'Mê hồn trận' trên mạng bủa vây trẻ em

Ngọc An
Ngọc An
31/08/2020 06:23 GMT+7

Không phải đến giờ những nguy hại từ nhiều nội dung xấu trên mạng xã hội (YouTube, TikTok, Facebook...) với trẻ em mới được cảnh báo. Số lượng những nội dung này cùng mức độ xấu, độc đang ngày một nhiều hơn cùng sự biến đổi với nhiều hình thức khác nhau.

 

Nhảm nhí, bạo lực

Tháng 4.2019, TikTok chính thức ra mắt tại Việt Nam, sau một năm nền tảng video ngắn này được thử nghiệm. Thế nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, theo số liệu thống kê, TikTok đã đạt 12 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng chỉ riêng tại thị trường Việt Nam. Cũng trong năm ngoái, số lượng lượt người dùng YouTube tại Việt Nam đạt tới khoảng 45 triệu người. Mạng xã hội tại Việt Nam hiện đang rất phổ biến với nhóm khách hàng: trẻ em và trẻ vị thành niên.

 Các bậc cha mẹ cần có sự lựa chọn, chứ không thể để các con tự ý tiếp cận. Cha mẹ cũng phải biết con mình làm gì, chơi gì trên mạng

PGS-TS Trịnh Hòa Bình

Mới đây, trên TikTok xuất hiện trào lưu “vạch áo khoe ngực”, trong đó có hình ảnh những cô gái nhảy nhót, sau đó cởi áo mà bên trong không mặc nội y để “khoe” vòng 1 của mình. Kênh YouTube Hành tinh đồ chơi thì có tới hơn 4,5 triệu lượt người đăng ký theo dõi, mỗi video trên kênh này thu hút hàng triệu đến chục triệu lượt xem, trong đó có không ít những nội dung phản cảm như hướng dẫn chơi game cắt váy cô giáo, hướng dẫn trẻ em ăn xà bông, uống sữa tắm hay nước mắm... Trong những video này, dễ nhận ra những sản phẩm quảng cáo đã được YouTuber đưa vào.
Kênh YouTube Thơ Nguyễn có hơn 8,3 triệu lượt người đăng ký với đối tượng xem chủ yếu là trẻ em, cũng có không ít những nội dung nhảm nhí, chẳng hạn đưa ra thử thách cán tất cả mọi thứ dưới bánh xe ô tô... Còn kênh NTN Vlogs với hơn 8,6 triệu lượt người theo dõi thường đăng tải những video có thể gây nguy hiểm khôn lường nếu trẻ con bắt chước như cách đâm nổ bóng bay bằng bột mì, chế tạo đầu đạn mini, thậm chí chế tạo “bom” từ chai nước ngọt...
“Mê hồn trận” trên mạng bủa vây trẻ em

YouTuber Thơ Nguyễn trong video hướng dẫn cách làm bồn tắm thạch

Ảnh: Chụp màn hình

Thế giới ảo, hậu quả thật

Với lượt xem “khủng" cùng những hợp đồng quảng cáo, nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker... đang kiếm được bộn tiền, thu lợi từ đối tượng người xem, trong đó có trẻ em, mà không cần quan tâm đến những tác động xấu có thể gây ra.

Cần giải pháp tổng thể

 
“Chúng ta cần có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu thị trường, nhu cầu thị hiếu của trẻ em để phát triển các sản phẩm giải trí, giáo dục hữu ích. Các sản phẩm này nên được hỗ trợ để truyền thông và giới thiệu tới trẻ em và phụ huynh, thay thế các sản phẩm kém chất lượng. Cha mẹ và trẻ em cũng cần được nâng cao nhận thức và nhu cầu về sản phẩm. Cha mẹ nên biết rằng, các clip xem nhiều trên mạng không chỉ thuần giải trí mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và hành vi của trẻ. Vì vậy, cần cùng con chọn lọc các ấn phẩm phù hợp để giúp con tạo gu nhu cầu và chọn lọc các sản phẩm phù hợp”. 
Bà Nguyễn Phương Linh,  Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD)
Thực tế, đã có những hậu quả đau lòng từ việc bắt chước những hình ảnh, thử thách trên YouTube. Cuối năm ngoái, bé trai 7 tuổi (tại TP.HCM) bị hôn mê, suýt mất mạng vì làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. Dư luận cũng từng lên tiếng về những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phú Lê... được một bộ phận giới trẻ tung hô.
“Tôi từng giật mình khi có lần thấy hình ảnh một YouTuber chuyên làm video cho trẻ con mà nằm trong bồn tắm rồi rên la nghe rất kinh khủng. Tôi đã nhiều lần phải chia sẻ bạn bè, người thân, những phụ huynh khác về những kênh YouTube có những video bậy bạ, dạy làm những trò chơi nguy hiểm... để cảnh giác, bởi trẻ con luôn tò mò làm theo hay bắt chước người lớn”, anh Đỗ Nam (ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận: “Không ít phụ huynh bây giờ nghĩ rằng con mình ở nhà nghĩa là con được an toàn. Suy nghĩ đấy không còn đúng trong bối cảnh hiện tại vì con ở nhà nhưng vẫn tiếp cận với những nội dung độc hại, không phù hợp trên mạng xã hội”.
Theo ông Nam, những bộ phim vẫn được khuyến cáo khi có nội dung không phù hợp với trẻ em hay phù hợp với trẻ em ở từng lứa tuổi. “Chính bởi một đứa trẻ nếu tiếp cận những nội dung tình dục và bạo lực quá sớm, khi không hiểu bản chất vấn đề, sẽ bị ảnh hưởng đến thế giới quan, nhân sinh quan”, ông Nam nói và phân tích: “Những nội dung đi ngược với giá trị văn hóa, nhân văn, thẩm mỹ sẽ khiến đứa trẻ hình dung về thế giới là như thế, về cách người khác trong xã hội ứng xử với nhau theo kiểu như vậy. Trẻ chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin ngay những gì mình xem và làm theo để thể hiện mình “anh hùng” hay “cool, ngầu”, chứ không nghĩ là mình đang đi ngược với chuẩn mực. Bên cạnh đó, những hình ảnh ghê rợn cũng có thể khiến đứa trẻ bị ám ảnh, thậm chí bị sang chấn tâm lý”.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam), cho rằng những sản phẩm xấu độc trên mạng nếu lặp đi lặp lại mà không có kiểm soát, cảnh báo hay phòng ngừa sẽ tác động xấu đến xã hội. “Phẩm chất, tâm hồn của trẻ sẽ phát triển méo mó, lệch lạc. Đó đã là thực tế hiện hữu với những nguy cơ đe dọa nền tảng đạo đức xã hội”, ông Bình nhấn mạnh.
“Mê hồn trận” trên mạng bủa vây trẻ em

Cách hướng dẫn làm bom tự chế trên kênh NTN Vlogs

Ảnh: Chụp màn hình

Cần trang bị kỹ năng sống an toàn trên mạng

Theo số liệu nghiên cứu mà PGS-TS Trần Thành Nam có được, hiện nay có một số lượng lớn trẻ từ 0 - 8 tuổi đã bắt đầu tiếp cận điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị công nghệ để tiếp nhận thông tin trên mạng, nhiều trẻ còn được bố mẹ cho sở hữu thiết bị công nghệ. Ngoài ra, trẻ từ 8 - 13 tuổi mỗi ngày dành trung bình 6 tiếng đồng hồ cho việc xem và tương tác trên mạng internet; trong khi thời gian này với trẻ từ 12 - 18 tuổi là 9 tiếng đồng hồ. Ông Nam cho rằng trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ em không thể tuyệt giao với các thiết bị công nghệ, nhất là khi hiện nay Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về dạy học trực tuyến, nhiều doanh nghiệp giáo dục đã xây dựng phần mềm trên mạng, cùng với đó là tình hình dịch Covid-19 như hiện nay.

Sẽ tăng cường bảo vệ trẻ em

“Hội đồng Đội T.Ư sẽ thực hiện vai trò giám sát thực hiện luật Trẻ em và tập huấn kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên môi trường mạng cho báo cáo viên, cán bộ phụ trách, tổng phụ trách Đội...; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng cẩm nang, tài liệu hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực, phù hợp với tâm lý, cách tiếp cận của trẻ em. Chúng tôi sẽ vận động các chuyên gia, văn nghệ sĩ nổi tiếng ủng hộ, đồng hành tuyên truyền, định hướng cho trẻ em về những ưu thế và hạn chế của môi trường mạng”.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư
Vũ Thơ (ghi)
PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng những người (cố tình hay vô ý) tạo ra những sản phẩm xấu độc trên mạng xã hội hướng đến đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên cần phải chịu trách nhiệm. “Hiện nay, chúng ta hay kêu gọi về ý thức, nhưng rõ ràng cần phải có những biện pháp mạnh trong quy trình xử lý nguồn cung cấp nội dung độc hại trên không gian mạng xã hội”. Ở góc độ khác, ông Bình nhìn nhận về vai trò đầu tiên và cơ bản của gia đình trong việc kiểm soát các sản phẩm trên mạng đưa đến con trẻ. “Các bậc cha mẹ cần có sự lựa chọn, chứ không thể để các con tự ý tiếp cận. Cha mẹ cũng phải biết con mình làm gì, chơi gì trên mạng”, ông Bình nói.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, bố mẹ có thể kiểm soát việc tiếp cận những nội dung trên mạng để vui chơi, giải trí hay học tập cùng các con khi trẻ ở lứa tuổi mầm non. Còn khi các con bắt đầu vào lớp 1, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống an toàn trên mạng qua những bộ sách, hay những bộ công cụ trong trường học.
“Việc trang bị những kỹ năng này không chỉ cần thiết với trẻ mà ngay cả với các phụ huynh. Bởi thực tế, có nhiều bố mẹ tiếp cận với công nghệ còn chậm hơn các con của mình. Các bậc phụ huynh cần được cập nhật, hiểu đúng cùng với con thì mới có thể giải quyết được”, ông Nam nhấn mạnh.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.