Michelle Obama biểu tượng đệ nhất phu nhân mới

05/11/2008 23:51 GMT+7

Trong bước ngoặt lịch sử của nước Mỹ, Michelle Obama đã tạo nên một hình tượng đệ nhất phu nhân độc nhất vô nhị.

Obama “sang vì vợ”

Thực sự mà nói, kể từ giây phút bà Michelle Obama bước lên bục phát biểu tại Đại hội đảng Dân chủ, hầu như tất cả mọi người chứng kiến đều có thể mường tượng được cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra theo hướng nào. Bất chấp những lời chế giễu về ngoại hình, gốc gác châu Phi và những bài hát nhạo báng ông Obama xuất hiện đầy trên internet, nhưng nếu bà Michelle cho rằng ông hoàn toàn ổn, và nếu bà đã chọn ông, thì ông phải là một người tốt. Mọi thứ toát lên từ vẻ bề ngoài của người phụ nữ đó đều nói lên sự hiện đại, nữ quyền: bà thông minh, có suy nghĩ độc lập, hấp dẫn theo kiểu rất dễ gần gũi (chứ không phải quá xinh đẹp nhưng lại thường thấy ở một người đẹp tóc vàng như Cindy McCain). Bà là mẫu người có tính cách đúng mực, một phụ nữ dù hết lòng ủng hộ mục tiêu chinh phục thế giới của chồng, nhưng lại không ngại ngần nhắc nhở ông Obama khi ông uống quá nhiều Kool-Aid.

Biểu tượng thời trang

Sự tiến hóa trong vai trò của đệ nhất phu nhân Mỹ diễn ra hết sức ngoạn mục. Đến thời điểm này, có 2 dạng đệ nhất phu nhân chủ yếu. Một là dạng  người nhu mì, xuất hiện lặng lẽ bên cạnh chồng và lúc nào cũng nở nụ cười. Hầu hết các phu nhân theo dạng này đều thuộc phe Cộng hòa, như Laura và Barbara Bush, Nancy Reagan. Đây không phải là loại đệ nhất phu nhân thích hợp đối với nước Mỹ hiện nay. Đối lập với các vị phu nhân theo kiểu bình hoa di động là các vị năng động, thông thường là vợ của các tổng thống đảng Dân chủ. Hai ví dụ sinh động nhất cho trường hợp này là Eleanor Roosevelt và Hillary Clinton. Họ có sự nghiệp riêng, cuộc sống riêng và cái đầu hoàn toàn độc lập. Trong lịch sử đệ nhất phu nhân Mỹ chỉ có một vị ngoại lệ, đó là bà Jackie Kennedy. Đến 40 năm sau, bà vẫn là một hiện tượng thời trang vô cùng đặc biệt, là niềm cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế và luôn được Tạp chí thời trang Vogue vinh danh.

Đến nay, nước Mỹ đã có thêm một vị đệ nhất phu nhân có một không hai là Michelle Obama. Bỏ qua khía cạnh màu da, con người bà là sự pha trộn khéo léo giữa 3 đặc điểm, vừa ủng hộ, vừa độc lập mà lại là một thần tượng thời trang. Dù bà Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, luôn được ngợi khen trong các bộ cánh hàng hiệu với tổng chi phí hơn 150.000 USD, nhưng bà Michelle mới chính là người chinh phục giới cử tri Mỹ với bộ váy xanh biển đơn giản mà lại tao nhã, ấn tượng. Nếu tính sơ sơ bà Palin mất cả chục ngàn USD tiền trang phục cho mỗi lần xuất hiện, thì giá tiền chiếc váy và giày y hệt kiểu bà Michelle đã mặc chỉ khoảng 300 USD. Hiện bà là đệ nhất phu nhân duy nhất có thể cạnh tranh về mặt thời trang với “nữ hoàng” đệ nhất phu nhân nước Pháp, cựu siêu mẫu kiêm ca sĩ Carla Bruni.

Đệ nhất phu nhân của đời thường

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đó, câu hỏi lớn được đặt ra là bạn (tức cử tri) muốn uống chung ly bia với ai nhất? Và câu hỏi lần này là bạn (tức cử tri) muốn cùng chia sẻ ly Martini với ai nhất? Câu trả lời chính là bà Michelle. Bà không những thông minh, tự hào với phong cách thị thành lịch sự, nhưng cũng không ngần ngại biểu hiện khả năng của mình. Bà là người vợ duy nhất của một ứng viên tổng thống Mỹ thay vì hạ mình trước đám đông để nâng chồng lên thì lại chia sẻ chuyện vụng về của chồng trong gia đình, những khía cạnh đời thường ít khi được biết đến ở các ứng viên tổng thống. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Obama giành được sự ủng hộ của cánh chị em, những bà vợ dù tận tâm với người hôn phối, nhưng cũng phải thừa nhận cái khoản yếu kém của các đấng ông chồng, như chẳng bao giờ nhớ nổi chiếc vớ thứ hai nằm chỗ nào hay chuyện ông cứ quên đi đổ rác cho vợ.

Có lẽ phần lý thú nhất về phu nhân của Tổng thống đắc cử Obama chính là không phải lúc nào Nhà trắng cũng có một đệ nhất phu nhân là luật sư (bà học Đại học Princeton và sau đó là Đại học Harvard). Còn nhớ trong Đại hội đảng Dân chủ vào năm 2004 tại Boston, khi ông Barack Obama lúc đó còn là một nhân vật vô danh bước lên bục phát biểu, bà Michelle đã nói một câu nổi tiếng với chồng: “Đừng có làm hư chuyện đó bồ tèo”. Giờ đây, bà Michelle sẽ gánh vác một vai trò dù không chính danh nhưng đầy quyền lực: đệ nhất phu nhân của Tổng thống Mỹ đời thứ 44, theo cách mà bà mong muốn khi trao đổi với Tạp chí Vanity Fair. Đó là “chia sẻ một cách khôi hài về những phần quan trọng nhất của tôi cho mọi người với hy vọng sẽ giúp họ suy nghĩ về cuộc đời của chính mình và tránh vấp phải những sai lầm có thể khi bước về phía trước”.

Những cái nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008

- Với chiến thắng của ứng viên Barack Obama, nước Mỹ đã có một tổng thống da màu đầu tiên. Ông Obama là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử làm ứng viên tổng thống và đắc cử.

- Ông Obama đã xây dựng một hệ thống vận động có thể đi vào lịch sử như là bộ máy hiệu quả nhất. Đến nay, ông Obama đã vận động được đến 639 triệu USD, với các con số kỷ lục được phá hàng tháng, theo Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ.

- Đây là một trong những cuộc vận động tranh cử tổng thống tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ với chi phí khoảng 1,5 tỉ USD, và dài hơi nhất khi trải qua gần 2 năm.

- Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống tốn kém nhất khi tiêu tốn hết 2,4 tỉ USD, theo Trung tâm hoạt động chính trị không đảng phái.

- Do Tổng thống George W.Bush không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 và Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney không mấy hứng thú, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay được xem là cuộc vận động tranh cử tổng thống “mở” đầu tiên kể từ năm 1952.

- Cuộc bầu cử năm nay định hình phương thức vận động tranh cử mới, đặc biệt qua internet. Ông Obama đã thành công khi sử dụng internet làm công cụ gây quỹ cũng như thu hút lá phiếu của cử tri. Trong khi đó, chiến dịch vận động của ông John McCain cũng đã phá vỡ hình thức quảng cáo chính trị truyền thống và giảm thiểu ngân sách khi đưa các đoạn quảng cáo lên YouTube và nhanh chóng được phát tán chỉ vài giờ sau đó.

C.Y (tổng hợp)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.