McDonald’s và Starbucks bị phạt vì lệnh cấm đồ nhựa ở Ấn Độ

28/06/2018 11:15 GMT+7

Đó là hai trong số hàng chục công ty bị phạt tiền ở Maharashtra, tiểu bang lớn thứ hai Ấn Độ với dân số hơn 100 triệu người, CNN dẫn tin từ một quan chức chính phủ cho biết.

Lệnh cấm sử dụng đồ nhựa một lần, bao gồm túi mua sắm, hộp đựng thực phẩm và dao kéo nhựa, đã được công bố vào cuối tháng 3.2018 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 23.6.2018.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một bài phát biểu hồi đầu tháng này đã gọi đồ nhựa là “mối đe dọa đối với nhân loại”. Chính phủ của ông cam kết sẽ loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần ở Ấn Độ trước năm 2022, tham gia vào một chiến dịch toàn cầu khẩn cấp được đưa ra sau khi một nghiên cứu cho thấy khối lượng nhựa sẽ nhiều hơn cá trong các đại dương vào năm 2050.
Ít nhất 25 trong số 29 tiểu bang của Ấn Độ cấm toàn bộ hoặc một phần đối với các loại nhựa sử dụng một lần. Lệnh cấm này thường không được thi hành nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Maharashtra đang hành động quyết liệt hơn, buộc các công ty phải thay đổi cách sử dụng đồ nhựa.
Hardcastle Restaurants, nhà hàng nhượng quyền do McDonald’s điều hành ở Maharashtra, cho biết họ đã bắt đầu sử dụng dao kéo bằng gỗ, cốc giấy và ống hút làm bằng tinh bột ngô. Trong khi đó, các cửa hàng bị phạt vẫn chưa tìm được phương án thay thế cho các loại đồ nhựa như nắp, ly đựng đồ uống, một phát ngôn viên của McDonald’s Ấn Độ nói với CNN.
[VIDEO] Trắng tinh như Nam Cực, nay cũng đã ô nhiễm nhựa
Starbucks từ chối bình luận cụ thể về mức phạt hoặc lệnh cấm của Maharashtra. Nhưng một phát ngôn viên của Tata Group, tập đoàn liên doanh với Starbucks để điều hành các cửa hàng ở Ấn Độ, cho biết công ty đã sử dụng túi giấy, ống hút phân hủy sinh học và dao kéo bằng gỗ tại nhiều cửa hàng ở quốc gia Nam Á.
“Chúng tôi tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương trong mọi thị trường mà chúng tôi hoạt động”, người phát ngôn nói.
Giá trị các khoản tiền phạt vi phạm được cho là không lớn đối với các công ty toàn cầu. Mức phạt ban đầu là 5.000 rupee (khoảng 73 USD) cho những người vi phạm lần đầu, tăng lên 25.000 rupee (khoảng 367 USD) cho các vi phạm tiếp theo. Những trường hợp vi phạm quá nhiều lần liên tiếp có thể phải đối mặt với án tù.
Lệnh cấm đã đặt ra một thách thức lớn hơn cho doanh nghiệp nhỏ và nhà bán lẻ. Các hiệp hội ngành công nghiệp đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với ngành công nghiệp nhựa. Neemit Punamiya, Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất túi nhựa Ấn Độ, ước tính ngành nhựa nước này có thể mất hơn 2,2 tỉ USD và 300.000 việc làm do lệnh cấm. Hipen Bheda, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa Ấn Độ, cho rằng lệnh cấm hiện tại vẫn chưa rõ ràng, nhưng lại được áp dụng rộng rãi đến mức có thể gây hại cho nền kinh tế.
“Lệnh cấm phải được đưa ra để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm hoặc xả rác, chứ không phải để giết chết ngành công nghiệp”, ông Bheda nói với CNN, đồng thời cho biết ngành công nghiệp nhựa rất muốn hợp tác với chính phủ để cải thiện việc quản lý chất thải.
Nhà chức trách ở Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ và thủ phủ bang Maharashtra, đã thu được 400.000 rupee (khoảng 5.900 USD) tiền phạt hôm 24.6 từ hơn 80 cơ sở kinh doanh, CNN dẫn tin từ một viên chức cao cấp. Quan chức ở Pune, một thành phố lớn khác của bang, được cho là đã thu được số tiền tương tự. Chiến dịch cắt giảm sử dụng đồ nhựa ở Ấn Độ được đưa ra sau những động thái tương tự ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.