Mẹ biết không, tên con là Nguyễn Bình An!

06/09/2018 13:33 GMT+7

Mẹ biết không, tên con là Nguyễn Bình An, bởi khi sinh con ra có lẽ mẹ vội vã đến mức chẳng chuẩn bị cho con được một cái tên.

Con được cô bác nhặt được ở cổng một bệnh viện khi mới 1 giờ tuổi. Ngày 27.7.2018, con chào đời nhưng số phận của con đã không được bắt đầu bằng sự chào đón. Nó bắt đầu bằng những dòng chữ được trên hồ sơ. Những dòng chữ được in lên mảnh giấy A4, điền tên con là:


Con được đưa lên xe cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ở đây, các bác sĩ, điều dưỡng đặt cho con cái tên Nguyễn Bình An. “Bình An” là 2 chữ, bình an cũng là sự nguyện cầu, mong mỏi cho một tương lai tốt hơn.

Một bạn cũng bị bỏ rơi giống như con, nằm ở bệnh viện này với con và cũng được đặt tên là Bình An. Mỗi bạn nhỏ khi bị bỏ rơi được mang vào đây cũng đều được đặt một cái tên, bởi hai chữ “vô danh” nghe kỳ quá. Đến cây cỏ còn được gọi tên, sao trẻ con lại là vô danh?

Khi lớn lên, con chắc rằng con sẽ mất một phần quá khứ. Bởi chẳng có ai xung quanh có thể cho con nghe rằng vì đâu mà con có mặt trên đời này.

Mẹ là ai?

Cha là ai?

Con là ai?

Là kết quả của một cuộc tình dại dột của hai cô cậu thiếu niên? Là hài nhi bé bỏng của một cô gái túng thiếu không thể nuôi nấng được chính đứa con mình? Ở bệnh viện nơi đang cưu mang con bây giờ có 4 bạn khác cũng như con, cũng không được chào đón bởi được sinh ra trong sự lỡ làng.

Mẹ đã cho cuộc đời này một bé trai nặng 2 ký 6, hồng hào nhưng có một vết bầm ở chân. Cô bác sợ con bị gãy xương nên đưa con vào chụp X-quang. Nhưng không sao mẹ ạ, mẹ đã tặng cho thế giới một đứa trẻ hoàn toàn lành lặn với tay chân bình thường. Nếu sau này lớn lên mà vẫn chưa tìm được mẹ thì đó có lẽ là điều con muốn cảm ơn mẹ nhiều nhất.

Bởi bạn Hiếu nằm ở phòng bên cũng bị bỏ rơi lúc sơ sinh, trên người của bạn bị những vẩy sừng che kín. Toàn thân bạn Hiếu không thể nhìn thấy da đâu, chỉ thấy một màu đen của vẩy mà bất cứ ai nhìn thấy cũng phải xót xa. Bạn Hiếu bị bỏ rơi bởi vì bạn ấy không được như những đứa trẻ bình thường.

Con còn may mắn hơn bạn Hiếu phải không mẹ? Con bị bỏ rơi nhưng con không phải chịu nỗi đau của bệnh tật. Bác sĩ Thanh ở bệnh viện bảo khi mới sinh ra mà đã bị bệnh này thì có thể là do yếu tố di truyền; còn cô Ty điều dưỡng vẫn thường khen bạn Hiếu có sức sống mãnh liệt quá, bạn ấy vẫn ăn sữa đều, vẫn tăng cân dù cho đang phải nằm trong lồng ấp.

Con, bạn Hiếu, bạn Quỳnh Mai, bạn Chau Rax và bạn Ly hay và rất nhiều bạn khác từng nằm ở bệnh viện này, tụi con đều rất ngoan. Ở đây ai cũng bận rộn. Các bạn nhỏ khác bị bệnh, các bạn cũng cần sự quan tâm, chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây, chỉ có thể chăm sóc tụi con những lúc thực sự cần. Mọi người bảo nhau rằng vì tụi con ít được ẵm bồng, không quen nhõng nhẽo được với ai.

 

Trong bệnh viện hôm qua có một bạn vừa được chuyển đi nơi khác mẹ ạ. Bạn Bình An mà con kể rồi ấy. Những đứa trẻ như con thường ở trong bệnh viện này không lâu, bởi sau khi khỏe mạnh thì sẽ được chuyển về các trung tâm trẻ mồ côi. Ở nơi đó, bọn con sẽ lớn lên, sẽ được đi học cùng với những bạn bè mới.

Năm ngoái, đã có 17 đứa trẻ như con bị bỏ rơi và được chuyển đến bệnh viện này. Còn năm nay, con là em bé thứ 18 đã được đưa về đây. Bọn con được mang đến rồi được mang đi, không có chút ký ức gì về nơi đã cưu mang mình, chỉ còn lại nỗi trăn trở của bệnh viện khi ngày càng nhiều những đứa trẻ giống như con - những đứa trẻ bị

Cô Ty làm điều dưỡng ở đây đã 20 năm, cô kể rằng những đứa trẻ bị lãng quên như con khi lớn lên rồi chẳng có ai quay lại. Đó là nỗi bất hạnh phải không mẹ? Bởi vì nếu muốn điều tra về quá khứ của mình, tìm lại cha mẹ mình, thì người ta bắt buộc phải quay lại bệnh viện này mới có thể tìm được hồ sơ cá nhân. Không ai quay lại tìm, thì có thể rất nhiều những đứa trẻ như con đã không thể tìm được cha mẹ ruột của mình.


Gần nơi con nằm là cửa sổ, ngoài đó có những hàng cây cổ thụ màu xanh. Thân cây cao lớn, tán cây xum xuê nhờ vào bộ rễ bám chặt vào đất, hút sinh khí từ đất mà trở nên mạnh mẽ, che chở cho biết bao người. Những cổ thụ ấy cũng từng là những cây non giống những em bé như con. Trẻ con nào cũng cần nguồn cội, bởi đó là nơi sinh thành, nuôi dưỡng và cho chúng con sức mạnh để lớn lên trọn vẹn.

Một tháng nằm ở bệnh viện này, con bây giờ nặng 3 ký rưỡi. Rồi con sẽ lớn lên thêm, sẽ cao hơn, sẽ tập đi rồi tập nói. Nhưng con không biết được khi tập nói con sẽ gọi tên ai. Bởi nếu không may mắn có được một gia đình mới, con sẽ về cùng với những bạn nhỏ cùng hoàn cảnh như con. Không cha, không mẹ, con chẳng có ai dạy con nói tiếng đầu đời.

Cũng ở bệnh viện này, cách nơi con đang nằm không xa là khoa Hiếm muộn. Ở đó có những cô bác vẫn ngày đêm chờ đợi sự ra đời của những thiên thần như con. Với các cô bác ấy, vẫn có những em bé như con vẫn đang vui vẻ sống trên thiên đường, vì một lý do nào đó mà thượng đế chưa gửi xuống nhân gian. Và đến một ngày khi các bạn ấy có mặt trên đời này trong sự chào đón của mẹ cha thì thế giới sẽ là thiên đường với các bạn ấy.

Các bạn ấy sẽ không như con, sẽ không bị lãng quên.

Theo BSCK2 Huỳnh Thị Thanh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời gian gần đây, số lượng trẻ em bị bỏ rơi ở bệnh viện này đã tăng vọt. Nếu trong năm 2017 chỉ có 17 em bé thì chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có tới 18 em bị bỏ rơi.

Bác sĩ Thanh cho biết: “Khoa chúng tôi hiện nay có 49 người, chia ca ra làm, mỗi ca 8 người thay nhau chăm sóc các em bé. Thường thì với các em bé bị bỏ rơi thì bác sĩ không chăm sóc được. Việc chăm sóc, ăn uống, thay tã thì đều do mấy cô điều dưỡng lo. Một ngày ăn 8 lần, định kỳ 3 tiếng thì các cô vào thay tã một lần không kể những lúc đột xuất”.

Khi sức khỏe ổn định, các em bé bị bỏ rơi sẽ được chuyển đến các trung tâm để tiếp tục nuôi dưỡng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.