MC Phan Anh chấp nhận bị cắm sừng để... cứu sao la

09/07/2016 16:06 GMT+7

Ngày 9.7, tại TP.HCM, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố Ngày Quốc tế Sao la và dự án Cứu sao la với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Bình Minh, Phan Anh, Hoàng Bách, Bảo Thi…

Phát biểu tại chương trình, Phan Anh chia sẻ: Cũng rất tội nghiệp cho những người đàn ông đã có gia đình như Phan Anh, Bình Minh, Hoàng Bách… anh em chúng tôi chấp nhận bị “cắm sừng” với hy vọng để góp sức cứu sao la không bị tuyệt chủng.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia dự án Cứu sao la
“Kỳ lân châu Á” đang nguy cấp
Theo WWF, sao la được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”, là loài đặc hữu của Việt Nam và Lào. Chúng sống ở vùng rừng núi hiểm trở Trường Sơn. Dự án Cứu sao la được mang tên “Cứu sao la - đứa em cùng Đất Mẹ”, là một chiến dịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này, một niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Loài sao la đến nay chỉ được các nhà khoa học ghi nhận hình ảnh trong tự nhiên vài lần. Chúng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992, gần đây nhất vào tháng 7.2013, bởi hệ thống bẫy ảnh cảm biến nhiệt của WWF. Nó dấy lên hy vọng mới cho sự sống còn của loài này sau 15 năm kể từ khi các bằng chứng hình ảnh cuối cùng được ghi nhận.
Hiện tại, sao la bị đe dọa bởi nạn đặt bẫy trộm và môi trường sống bị phá hủy do nạn khai thác gỗ trái phép và các dự án phát triển không bền vững, sao la hiện chỉ còn vài trăm, thậm chí chỉ vài mươi cá thể, theo phỏng đoán của các nhà khoa học. Năm 2006, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xác định tình trạng loài sao la ở mức “cực kỳ nguy cấp”.
5 năm thu trên 75.000 bẫy
Khu bảo tồn sao la được thành lập tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam vào năm 2010 và 2011, với sự hỗ trợ từ WWF. Các khu bảo tồn này hiện được kết nối, tạo nên một vùng sinh cảnh liền mạch quan trọng cho sao la, với 200.000 ha diện tích rừng Trường Sơn dọc biên giới Lào và Việt Nam. Tính từ năm 2010 đến cuối năm 2015, các khu bảo tồn đã tháo gỡ 75.295 bẫy các loại và triệt phá trên 1.000 khu trại bất hợp pháp của các nhóm khai thác gỗ và săn trộm. Bất chấp những nỗ lực không ngừng từ đội bảo vệ rừng, tình trạng săn trộm và đặt bẫy vẫn duy trì ở mức cao trong khu sinh cảnh của sao la, đe dọa đến sự tồn vong của loài động vật này trong tương lai.
“Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe dọa. Nếu chúng ta có thể cứu sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang đến, như nguồn nước ngọt mà chúng ta đang phải phụ thuộc vào. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến nhằm bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp. Đây là cuộc chiến nhằm cứu lấy những gì mà loài sao la đại diện. Là cuộc chiến để cứu lấy chính chúng ta”, TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam chia sẻ.
Dự án “Cứu sao la - đứa em cùng Đất Mẹ”, được thông tin chính thức tại địa chỉ www.savesaola.vn và www.cuusaola.vn khuyến khích các cá nhân, tập thể chia sẻ thông tin về sao la và cùng đóng góp hỗ trợ WWF bảo tồn loài vật biểu trưng này.
Sao la có chiều dài khoảng từ 1,3 đến 1,5 m, cao 0,9 m và có trọng lượng khoảng 100 kg. Sao la có bộ lông màu nâu sẫm, sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. Việc khám phá ra loài động vật sừng dài này được coi là một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử khoa học vì chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện trong suốt 100 năm trước đó. Đây cũng là một trong những phát hiện quan trọng về động vật trong thế kỷ 20.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.