồng bí, bắt cá để cải thiện bữa ăn... Trên đảo có xây nhiều bể lớn hứng nước mưa dự trữ từ năm này sang năm khác. Nhiều tàu đánh cá, kể cả tàu nước ngoài, ghé vào xin nước ngọt, những người trên đảo đều nhiệt tình san sẻ "vì cũng là người với nhau".

Giếng nước ngọt ở Hoàng Sa (ảnh: Tư liệu)

Ông Tạ Hồng Tân, một trong những người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhớ lại: "Sáng đó (19.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo - tàu của Trung Quốc". Đó là một ngày đau đớn không quên trong đời ông già năm nay đã 73 tuổi, hiện sống ở phường An Hải Đông, thành phố Đà Nẵng. Được điều ra làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973. Ông kể, tất cả những người, trong đó có nhiều nhân viên khí tượng khi đến Hoàng Sa, những giờ rảnh rỗi họ ra những tảng đá ven biển khắc họ tên và địa chỉ mình lên đó làm kỷ niệm. Khi ông Tân ra thì đã thấy lớp lớp tên người Việt Nam trên đá.

Mới đó mà đã 34 năm rồi...

*

Trải qua nhiều thay đổi về hành chính, từ tháng 1.1997, huyện đảo Hoàng Sa trở thành một trong 7 quận huyện của thành phố Đà Nẵng. Đây là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp. Huyện đảo có diện tích 305 km2, chiếm 24,29% diện tích thành phố.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây của những người từng ở Hoàng Sa hiện đang sống tại Đà Nẵng, tất cả đều có một nguyện vọng thiết tha là được một lần trở lại Hoàng Sa, nơi họ gửi lại những kỷ niệm của thời trai trẻ. Đó là máu thịt, là những gì không thể tách rời trong một cơ thể Vệt Nam!

Không chỉ họ mà tất cả chúng ta đều đau đáu một nỗi niềm như thế.

Đà Nẵng có một bài hát có lời rất hay: "Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển xanh". Tôi muốn mượn ý này để nói về Hoàng Sa: "Đảo trong lòng thành phố, phố trong lòng biển xanh". Hoàng Sa thân yêu mãi mãi nằm giữa lòng người Đà Nẵng, người Việt Nam!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.