Mẹo bảo quản thực phẩm an toàn trong mùa nóng bức

Thiên Lan
Thiên Lan
07/06/2019 09:08 GMT+7

Thời tiết nóng bức của mùa hè làm cho thực phẩm nóng lên, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Những tháng mùa hè nóng bức đi kèm với các bệnh lây nhiễm qua thực phẩm và nước, như tiêu chảy và thương hàn.
Sau đây là một số lời khuyên có giá trị từ Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ, giúp bạn đảm bảo an toàn thực phẩm trong những tháng hè nóng bức này, theo Hindustan Times.
Ăn thực phẩm ở vỉa hè, ăn trái cây cắt sẵn và uống nước lạnh, uống nước trái cây thường là nguyên nhân cho những rắc rối thường gặp về đường tiêu hóa.
Do đó, khi mua trái cây và rau quả, hãy đảm bảo không bị trầy xước hoặc bầm dập, các loại rau không bị héo úa, không bị khô queo hoặc quá chín. Tránh mua trái cây cắt sẵn.
Trong thời tiết nóng, mọi người uống nước nhiều gấp 2 - 3 lần so vói những tháng mùa đông, đôi khi từ các nguồn không an toàn. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm khuẩn.
Tốt nhất là mang theo nước từ nhà khi đi du lịch, tiến sĩ Anil Arora, Chủ tịch Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Sir Ganga Ram, Ấn độ, cho biết.
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ngay cả sau khi thực phẩm nấu tại nhà không được xử lý đúng cách, hoặc bị ô nhiễm hoặc đã cũ.
Vi sinh vật phát triển nhanh hơn ở nhiệt độ cao, đặc biệt là khi độ ẩm không khí cao.
Thực phẩm giàu protein như sữa, thịt và gia cầm cũng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn.
Tránh thực phẩm đông lạnh có lượng lớn tinh thể đá hoặc đá đang tan, có dấu hiệu bao bì bị rò rỉ. Đối với các thực phẩm khác, đảm bảo rằng bao bì không bị xì hơi hoặc đồ hộp không bị phồng hoặc rò rỉ, theo Hindustan Times.
Tiến sĩ Arora cho biết, nên ăn thực phẩm mới nấu, Hạn chế ăn thực phẩm hâm đi hâm lại.
Rau lá phải được nhặt, làm sạch, sau đó được bảo quản trong khăn giấy, được giữ trong túi nilon có đục lỗ.
Lưu trữ khoai tây, hành tây, tỏi bằng cách để khô, không rửa, để trong rổ.
Tất cả các loại rau và trái cây khác nên được rửa sạch, để khô ráo, sau đó được bảo quản trong túi nilon có đục lỗ trong tủ lạnh. Đừng cất chuối trong tủ lạnh.
Luôn làm lạnh sữa và các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai. Lưu ý là không lưu trữ các sản phẩm sữa ở cửa tủ lạnh.
Thịt chưa nấu chín cần được bảo quản trong túi nhựa chống ẩm và được bảo quản trong tủ đông.
Luôn ướp và giữ thịt cá trong tủ lạnh. Nên giữ lạnh thức ăn và chỉ lấy ra trước khi phục vụ hoặc nấu ăn
Tất cả thực phẩm cất trong tủ lạnh phải được đậy kín. Luôn luôn để thực phẩm chín bên trên thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh nhằm tránh nhiễm bẩn chéo, theo Hindustan Times.
Làm sạch tủ lạnh từ trong ra ngoài 2 tuần một lần và khử trùng.
Nấu thức ăn đúng cách và chín kỹ.
Làm mát rồi làm lạnh thức ăn chín trong vòng hai giờ sau khi chế biến.
Vùng nguy hiểm đối với thực phẩm là từ 4,4 độ C đến 60 độ C, đây là nhiệt độ lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và tăng khả năng gây nhiễm khuẩn. Vì vậy, nên giữ thực phẩm trong tủ lạnh ở 4,4 độ trở xuống. Để an toàn, hãy vứt bỏ thức ăn dễ hỏng - đã để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, hoặc trong 1 giờ nếu nhiệt độ phòng lên đến 32 độ trở lên.
Không trộn thức ăn mới với thức ăn thừa trong khi hâm nóng. Không hâm nóng thức ăn thừa nhiều lần. Hãy đảm bảo thức ăn hâm nóng được sôi kỹ, theo Hidustan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.