Chị Bùi Thị Mai (43 tuổi, dược sĩ và ủy viên Hội đồng chuyên môn kỹ thuật Liên đoàn yoga Việt Nam) sở ngoại hình trẻ trung và thần thái tươi sáng, là hình mẫu của nhiều cô gái trẻ. Ít ai biết, nhờ yoga chị đã tự thay đổi cuộc sống mình, luôn suy nghĩ tích cực và giúp các chị em tìm lại niềm vui và sự tự tin.

Mỗi ngày, cuộc sống của chị diễn ra như thế nào?

Khoảng 5 giờ kém, tôi dậy và dạy yoga ở lớp online. Nếu dạy ở ngoài phải dậy sớm hơn. 6 giờ tôi ăn sáng và ra nhà thuốc, dù có nhân viên nhưng tôi vẫn phải ra đến đó mỗi sáng. Tôi mở tiệm thuốc trước nhà nên không mất thời gian đi lại. Tiếp đó, tôi tranh thủ dạy online cho học viên nước ngoài và ăn cơm tối xong sẽ dạy lớp huấn luyện viên.

Từ đợt dịch Covid-19, tôi chuyển sang dạy online nên không vất vả trong việc đi lại. Trước đây, buổi tối tôi thường khó vào giấc ngủ và sáng dậy thích ngủ nướng. Mới đầu phải dậy sớm đi dạy thấy cũng vật vã lắm, rất mệt, phải mất 5 tháng sau mới quen.

Dần dần, tôi biết tự điều chỉnh thời gian, tự sắp xếp cường độ dạy nên thích nghi được. Nhờ dạy yoga tôi bỏ được tính ngủ nướng và thấy ngày như dài hơn 3 - 4 tiếng, làm được nhiều việc hơn và đêm về ngủ ngon lành.

Chị không ngại chia sẻ những hình ảnh già nua, buồn chán của mình ở tuổi 26 lên mạng xã hội. Phải chăng thời điểm đó chị bỏ bê bản thân và gặp nhiều áp lực?

Học xong cấp 3, tôi thích nghề giáo viên nhưng thi đại học sư phạm không đỗ. Cái duyên cho tôi theo nghề dược. Năm 2002, tôi từ quê ở Hải Dương vào Biên Hòa (Đồng Nai) lấy chồng, sinh con và mở nhà thuốc.

Con gái đầu rất khó nuôi. Sinh con đầu lòng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc nên con bị bệnh triền miên. Áp lực nhiều lắm, con quấy đêm khiến cho tôi bị thiếu ngủ, tụt huyết áp. Cùng với áp lực công việc, tôi từ một người bình thường bỗng thay đổi, mọc mụn, nám da, tính cách thay đổi,…

Đó có phải là những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh?

Tôi sợ nên đi khám và bác sĩ nói là bị suy nhược thần kinh, nếu để lâu sẽ thành trầm cảm. Sau đó tôi vẫn làm việc bình thường nhưng lười giao tiếp, lười gặp mọi người. Tôi toàn bị họ chê nên không muốn gặp ai nữa, nếu gặp cũng không nói chuyện gì nhiều.

Tôi gặp biến cố gia đình và không hài lòng với mọi thứ rồi con đau ốm nữa, cuộc sống không vui vẻ. Tôi một mình chịu đựng, không nói với ai thậm chí đến mẹ tôi cũng không biết.

Có thời điểm, tôi có cảm giác giống như một ai trong người kéo mình xuống. Tôi thấy mọi người đi lại ngoài đường rất thích nhưng không thể đứng lên để đi được. Tôi tự hỏi sao người ta có thể vui vẻ như vậy nhưng mình không làm được và còn nghĩ quẩn như ma nhập vào mình. Đêm về không ngủ được tôi chỉ mong sáng dậy ông trời cho mình đi luôn.

Lúc đó tôi cũng định viết cảm xúc lên Facebook cá nhân nhưng nghĩ lại sợ nhiều người bảo thế này, thế kia, nói làm màu nên tôi không viết nữa. Tôi cũng không sang nhà hàng xóm chơi, gặp bạn bè không nói chuyện.

Chính vì vậy, chị tìm đến yoga để học và tập luyện?

Bác sĩ có khuyên tôi phải ra ngoài nhiều hơn, bớt công việc lại và đi tập thể dục. Năm 2011, tôi bắt đầu tập Aerobic kết hợp với tập yoga cuối giờ. Tuy nhiên, lúc đó yoga không chuyên, không đều nên tôi chưa cảm thấy mê. Tôi không siêng năng tập luyện, nghỉ thường xuyên. Sau đó, một người chị kêu tôi đi thiền. Chỗ tôi sống không nhiều nơi dạy thiền như ở Sài Gòn nên tôi lên mạng tìm các bài thiền gắn với yoga. Tôi nghe thuộc hết nhưng không biết cách kết nối và cũng biết nếu thiền không đúng cách sẽ bị phản tác dụng.

Sau đó, tôi đi học khóa huấn luyện viên để biết gốc rễ của yoga, làm sao để kết nối giữa yoga và thiền một cách chính xác. Tôi tự lên Sài Gòn học và khám phá ra nhiều điều, khác hoàn toàn so với trước đây tự học.

Khi học có những câu triết lý về yoga như “ý và khí sinh ra lực”, “bản thân phải đi tìm ở phương thẳng hàng, vuông góc thì trọng lượng dần về số 0”, kết hợp với các bài tập vừa sức, tôi dần dần nhận ra bản thân mê yoga.

Con đường đến và theo đuổi yoga chắc hẳn không dễ dàng…

Lúc học xong tôi không có ý định dạy yoga cho mọi người nhưng bạn bè, người quen thấy tôi tập thích quá mới xin theo học. Con đường đến với yoga rất vất vả. Trước đây chỉ theo nghề dược còn ốm lên ốm xuống giờ thêm cả yoga, đi đào tạo khắp nơi. Tuy nhiên, chính tôi cũng không biết năng lượng ở đâu nhiều vậy. Lúc đầu cũng có những áp lực nhưng sau bản thân biết cân bằng lại, ăn uống điều độ và quen dần.

Mới đầu tập tôi nản kinh khủng. Có những bài tập bụng, tập cơ, nặng và mỏi lắm, gân cơ, xương cốt tưởng như đứt luôn. Tuy nhiên, tôi cứ thả lỏng hết ra, không gồng lên nhiều và tập từ từ.

Ngày đó, ở khu tôi sống nếu đi tập nhiều còn bị người ta nói. Mỗi lần đi tập phải âm thầm vì họ thấy xách xe đi, mặc đồ hoa hoét nhiều người rất khó chịu. Ngay cả mẹ tôi cũng nói đừng đi tập nữa, dành thời gian đi làm nhiều hơn, bạn bè cũng không ít người chê cười.

Yoga đã thay đổi cuộc sống chị như thế nào?

Tôi nhận ra thiếu tự tin, buồn chán về bản thân không phải lúc gia đình nghèo nhất. Kinh tế không phải là điều quyết định nhưng nhiều thứ xung quanh đã gò bó tôi lại.

Hồi xưa tôi rất sợ người khác nói về mình, ăn mặc cũng sợ họ đánh giá. Tôi nhớ một lần mấy mẹ con đi chơi ở một resort, muốn xuống bể bơi phải mặc đồ bikini. Tôi không có nên mua đại một bộ ở resort đó để mặc và con gái là người chụp cho một vài tấm hình.

Về nhà, tôi có đăng một bài lên Facebook với nội dung cảm ơn yoga đã giúp tôi có body săn chắc hơn thời con gái kèm tấm hình mặc đồ bikini đó. Người ta nói tôi mặc đồ giống cave. Câu nói đó khiến tôi bị sốc, ốm một tuần. Tôi chỉ nghĩ đăng lên để lan tỏa những điều tích cực mà yoga mang lại chứ không hề có ý định dụ dỗ ai để người khác nói như vậy.

Thay vì từ bỏ, tôi tiếp tục tập luyện, nghĩ tích cực hơn và bỏ qua những lời nói đó. Dần dần, tôi không còn buồn vì ai đó nói hay nghĩ gì về mình. Thay vì mất ngủ khi họ nói xấu tôi lại thấy thoải mái, không lo nhiều về tương lai, sống vui vẻ và có nhiều năng lượng để làm việc.

Với tư cách là một huấn luyện viên yoga, chị đã giúp đỡ các học viên của mình như thế nào?

Mỗi học viên đến với yoga đều có những câu chuyện khác nhau, có người luôn sống tiêu cực, gia đình gặp biến cố hay cả những người có cái tôi rất cao. Tôi luôn nghĩ rằng phải dạy đến khi nào chính họ tự hiểu được mới là thành công.

Trước đây có một bạn vì nhà bị cháy nên bỏng hết một bên thân người, chân tay chằng chịt những vết sẹo. Bạn ấy rất mặc cảm, lúc nào cũng buồn rầu. Tôi rủ bạn ấy đi dã ngoại cùng với lớp, bạn nhất quyết từ chối, không dám mở lòng.

Tôi luôn động viên bạn ấy phải buông bỏ hết, luôn tự tin vào bản thân. Tôi nói với bạn ấy rằng: “Ngoài kia có biết bao nhiêu người khổ hơn, em còn đi lại được, còn nói cười được” và động viên rất nhiều. Và cuối cùng bạn bộc lộ hết, rất thoải mái tham gia các bài tập cùng các học viên khác và tôi thấy vui vì bạn ấy có sự thay đổi đó.

Có một bạn khác nữa cũng gặp biến cố gia đình nên không nói chuyện với bạn bè và nghĩ hồi xưa cấp 3 học giỏi nên chẳng chơi với ai hết. Bạn đến lớp yoga học nhưng quay vào một hướng khác, đôi khi có những lời nói coi mình hơn cô giáo. Tôi cũng để ý, quan sát, vừa dạy và từ từ truyền tải những ý nghĩa của yoga. Sau một tháng, bạn dần thay đổi và hòa đồng với lớp hơn.

Tôi biết những người như vậy cái tôi của họ rất cao nên không khuyên nhủ ngay từ đầu mà dạy dần dần qua những bài tập. Có lúc tôi nhắn tin hỏi thăm thì bạn ấy cảm động và khóc. Lúc đó bạn đã hiểu nên tôi tâm sự nhiều và bạn có nói một câu đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi: “Cô như người mẹ thứ hai của em”.

Gia đình chị có ý kiến gì không khi chị theo đuổi yoga nhiều năm liền?

Giờ tôi ở với 2 con, con gái lớn 20 tuổi, con trai thứ hai 14 tuổi. Con gái hỗ trợ mẹ rất nhiều trong các bài giảng, phụ trách công nghệ, hình ảnh. Đến thời điểm bây giờ con gái cũng đang tập yoga giống như tôi.

Chị có định hướng con gái theo việc dạy yoga lâu dài không?

Tôi nghĩ rằng, yoga là nghề phụ nhưng chiếm rất nhiều thời gian. Thực sự không chỉ riêng con gái tôi mà với tất cả mọi người nếu không chịu học các kiến thức bên ngoài mà chỉ có học duy nhất về yoga sẽ khó thành công.

Theo tôi, mọi người không nên buông bỏ hết công việc để theo yoga mà nên học xen kẽ với những ngành nghề chính mà mình yêu thích.

Từ những trải nghiệm của mình, chị có lời khuyên gì tới các chị em khác để giữ gìn sức khỏe, vóc dáng đẹp đẽ và tinh thần luôn thoải mái?

Các cụ có câu “tâm sinh ra bệnh” nên tôi cũng khuyên các chị em phụ nữ nếu buông được hay buông đi. Xem buông bỏ là một liệu pháp rèn tâm và được thân.

Tôi vẫn nhớ như in một người thầy nói rằng “tức giận là pha chế thuốc độc cho người khác uống nhưng bản thân mình là người chết” nên hãy luôn vui vẻ, kiềm chế sự nóng giận trong con người mình.

Người tập yoga rất nhạy cảm, có thể nhanh buồn nhưng cũng nhanh quên. Tôi cũng thường xuyên đăng tải những hình ảnh, bài viết lên mạng xã hội để mọi người có động lực đi tập, đừng bao giờ nản chí.

Trước đây tôi cũng nản lắm, bỏ đến hơn 10 lần nhưng luôn nhìn vào những giá trị tích cực của yoga để cố gắng.

Tôi dạy yoga nhưng không làm bảng hiệu, không bao giờ tuyển sinh. Tôi nghĩ rằng, có duyên sẽ đón nhận và tin vào triết lý yoga là “hữu xạ tự nhiên hương”.

Tôi cũng muốn nhắc nhở các chị em rằng niềm tin là yếu tố số 1 quyết định thành công trong mọi việc. Hãy tin vào bản thân, người khác làm được mình sẽ làm được. Hãy chọn cho mình niềm đam mê, công việc yêu thích và phấn đấu vươn lên để mỗi ngày trôi qua không bị nhàm chán, cuộc sống luôn ý nghĩa. Hãy tự tin mình có nét đẹp riêng và nỗ lực, tỏa sáng trong mọi tình huống.

Quyết định chia tay người cha của các con vốn đã là một việc khó khăn, vậy nuôi con một mình chị có những trăn trở gì không?

Thật sự trước đó tôi từng chứng kiến có nhiều phụ nữ chỉ vì không đủ khả năng tài chính cũng như không đủ bản lĩnh để nuôi dạy con mà phải chấp nhận sống trong địa ngục. Cũng có người ly hôn rồi nhưng không nuôi dạy được con lại quay về với chồng cũ.

Bản thân tôi cũng đã phải đắn đo suy nghĩ 2 năm, đặt lên bàn cân, hướng nào thuận lợi cho tất cả mới lựa chọn giải quyết theo hướng đó. Một khi tôi đã quyết định điều gì thì tôi không hối tiếc.

Có một điều chắc chắn là các con sẽ là người tổn thương tinh thần và thiệt thòi hơn các bạn có đầy đủ cha mẹ. Tuy nhiên, các con tôi lại luôn sợ mẹ buồn và luôn quan tâm mẹ. Tôi cũng luôn nhắc các con rằng: khi nào con cảm thấy buông hay bị thiệt thòi thì hãy nhìn ra ngoài kia có bao đứa trẻ đang mồ côi cả cha mẹ…. Nhờ vậy mà các con tôi luôn ngoan ngoãn và tích cực .

Nhiều người nghĩ rằng mẹ đơn thân nếu có lịch làm việc dày đặc sẽ có ảnh hưởng đến việc lo cho con. Chị làm sao để cân bằng giữa việc lo nhà thuốc, dạy yoga và chăm con?

Thực sự lúc con còn nhỏ tôi một mình chăm 2 con rất vất vả. Tôi thức khuya lo công việc nhà thuốc, sáng dậy sớm 4 giờ 30 lo cho con, đi dạy yoga sớm. Con đi học bằng xe buýt nhưng chiều tôi tranh thủ đón con. Đi công tác xa, lúc nào tôi cũng chỉ đi sát ngày và xong việc về ngay với con không bao giờ dám đi chơi một mình mà không có 2 con.

Làm mẹ đơn thân có thể là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng điều này cũng chứng minh sự dũng cảm và tình yêu con vô bờ bến. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Câu hỏi này làm tôi rơi nước mắt. Đã là cha mẹ tôi nghĩ ai cũng thương con, mỗi người có một cách thể hiện tình yêu con khác nhau.

Với riêng tôi, từ khi các con còn nhỏ hầu như một mình tôi dạy dỗ, chăm sóc. Tôi cũng là người dạy học cho các con nên khi làm mẹ đơn thân tôi không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thứ phải đương đầu. Tôi nghĩ rằng chỉ cần tích cực mọi chuyện đều trở thành bình thường và chuyện gì cũng có cách giải quyết.

Xin cảm ơn chị với cuộc trò chuyện này!

Báo Thanh Niên
22.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.