Mía chín rục đồng, nông dân khốn khó

Hiển Cừ
Hiển Cừ
09/03/2019 07:18 GMT+7

Hàng ngàn héc ta mía ở Quảng Ngãi đã chín rộ và quá kỳ thu hoạch nhưng việc thu mua của Nhà máy đường Phổ Phong (Công ty CP đường Quảng Ngãi) quá chậm chạp khiến nông dân khóc ròng.

Hàng chục năm gắn bó với cây mía nhưng chưa bao giờ nông dân ở Quảng Ngãi, địa phương được xem là “thủ phủ” mía ở khu vực miền Trung, lại rơi vào cảnh lao đao như vụ mía năm nay. Giá mía, năng suất và chữ đường giảm xuống thấp khiến người trồng mía bị lỗ nặng. Dù chấp nhận thua lỗ nhưng không phải người dân muốn bán mía trực tiếp tại ruộng cho nhà máy lúc nào cũng được, trong khi thương lái không muốn thu mua vì sợ lỗ.

Cho không thương lái cũng chê

Tại xã Tịnh Hà (H.Sơn Tịnh), nhiều nông dân ở địa phương này sau bao ngày ngóng trông mà Nhà máy đường Phổ Phong vẫn chưa tổ chức thu mua. Mía chín khô trên đồng khiến nông dân phải chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng khác. “Năm ngoái, gia đình tôi trồng 5 sào mía bán ra kiếm được hơn 20 triệu đồng, còn năm nay thì chẳng có ai mua. Thậm chí, kêu thương lái cho không nhưng do tiền thuê nhân công thu hoạch mía và vận chuyển đến nhà máy tăng cao, nhiều hơn cả tiền bán mía, nên thương lái từ chối. Gia đình tôi đành chặt bỏ, lấy đất trồng mì, đậu để gỡ gạc lại ít vốn. Nhà nông sao mà khổ thế!”, bà Trương Thị Cúc, nông dân xã Tịnh Hà, than thở.
Không riêng bà Cúc mà hàng ngàn nông dân Quảng Ngãi đứng ngồi không yên vì mía chín đứng đồng mà bán không được, cho cũng không xong. Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, niên vụ 2018 - 2019 toàn tỉnh trồng hơn 2.350 ha mía, giảm 424 ha so với kế hoạch. Tính đến thời điểm này, Nhà máy đường Phổ Phong chỉ mới thu mua được hơn 400 ha, sản lượng trên 22.000 tấn, với giá thu mua tại ruộng là 770.000 đồng/tấn đối với mía 10 CCS (chữ đường). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nông dân trồng mía chỉ bán được giá 600.000 - 730.000 đồng/tấn do chữ đường đạt thấp (8 - 9,4 CCS).
“Năm nay, Nhà máy đường Phổ Phong vào vụ ép trễ cả tháng so với thời vụ, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến đời sống người trồng mía. Đã vậy, tiến độ thu mua mía của nhà máy lại chậm dẫn đến mía chín đồng loạt, chữ đường giảm thấp, người dân bị lỗ”, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, nói và cho rằng bức xúc lớn nhất của nông dân không phải giá thu mua mía thấp mà cái chính là chuyện nhà máy thu mua quá chậm.
Liên quan vấn đề thu mua mía chậm, ông Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, chỉ thẳng: “Vùng chuyên canh mía với tổng diện tích 117 ha ở xã Bình Tân, Bình Phú được nhà máy đầu tư có năng suất khá cao nhưng năm nay lại thu mua cầm chừng. Mỗi ngày nông dân chỉ bán được 1 xe mía 15 tấn. Như vậy biết bao giờ nhà máy mới thu mua hết 6.000 tấn mía ở vùng chuyên canh này”.

Phải thu mua hết mía của dân

Theo ông Nguyễn Tăng Bính, về lâu dài Nhà máy đường Phổ Phong có phương án chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư giống mía mới và bố trí giống trên từng chân đất, thời vụ, công thức luân canh, xen canh trên vùng mía nguyên liệu cho phù hợp để tăng năng suất, chất lượng mía, hạ giá thành sản xuất, đảm bảo sản xuất có lãi; xây dựng chính sách trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mía. Sở NN-PTNT Quảng Ngãi tiến hành rà soát việc quy hoạch vùng mía để tiến hành dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa vào đồng mía, giảm phụ thuộc vào sức lao động.
Trước thực trạng cả tỉnh vẫn còn gần 2.000 ha mía chín đứng đồng, ngày 7.3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan để tìm giải pháp thu mua mía cho nông dân. Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty CP đường Quảng Ngãi lý giải tiến độ thu mua mía chậm là do thiếu trầm trọng nhân công thu hoạch mía, thậm chí ở các huyện: Mộ Đức, Đức Phổ thuê không có người đốn chặt, chất mía; xe vận chuyển mía mà nhà máy ký hợp đồng lại quá ít.
Theo ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, cây mía là cây trồng truyền thống của người dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, diện tích, năng suất, sản lượng, chữ đường mỗi năm một giảm. “1 ha mía chỉ đạt khoảng 50 tấn, với giá bán bình quân 700.000 đồng/tấn thì tổng thu chỉ 35 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê công đốn chặt tăng cao, từ 400.000 - 500.000 đồng/tấn, chưa kể chi phí đầu tư, chăm sóc nên tính ra nông dân trồng mía thua lỗ nặng”, ông Bình nói và khuyến cáo việc nông dân không mặn mà với cây mía là nguy cơ khiến diện tích mía ở Quảng Ngãi ngày càng teo tóp.
“Biện pháp trước mắt hiện nay là Nhà máy đường Phổ Phong phải đẩy công suất chế biến lên ít nhất 2.000 tấn/ngày, đồng thời phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, đảm bảo thời vụ cho nông dân. Phải có kế hoạch thu mua hết mía, dù chỉ còn 1 cây chứ không có chuyện mía xấu quá nhà máy không mua. Ngoài ra, nhà máy hỗ trợ giá vận chuyển để thu hút lượng xe nhằm đảm bảo đưa hết mía từ đồng ruộng về nhà máy”, ông Bính yêu cầu, đồng thời chỉ đạo các địa phương nếu vùng nào mía chín nhưng không tìm ra nhân công thì huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, dân quân tự vệ giúp dân thu hoạch mía, giảm thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.