Mía đường tìm cách giảm giá thành

15/07/2014 03:00 GMT+7

Ngày 14.7, Tập đoàn Thành Thành Công đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía". Đây được xem là giải pháp sống còn của ngành này khi thời hạn giảm thuế nhập khẩu đường xuống 0% theo lộ trình AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) đang đến rất gần.

Ngày 14.7, Tập đoàn Thành Thành Công đã tổ chức hội thảo quốc tế  “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía". Đây được xem là giải pháp sống còn của ngành này khi thời hạn giảm thuế nhập khẩu đường xuống 0% theo lộ trình AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) đang đến rất gần.


Không giảm giá thành sản xuất, ngành mía đường khó cạnh tranh khi hội nhập - Ảnh: Chí Nhân  

Thái Lan hiện nay là cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu đường (chỉ sau Brazil) và giá đường của nước này rẻ hơn VN rất nhiều. Cụ thể, hiện giá mía của VN khoảng 45 - 50 USD/tấn trong khi giá mía một số nước và Thái Lan chỉ ở mức 24 - 30 USD/tấn. Nếu thuế giảm về 0% (mức thuế hiện từ 5 - 25% tùy loại đường), nhiều nhà máy đường trong nước sẽ phá sản vì không thể cạnh tranh nổi.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công khẳng định: “Trong hoàn cảnh này thì chính mình phải tự cứu lấy mình, phải hạ giá thành, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất thì mới có thể cạnh tranh được”. Theo ông Thành, Tập đoàn Thành Thành Công đề ra các mục tiêu trong thời gian tới là tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm giá thành sản phẩm, mở rộng chuỗi giá trị cạnh đường và sau đường, tiếp tục nghiên cứu công thức bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng cây mía, nghiên cứu trừ bệnh hại bằng sinh học, thành lập phòng nuôi cấy mô, phục tráng mía giống, nhân giống nhanh, góp phần tăng sức cạnh tranh cho cây mía.

Nhưng phần lớn các doanh nghiệp đường còn lại vẫn đang trông chờ và cần chính sách hỗ trợ của nhà nước. Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), khó khăn của ngành mía đường trong nước là đất trồng mía có diện tích manh mún khiến chi phí sản xuất cao. Nếu như ở các nước khác, cánh đồng mía có thể lên hàng trăm ha thì 1 nông hộ trồng mía ở VN chỉ sở hữu khoảng  dưới 0,4 ha. Điều kiện canh tác như vậy khiến khó có thể áp dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, chưa kể các điều kiện về nước, giống và kỹ thuật canh tác.

Mới đây, VSSA đã kiến nghị Chính phủ xem xét duy trì mức thuế nhập khẩu đường thấp nhất là 5% khi đàm phán về việc duy trì hạn ngạch thuế quan không thời hạn trong Hiệp định thương mại hàng hóa các nước Đông Nam Á (ATIGA) với mặt hàng đường. Cơ sở của đề nghị này là quy định tại điều 24 của ATIGA “đối xử đặc biệt với gạo và đường” được nêu trong Nghị định thư ký ngày 23.8.2007, trong đó VN yêu cầu miễn trừ trách nhiệm cam kết thuế quan về hai mặt hàng gạo và đường trong ASEAN trong trường hợp cần thiết. 

Quang Thuần

>> Ngành mía đường trong nước học cách giảm chi phí
>> Doanh nghiệp mía đường kêu cứu
>> HAGL tập trung đầu tư vào cao su, mía đường
>> Ngành mía đường chưa được đầu tư bài bản
>> Cơ chế quản lý mía đường quá lạc hậu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.