(TNO) Một phát minh từ Mỹ có thể giúp các bác sĩ biết được bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo dù đã được gây mê để tiến hành phẫu thuật, theo kênh truyền hình ABC News.
Có những bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo sau khi đã được gây mê để phẫu thuật. Điều này khiến họ có thể nghe thấy và cảm nhận được cơn đau dù họ không thể cử động để báo cho bác sĩ biết mình vẫn tỉnh táo.
Tình trạng hoàn toàn tỉnh táo khi đã được gây mê thường phổ biến ở phụ nữ và được truyền ở những người trong gia đình.
Theo Quỹ Nghiên cứu gây mê quốc tế, cứ mỗi 1.000 bệnh nhân được gây mê tổng quát thì có khoảng 1 hoặc 2 người tỉnh táo.
Tiến sĩ Giulio Tononi, nhà thần kinh học và tâm lý học tại Trường đại học Wisconsin, Madison (Mỹ) cho rằng, những tín hiệu điện (nhìn, nghe, cảm nhận được cơn đau) lan rộng trong não, khiến bệnh nhân nhận thức được mọi việc dù đã được gây mê.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, thuốc gây mê ngăn chặn những dấu hiệu trên lan rộng, khiến bệnh nhân trở nên vô thức.
Để giúp các bác sĩ phát hiện bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật, tiến sĩ Giulio Tononi đã chế tạo ra một dụng cụ đặc biệt.
Dụng cụ này kích thích não bằng một dòng điện và xem xét liệu có tín hiệu điện nào lan rộng trong não hay không.
Ở những bệnh nhân mà não đã hoàn toàn vô thức, các tín hiệu sẽ không lan rộng. Với những bệnh nhân mà não vẫn còn tỉnh táo, tín hiệu sẽ lan rộng trong não.
Khi đó, các bác sĩ sẽ biết liệu bệnh nhân đã trở nên vô thức hay vẫn còn tỉnh táo.
Đức Trí
>> Cẩn thận với gây mê ở trẻ
>> Gây mê ảnh hưởng sự phát triển não ở trẻ
>> Giải mã cách não bộ xử lý thời gian
>> Phát hiện mới về não bộ
>> Tăng cường sức khỏe não bộ
Bình luận (0)