TNO

Máy đọc được suy nghĩ

29/08/2014 15:22 GMT+7

(iHay) Càng ngày, sự riêng tư của con người càng bị giới hạn lại.

(iHay) Kính tương tác thực tế ảo Google Glass rồi sẽ lạc hậu hệt như ti vi trắng đen. Những món đồ chơi mới, Google Hat chẳng hạn, khi đội lên đầu sẽ liên tục giải mã, đoán trước, thậm chí dịch suy nghĩ của con người ra tiếng nước ngoài.

>> Những suy nghĩ 'không thể đỡ nổi' của phụ nữ

 

Càng ngày, sự riêng tư của con người càng bị giới hạn lại. Khi mọi thứ đều được đưa lên mạng - cả những điều từng là bí mật sâu thẳm nhất của mỗi người - thì cũng đồng nghĩa tất cả đều là hàng công cộng. Nhưng những suy nghĩ trong đầu thì vẫn là của riêng ta - ít nhất là cho tới giờ phút này. Tuy nhiên khoa học đang dần thay đổi điều đó.

Dẫu cái viễn cảnh cái đầu con người bị mở toang ra cho toàn thiên hạ tha hồ nhòm ngó là vô cùng thú vị hay cực kỳ đáng sợ, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong việc giải mã những suy nghĩ của con người dựa vào theo dõi hoạt động của não bộ. Máy đọc suy nghĩ của người khác vẫn là thứ chỉ mới ở giai đoạn rất sơ khởi, tuy nhiên nó đang đưa khoa học viễn tưởng tới gần hơn bao giờ hết.  

Ghé mắt vào não

Hầu hết những nghiên cứu về đề tài “đọc” não bộ hiện nay đều dựa trên máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đoán biết những gì đang xảy ra trong não. Tại Đại học Yale (Mỹ), các nhà nghiên cứu hồi tháng 3 vừa qua đã công bố công trình nhận mặt người bằng cách nhìn vào hoạt động não. Những người tham gia được cho xem 300 bức ảnh chân dung khác nhau. Trong lúc họ xem, máy fMRI ghi nhận các hoạt động trong não của họ, tạo ra một kho dữ liệu của riêng từng người về cách phản ứng của não trước từng ảnh chân dung. Kho dữ liệu hình ảnh này được diễn dịch sang thành thuật toán trên máy tính để ghi nhận lại theo ngôn ngữ của toán học sự phản ứng của não trước từng gương mặt.

Những người tham gia sau đó được xem lại vài tấm chân dung trong bộ 300 tấm kể trên. Chỉ bằng việc so sánh hoạt động của não với kho dữ liệu đã được số hóa trên máy tính, các nhà nghiên cứu có thể đoán đúng 60 - 70% người tham gia đang nhìn hình nào.

Cuộc nghiên cứu trên “lấy cảm hứng” từ một nghiên cứu trước đó của Jack Gallant thuộc Đại học California - Berkeley (Mỹ), cũng dùng fMRI và thuật toán máy tính để “ngó” vào não những người tham gia, có điều là “ngó” khi họ xem một đoạn phim mà các nhà khoa học biết trước.  

 

Giải mã giấc mơ

Không chỉ cố gắng “đọc” não của con người khi tỉnh táo, một nhóm khoa học gia Nhật Bản còn muốn “nhìn” xuyên đầu xem người khác đang mơ gì. Họ cũng dùng fMRI nhưng không giống như 2 cuộc nghiên cứu trên, khi các nhà nghiên cứu đã biết trước một số hình ảnh, đoạn phim nhất định, giải mã giấc mơ phức tạp hơn nhiều.

Những người tham gia nghiên cứu đã chui vào cái máy fMRI to đùng để ngủ. Khi phát hiện người ta đang mơ bằng cách nhìn hoạt động não, mấy ông khoa học gia đánh thức họ dậy và hỏi họ mơ thấy gì. Qua rất nhiều lần như vậy, cũng bằng thuật toán trên máy tính, họ học cách dịch các hoạt động của não mà fMRI ghi nhận được thành hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ. Mức độ chính xác ở con số 60%.

Những công trình theo kiểu ở trên đã và vẫn cứ đang tiếp diễn với cường độ, mức độ ngày càng đậm đặc để thỏa mãn mong ước của con người từ thời Ai Cập cổ đại: đọc được ý nghĩ người khác. Chẳng hạn ở Đại học California - Berkeley, nay các nhà khoa học không chỉ đơn thuần “đọc” não đoán những ý nghĩ đơn giản đang diễn ra mà còn tiến tới đoán xem não sắp nghĩ gì.

Ở Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), chuyên gia thần kinh Marcel Just nhận định rằng những thứ đang rất thời thượng như Google Glass sẽ rất nhanh chóng trở nên lạc hậu. Thay vì dùng mắt để điều khiển con trỏ, tìm số điện thoại tiệm sửa xe chẳng hạn - một thiết bị đọc được nỗi bận tâm trong đầu của bạn sẽ tự động gọi đến tiệm xe mới là viễn cảnh của tương lai, theo Just. Còn có những nhà khoa học bước vào lĩnh vực nghiên cứu để cho 2 bộ não cách xa “nói chuyện”, điều khiển lẫn nhau thông qua đường truyền internet.  

Hết dám nghĩ ?

Những nghiên cứu như kể trên mở ra viễn cảnh về các ứng dụng mà ngay cả các nhà khoa học còn chưa hình dung ra hết. Nhưng người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến việc nghiên cứu về những căn bệnh khó khăn khi nhận biết vật xung quanh, chẳng hạn tự kỷ. Ứng dụng dùng não bộ để điều khiển xe lăn, điều khiển các hoạt động hằng ngày cho người khuyết tật cũng rất hiển nhiên. Hoặc trong lĩnh vực điều tra tội phạm chẳng hạn, một người nhìn thấy thủ phạm gây án sau đó chỉ cần nhớ lại trong đầu hình ảnh kẻ xấu là ra ngay được một bức hình của y...

Nhưng nó cũng khiến người ta nghĩ đến những viễn cảnh đáng sợ, chẳng hạn một thế lực nào đó kiểm soát hoàn toàn não bộ của bạn, đọc được hết mọi suy nghĩ, toan tính của bạn. Rồi sẽ đến một thời đại không ai giấu ai được bất kỳ điều gì, mọi suy nghĩ trong đầu đều bị cả thiên hạ nhòm ngó? “Tôi đồng ý rằng bạn có thể sợ nhưng bạn không cần phải sợ trong 50 năm nữa”, Gallant - nhà khoa học “ngó” vào não người ta trong cuộc nghiên cứu xem phim kể trên dự đoán.

Còn nhiều trở ngại rất lớn chưa thể vượt qua được cho tới giờ phút này trong việc chế tạo máy đọc suy nghĩ. fMRI - trọng tâm của hầu hết các cuộc nghiên cứu hiện nay là một thiết bị rất cồng kềnh, không thể xách tay, lại cực kỳ đắt đỏ. Hình ảnh máy này ghi lại cũng không thể chuyển động. Độ phân giải của fMRI cũng rất thấp, chỉ tạo được những bức hình lờ mờ mà các nhà khoa học phải đoán dựa trên cơ sở dữ liệu.

Còn một trở ngại cực lớn khác: phản ứng của não mỗi người trước cùng một bức hình là khác nhau nên không có chuyện tạo ra một cái máy đọc não bộ dùng chung cho tất cả mọi người. Trong tất cả các cuộc nghiên cứu kể trên, các nhà khoa học phải nghiên cứu trên từng cá nhân một. Cuối cùng, để đọc được các tín hiệu trong não thì cần sự hợp tác hoàn toàn của người được đọc. Hãy cứ yên tâm, ít nhất là 50 năm nữa thiên hạ mới đọc được suy nghĩ của bạn - nếu như Gallant đoán đúng.

Kiều Oanh
Ảnh minh họa: Shutterstock

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.