TNO

Máy bay AirAsia rơi: Vén màn ngành hàng không đầy sự cố của Indonesia

04/01/2015 07:55 GMT+7

(Tin Nóng) Công việc kinh doanh hàng không giá rẻ trong nhiều năm qua rất thuận lợi đối với Tony Fernandes, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn AirAsia, nay đang nằm trong tâm điểm của thảm họa hàng không mới nhất ở Đông Nam Á.

(Tin Nóng) Công việc kinh doanh hàngh không giá rẻ trong nhiều năm qua rất thuận lợi đối với Tony Fernandes, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn AirAsia, nay đang nằm trong tâm điểm của thảm họa hàng không mới nhất ở Đông Nam Á.


Tai nạn máy bay AirAsia Indonesia cho thấy ngành hàng không Indonesia đầy những bấc trắc - Ảnh: ABC

Ngành hàng không đầy nguy hiểm

Ông Tony Fernandes, Tổng giám đốc AirAsia Malaysia - hãng có 49% cổ phần trong AirAsia Indonesia quản lý chiếc Airbus chở 162 người bị rơi ở biển Java hôm 28.12.2014 - đã mua lại công ty này với giá 35 xu, giải quyết khoản nợ 13 triệu USD, rồi biến nó thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á, báo Washington Post (Mỹ) cho biết.

AirAsia giúp đem hàng không giá rẻ đến Đông Nam Á và rồi tiến vào quốc gia được xem là viên ngọc của khu vực - Indonesia. Trong suốt thập kỷ qua, tầng lớp trung lưu tăng vọt từ 80 triệu lên 130 triệu tại Indonesia. Với khoảng 17.500 hòn đảo, quốc gia này được mệnh danh là Xứ Vạn Đảo và đường hàng không gần như là lựa chọn du lịch tối ưu tại đây.

“Indonesia giống như là một hành tinh, có rất nhiều không gian để phát triển”, ông Fernandes từng nói với báo New York Times (Mỹ). AirAsia đã mở một chi nhánh tại Indonesia và vào năm 2012 đã mua lại một hãng hàng không giá rẻ địa phương với giá 80 triệu USD, theo Washington Post.

Tuy nhiên, tờ báo Mỹ này nhận định, ngoài tiềm năng về mặt kinh tế, kinh doanh hàng không tại Indonesia lại bị xem là một trong những hoạt động làm ăn nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Vô số sự cố và tai nạn đã làm lu mờ tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành hàng không Indonesia, và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm 62 trong số 67 hãng hàng không nước này bay vào không phận của EU.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từng bày tỏ lo ngại đối với cung cách hoạt động của hàng không Indonesia, và thậm chí người đứng đầu Cục hàng không dân dụng Indonesia hồi năm 2007 từng gọi việc cải thiện văn hóa và an toàn hàng không trong nước là một cuộc “tranh đấu không hồi kết”.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) liệt Indonesia vào các quốc gia thuộc cấp độ 2 về độ kém an toàn hàng không, đứng chung với các nước như Ghana và Bangladesh.

“Indonesia từng có vấn đề về an toàn. Vụ này (chuyến bay QZ8501) một lần nữa sẽ làm khơi lại câu hỏi về độ an toàn của hàng không Indonesia. Đây là vụ tai nạn đầu tiên của Indonesia AirAsia, nhưng nó một lần nữa sẽ hướng chú ý vào toàn bộ ngành hàng không Indonesia”, Greg Waldron, biên tập viên trang tin Flightglobal, nói với Reuters.

Chiếc Airbus chở theo 162 người được cho đã rơi xuống biển Java vào hôm 28.12.2014 khi đang trên đường từ Surabaya, thành phố lớn thứ nhì Indonesia, sang Singapore. Vẫn chưa xác định được chính thức nguyên nhân máy bay rơi.


Máy bay của Lion Air rơi trên mặt biển, ngày 13.4.2013 - Ảnh: EPA

Không có lựa chọn khác ngoài việc đi máy bay

Báo Washington Post cho biết cứ vài tháng lại có hãng hàng không mới được khai trương ở Indonesia. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2007, số lượng hành khách hàng không tăng vọt với tỉ lệ tăng 20%/năm, theo số liệu thống kê của AP.

Còn báo New York Times thì cho hay, vào năm 2011, có đến 60 triệu người Indonesia dùng máy bay để di chuyển.

Tuy nhiên, tăng trưởng không phanh dẫn đến những hậu quả, Washington Post bình luận. Nhiều quan chức, cả trong lẫn ngoài nước, từ lâu đã cảnh báo rằng ngành hàng không Indonesia đã tiến quá nhanh so với số lượng chuyên gia hàng không, khả năng giám sát bằng các quy định và trang thiết bị.

“Ngành hàng không Indonesia tăng trưởng quá nhanh và vượt xa tốc độ tăng trưởng về nhân lực. Không có đủ các nhà hoạch định quy tắc giám sát, các thanh tra chuyến bay”, AP dẫn lời một quan chức Indonesia phát biểu hồi năm 2007.

Trong năm 2007, một máy bay thuộc một hãng hàng không giá rẻ Indonesia đã bị rơi xuống biển, khiến toàn bộ 102 hành khách thiệt mạng, và các thanh tra hàng không sau đó kết luận nguyên nhân là do việc bảo trì không đúng cách.

Cũng cùng thời điểm đó, một chuyến bay khác đã rơi vào khu đông dân cư khi đang cất cánh, làm 149 người thiệt mạng. Rồi một chiếc máy bay khác nữa, lần này là của hãng hàng không Adam Air, bị gãy thân khi hạ cánh.

Không có ai bị thương trong vụ việc này và một phát ngôn viên của hãng khẳng định đây là một tình huống “bình thường”, AP đưa tin.

Nhiều tháng sau đó, một chiếc máy bay Indonesia khác trượt khỏi đường băng và bốc cháy, khiến 21 trong tổng số 140 người trên máy bay tử vong.

Washington Post cho biết, sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, phi trường chính của Indonesia, ban đầu được xây với khả năng phục vụ tối đa 22 triệu hành khách. Nhưng vào năm 2013, nó phải đón hơn 60 triệu hành khách, gấp 3 lần con số thiết kế, theo thống kê của Jakarta Post (Indonesia).

Tại đó, các trạm phát thanh và các cuộc điện đàm liên tục làm nhiễu sóng của trạm kiểm soát không lưu, Washington Post cho hay. Một phi công của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) hồi năm 2012 từng nói với New York Times rằng Indonesia “có một hệ thống quá cũ kỹ”.

Tình hình không hề được cải thiện trong năm 2013, với trường hợp một chiếc máy bay còn mới của Lion Air chở 108 hành khách đâm xuống biển và vỡ đôi, làm 45 người bị thương. “Đây chính là lý do vì sao bạn không nên bay với hãng hàng không Indonesia”, trang tin Business Insider (Mỹ) từng khuyến cáo.

Nhưng những cảnh báo nói trên và cả những vụ rơi máy bay chẳng hề khiến ngành hàng không Indonesia chững lại. Ngay cả thảm họa QZ8501 của AirAsia Indonesia nhiều khả năng cũng không cản được người dân Indonesia tiếp tục chọn máy bay, vì họ đâu có nhiều lựa chọn cho việc di chuyển ở quốc gia được mệnh danh là Xứ Vạn Đảo này.

“Nếu hành khách than phiền về chuyện chuyến bay bị trì hoãn, thì tôi sẽ bảo họ: Vậy đi xe buýt hoặc xe lửa đi. Chúng tôi cần họ và họ cần chúng tôi”, một lãnh đạo Lion Air kết luận.

Hoàng Uy

>> Vi phạm giấy phép, AirAsia sẽ bị cấm bay ở Indonesia ?
>> Máy bay AirAsia đã đáp an toàn xuống biển trước khi chìm ?
>> Phát hiện 1 thi thể nạn nhân máy bay AirAsia mặc áo phao
>> Bắt đầu lặn tìm máy bay AirAsia
>> Phát hiện cửa trượt thoát hiểm nghi của máy bay AirAsia mất tích
>> Bốn nước tìm kiếm máy bay AirAsia ở phía đông đảo Belitung
>> Máy bay AirAsia Malaysia từ Indonesia đến Singapore bị mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.