Mấy điều ngụy biện của Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương Lê Công Thành

28/05/2006 22:12 GMT+7

* Ngư dân Phillipines đã la hét những gì với ngư dân Việt Nam? GS,TS Đinh Văn Ưu đã gọi những lập luận của Giám đốc Trung Tâm Dự báo Khí tương Thủy văn TW Lê Công Thành là ngụy biện trong buổi bàn tròn trực tuyến do Tiền Phong Online tổ chức về công tác dự báo đường đi cơn bão Chanchu.

Không đợi tới vậy, trong buổi họp báo ngày ngày 25.5 ông Lê Công Thành cũng nói với báo giới như nói với những người không biết gì về một lĩnh vực khá đặc thù và hiếm người biết đến như ngành Khí tượng thủy văn. Tuy vậy, mọi chuyện không đến nổi quá khó để có thể hiểu đâu là sự thật và đâu là ngụy biện, chúng ta hãy xem lại các phát biểu của ông và thử hiểu khác trên những thông tin khác.

Ông Lê Công Thành: Tại sao mọi người không thắc mắc trên bản đồ dự báo của Hong Kong có những vòng tròn kích cỡ khác nhau? Các vòng tròn đó nói lên sai số của dự báo. Trong 24 giờ, tâm bão có thể nằm bất cứ chỗ nào trong phạm vi vòng tròn. Và khi bão chuyển hướng, vòng tròn càng to vì sai số càng lớn. Khi bão đã đi ổn định (đi tương đối thẳng) vòng tròn sẽ nhỏ hơn. Tức là trong ngày thứ nhất tâm bão có thể nằm bất cứ ở đâu trong vòng tròn nhỏ; ngày thứ hai, tâm bão có thể nằm bất cứ ở đâu trong vòng tròn thứ hai, lớn hơn.

Xin thưa, tuy đưa ra nhiều khả năng nhưng người ta vẫn ưu tiên cho khả năng lớn nhất. Xem ảnh, cách dự báo của Hải Quân Mỹ ngay từ ngày 12.5 chúng ta sẽ hiểu, thậm chí người mù chữ cũng sẽ hiểu đâu là khả năng cao nhất đâu là khả năng có thể và đâu là vùng ảnh hưởng. Không thể bảo rằng tâm bảo có thể nằm bất cứ đâu trong vòng tròn đó rồi có thể “tuỳ tiện” vẽ đường đi cơn bão bất cứ đâu mình muốn. Còn tại sao các Trung tâm dự báo quốc tế lại có thể đưa ra dự báo như tiên tri ấy sẽ bàn đến sau.

Ông Lê Công Thành:  Tại thời điểm đó (thời điểm các đài quốc tế dự báo - PV), chúng tôi cũng dự báo bão đi lên phía bắc nhưng chỉ muộn một tí vì chúng ta mới chỉ có thể dự báo được trong vòng 24 giờ. Thời điểm đó đúng là bão vẫn đang chuyển động theo hướng tây tây bắc nhưng 12 tiếng sau, khi chúng tôi phát bản tin tiếp theo thì chúng tôi nói bão đi theo hướng bắc.

Xin thưa: Chỗ này ông LCT đã tự chọn thời điểm có lợi là chiều 14 đến sáng 15. Nếu thời điểm mở rộng đến ngày 12 như bản tin Hải Quân Mỹ dự báo thì liệu ông Thành có thể nói như trên ? Có nghĩa là nếu lấy chiều 14 làm mốc, thời điểm bão đổi hướng, thì dự báo của VN không phải muộn một tí mà là muộn đến 3 ngày so với dự báo của Hồng Kông và Hải Quân Mỹ.

Ông Lê Công Thành: So sánh tâm bão theo dự báo 24 giờ của VN và các trung tâm dự báo quốc tế với tâm thực tế của bão Chanchu thì thấy dự báo của Nhật Bản lệch 49km, dự báo của trung tâm khí tượng Mỹ lệch 56km, dự báo của VN lệch 79km, dự báo của mô hình toàn cầu khí tượng Hoa Kỳ lệch 83km, dự báo của Bắc Kinh lệch 103km, của hải quân Hoa Kỳ lệch 105km, của Anh lệch 107km.

Xin thưa, quả thực các con số ông Thành đưa ra là đúng, thế nhưng là đúng trong những thông kê trước đây, hoặc trong trường hợp khi cơn bão số Chanchu đi thế ổn định Tây Tây Bắc hoặc khi đã thực sự chuyển hẳn sang chính Bắc. Thế nhưng nếu lấy cái mốc lúc cơn bão rẽ 90 độ rồi lùi lại một ngày thì sai số sẽ không phải như vậy.

Điều quan trọng nhất ở đây là dự báo được hướng đi của cơn bão.

Câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là : Tại sao ngay từ ngày 10 -12 hầu như tất cả các trung tâm dự báo trên thế giới đều biết là cơn bão đi “ngang” trong một số ngày rồi sau đó sẽ phải rẽ lên hướng Bắc mà dự báo của Việt Nam lại hoàn toàn không biết đến điều này? Họ dùng máy móc gì, “phép thuật” gì, kiến thức gì mà dự báo như là phù thủy hoặc tiên tri vậy ? Những phương pháp dự báo của họ ta không có, hoặc những kiến thức TT DBKTTV không biết đến, chưa được cập nhật hay tất cả đều đã có nhưng không xài đến, hoặc cố tình không dùng đến, hoặc một lý dó nào đó khác nữa ?

Xin thưa, đây là những kiến thức khá cơ bản của người làm công tác khí hậu thời tiết.

Ai mới bắt đầu vào tìm hiểu thời tiết thì đều biết đường đi của các cơn bão ở Thái Bình Dương đều bị chi phối bởi hai “lực” chính là High Pressure Circulation ( khối áp cao bán vĩnh cửu ) và  lực Coriolis (Coriolis force do quả đất xoay). Ở trang vnbaolut.com chúng ta có thể thấy qua bản đồ thống kê: Hằng năm có khoảng 30 trận bão ở vùng Tây bắc Thái Bình Dương nhưng chỉ có 3-4 bão vào bờ biển VN. Đa số các bão ngoặc lên hướng Bắc, hoặc Tây Bắc vì ảnh hưởng hai lực này.

Trường hợp cơn bão Chanchu cũng vậy, ngay từ khi mới hình thành vào ngày 8.5 các dự báo đều cho nó hướng Bắc hoặc Bắc Tây Bắc, thế nhưng vì ảnh hưởng đợt gió mùa Đông Bắc (khối không khí lạnh áp cao) trong những ngày này nên nó “tạm” đi về hướng Tây Tây Bắc. Thế nhưng các nhà dự báo đều biết và hiểu một cách chắc chắn rằng khi khối không khí lạnh (áp cao) này tan thì hướng đi của cơn bão sẽ trở lại đúng quy luật.

Và các trung tâm dự báo đều biết nhiều lắm khối không khí lạnh này sẽ tan vào ngày 14! Và họ đã đúng.

Những kiến thức trên người viết được cung cấp bởi một tiến sĩ khí tượng ở Mỹ và không muốn nêu tên. Đến đây hẳn mọi người sẽ hiểu là vấn đề “Năng lực của chúng tôi chỉ dự báo bão được 24 giờ” mà Giám đốc Lê Công Thành nói, có thể hiểu là thiên về khả năng trang thiết bị  kỹ thuật, có thực sự là yếu tố quyết định hay không.

Ông Lê Công Thành: Nếu ngày 13.5, mình thông báo bão theo hướng bắc thì bà con vẫn có thể chạy lên Đài Loan (hướng đông bắc) để tránh bão. Nhưng sau đó như tôi đã giải thích, dự báo của trung tâm quốc tế cũng có sai số. Sai số này xảy ra ngày 17.5, bão đã đổi hướng, không chạy vào Hong Kong nữa mà xiên lên bờ biển phía đông của Trung Quốc. Như vậy nếu chạy lên Đài Loan là theo đúng hướng đi của bão.

Đúng là đường đi cơn bão không vào Hồng Kông mà lệch ra  bờ biển phía Đông Trung Quốc, nhưng đó là cái sai nhỏ. Hãy lấy cái mốc ngày 12 làm ví dụ. Nếu các Trung Tâm dự báo quốc tế ngày 12 đã dự báo bão vào Hồng Kông thì ngày 12 Việt Nam dự báo bão vào Vinh ! Và chỉ cần vậy là ngư dân Philippin Trung Quốc hoàn toàn thoát nạn còn ngư dân Việt Nam thì không. Ông Thành nói vậy có phải ngụy biện không ?

Và nữa, đã đành chữ “Nếu” thì vô cùng nhưng ở đây thì chúng tôi lại có một ví dụ rất cụ thể để trả lời cho câu hỏi ấy đó là lời kể của anh Hà Văn Đến, ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam,là một trong 570 ngư dân sống sót trở về kể với chúng tôi rằng:  Câu mực trên vùng biển này có nhiều tàu Philippin, thế nhưng trong các ngày 10 và 11.5 họ đều cuốn câu và rời khỏi. Trước khi đi họ la hét ra hiệu với chúng tôi rất nhiều thế nhưng chúng tôi không hiểu họ muốn nói gì. Có người đoán là họ nói có bão chăng, nhưng không ai tin vì  lúc này các đài VN đều báo là “bão xa ở vĩ độ 12, trong khi chúng tôi đang ở vĩ độ 19, hơn nữa là bão đi hướng Tây Tây Bắc thì làm sao ảnh hưởng được.

Nếu chúng tôi hiểu những người Philippin ấy nói gì thì chúng tôi sẽ theo họ tấp vào bờ biển Philippin vì chỉ có 30-40 hải lý. 

Mái tóc của ông Lê Công Thành quả thực rất trắng, và chúng tôi cũng biết nỗi vất vả cả tinh thần lẫn thể xác cũng như sự thu nhập rất thấp cũng như trách nhiệm vô cùng nặng nề của CB CNV ngành khí tượng, thế nhưng xin hãy hiểu cho đúng, chuyện nào ra chuyện nấy, không thể vị sự vất vả và vinh quang của ngành KTTV mà không nhìn thấy cho rõ những sai sót, có thể là chủ quan mà cũng có thể là khách quan trong những trường hợp dự báo sai.

Có thể là TT DBKTTV TW không biết có các ngư dân Việt Nam mình đang đánh bắt trong vùng biển đó nên đã phòng xa bằng cách dự báo cho vùng duyên hải để ngư dân nơi này cẩn thận vẫn hơn. Đó là một suy nghĩ tốt, thậm chí rất tốt. Và trách nhiệm ở đây cần phải mở rộng ra cả với Bộ Thuỷ Sản, Cục Hàng Hải là đã không có thông tin tốt, đơn đặt hàng cần thiết cho TT DBKTTV TW.

Ngư dân Phillipines đã la hét những gì với ngư dân Việt Nam?


Anh Hà Văn Đến.

Chúng tôi đến thôn Hiệp Hưng (Bình Hải,Thăng Bình, Quảng Nam) trong nắng chói chang. Không nhiều vành khăn tang vì đa số thuyền viên vẫn còn mất tích. Bên trong ngôi nhà còn mắc nợ xây dựng là bà Hoàng Thị Danh (73 tuổi) đang nằm bẹp dúm. Buồn rầu, đau đớn vì mất cùng lúc 3 người con trai, bà đã kiệt sức thật rồi! Sau khi trao tiền ủng hộ của bạn đọc cho các cháu của bà, chúng tôi quay lại thăm bà thì gặp một nhóm ngư dân thoát nạn ngồi trước hiên nhà. Họ đang nhớ lại những thời khắc kinh hoàng khi bão Chanchu ập đến ngay nơi đoàn tàu Đà Nẵng, Quãng Ngãi trú bão tại đảo Đông Sa.

Họ cho biết, hòn đảo to bằng đảo Cồn Cỏ của VN nhưng mỏm đảo nhìn từ xa trông như núi Phú Sĩ của Nhật bản. Phía bên kia là vực biển, đáy sâu đến 2000m. "Khi sóng biển dâng cao, một số tàu đã bứt neo, bay qua đảo nhưng lạ lùng có tàu chỉ bị hỏng máy, thuyền viên không hề hấn gì". Một người nói. Người khác chen vào: "Nếu bị rơi xuống từ đỉnh đảo và chìm nhanh xuống thì áp suất không khí và sức ép dưới đáy vực sẽ làm bể xác, không thể nổi lên". Và rồi anh Hà Văn Đến, một trong 570 ngư dân sống sót trở về kể với chúng tôi rằng: "Câu mực trên vùng biển này có nhiều tàu Philippines, rứa mà trong các ngày 10 và 11/5 họ đều cuốn câu và rời khỏi ngư trường. Trước khi đi, họ la hét ra hiệu với chúng tôi rất nhiều, thế nhưng chúng tôi không hiểu họ muốn nói gì. Có người đoán là họ nói có bão chăng, nhưng không ai tin vì lúc này các đài VN đều báo là “bão xa ở vĩ độ 12", trong khi tàu chúng tôi đang ở vĩ độ 19, hơn nữa là bão đi hướng Tây - Tây bắc thì làm sao ảnh hưởng được".

Chợt anh thấp giọng: "Nếu hiểu những người Philippines ấy nói gì thì chúng tôi đã theo họ tấp vào bờ biển Philippines vì chỉ cách bờ có 30-40 hải lý".

Những người làm dự báo của VN nghĩ gì về câu chuyện trên?

ĐNK

Trung Hồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.