Mía đắng trên đồng

09/03/2021 06:21 GMT+7

Hàng ngàn héc ta mía nguyên liệu ở vùng đông và đông nam Gia Lai quá lứa chưa được thu hoạch khiến nông dân như ngồi trên lửa, bởi lo mía giảm chữ đường mất giá và đối mặt với nỗi sợ mía cháy.

Vùng nguyên liệu mía Gia Lai có khoảng 34.000 ha, tập trung tại các huyện phía đông và đông nam tỉnh của tỉnh. Những niên vụ trước, thời điểm này nhân công trong tỉnh Gia Lai và cả các tỉnh khác nườm nượp trên những đồng mía. Song do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch mía dù đã quá vụ. Các hoạt động giao thương, vận tải ở khu vực đông nam Gia Lai trong nhiều ngày qua bị ảnh hưởng đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân vùng mía. Đến thời điểm này, diện tích mía thu hoạch chỉ đạt khoảng 50%.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy cùng gia đình ở xã Ia Sao, TX.Ayun Pa những ngày này như ngồi trên lửa vì lo lắng. Ngoài 8 ha mía của mình, gia đình chị còn nhận làm đại lý thu mua 30 ha mía của bà con trong khu vực. Đến nay diện tích mía này vẫn chưa thể thu hoạch được do không có nhân công. Chị Thủy cho biết: “Mọi năm nhân công từ các tỉnh lân cận đổ về đây rất nhiều, nhưng năm nay lo ngại khu vực này có dịch Covid-19 nên nhân công rất hạn chế. Tìm nhân công đỏ mắt. Bây giờ mía còn nằm trên ruộng rất nhiều. Mía càng để lâu càng giảm chữ đường sẽ giảm giá. Người dân chúng tôi thực sự rất lo lắng”.
Không chỉ thiếu nhân công, điều đáng lo khác là thời điểm này Tây nguyên đang vào mùa khô. Thời tiết hanh khô khiến mía đang kỳ thu hoạch bị khô lá rất nhiều, hàng ngàn héc ta mía trên đồng đối mặt nguy cơ hỏa hoạn. Những nông dân ở khu vực này nói rằng mía cháy xem như tai họa vì sụt giá hẳn và ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng niên vụ sau.
Hiện các huyện phía đông nam Gia Lai đã được dỡ bỏ cách ly sau khi dịch Covid-19 tại khu vực này cơ bản được kiểm soát. Tuy vậy, nhân công ngoại tỉnh vẫn e dè khi tham gia lao động tại thị trường này. Giải pháp của ngành nông nghiệp lúc này trước mắt là huy động nhân công tại chỗ khẩn trương thu hoạch những diện tích mía chín, những nơi có nguy cơ cháy cao. Về lâu dài cần phải cơ giới hóa đối với vùng nguyên liệu mía.
Tuy nhiên, tại Gia Lai, người dân chủ yếu trồng mía từng khoảnh, thiếu đi các cánh đồng mẫu lớn. Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết: “Nhiều diện tích mía ở Gia Lai được sản xuất với quy mô manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất. Trong điều kiện thiếu nhân công như hiện nay thì đây là bài toán khó để có thể thu hoạch kịp thời vụ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế của nông dân trồng mía chưa cao. Đã đến lúc người trồng mía cần thay đổi tư duy canh tác để nâng cao hiệu quả, tránh bị động khi phụ thuộc quá nhiều về nhân công như hiện nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.