Hai ngày cuối tuần (21 - 22.10) không khí lạnh suy yếu nên miền Bắc trời ấm hẳn lên và có nắng nhẹ, trời lạnh về đêm và sáng ít mưa, tiết trời mang sắc thái mùa thu đến muộn. Qua tuần sau sẽ có không khí lạnh bổ sung với cường độ yếu nên nhiệt độ chỉ giảm vài độ so với cuối tuần này, trời trở lạnh nhưng chưa rét lắm với nhiệt độ thấp nhất ban đêm 17 - 20oC, vùng núi cao trời rét, có nơi dưới 15oC. Đầu tuần nắng đẹp, nhưng đến cuối tuần có thể mưa nhỏ xuất hiện. Gần cuối tháng 10 sẽ có đợt không khí lạnh tràn về với cường độ khá mạnh, đợt rét thứ hai có khả năng xuất hiện ở miền Bắc và bắc miền Trung tương tự như vừa qua, với nhiệt độ giảm sâu, riêng tại các vùng núi cao trên 1.500 m như Mẫu Sơn, Sa Pa, Mù Cang Chải... có nơi dưới 10oC và sương mù dày đặc, có nơi trời mưa nhỏ mưa phùn cả ngày đêm.
tin liên quan
Nam bộ lại đối mặt 'mưa lớn và triều cường'Khu vực Nam bộ đang bước vào đợt triều cường đầu tháng 9 (Âm lịch). Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm hạ lưu trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai; sông Cửu Long đều xấp xỉ và cao hơn mức báo động (BĐ) III.
Miền Trung trời cũng trở nên lạnh và mưa nắng xen kẽ, qua tuần sau mưa tăng dần, mưa vừa, mưa to tập trung từ sau ngày 23.10 do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới và các nhiễu động trong đới gió đông từ biển vào. Đến cuối tháng 10 mưa to diện rộng và có thể xảy ra đợt lũ lụt nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung.
Mưa nhiều nhất trên cả nước là ở nam Trung bộ đến Nam bộ, nắng cường độ yếu từ sáng đến trưa, mưa tập trung từ sau trưa đến chiều tối, có lúc mưa đêm, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp đới gió tây tây nam có cường độ trung bình, vùng ven biển, bắc miền Đông, TP.HCM có lúc mưa to. Thời tiết trên các vùng biển phía nam nhiều mây và mưa giông kèm theo gió giật mạnh, sóng to gió lớn gây biển động trong hai ngày cuối tuần, qua tuần sau sẽ giảm dần. Nhiệt độ các tỉnh Nam bộ thấp nhất là từ 22 - 25oC, độ ẩm cao hầu hết 80 - 90%, số giờ nắng và lượng bốc hơi đều thiếu hụt so với trung bình, sương mù xuất hiện khá nhiều.
Đáng lưu ý là đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch còn kéo dài cho đến đầu tuần sau. Theo dự báo, đỉnh triều lúc sáng sớm từ 5 - 7 giờ, chiều từ 18 - 20 giờ, vượt báo động 3, nhiều nơi bị ngập sâu do mưa kết hợp với triều cường. Tại Biên Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau cũng xảy ra ngập nặng trong 3 - 4 ngày tới.
Vùng đầu nguồn sông Cửu Long sau đợt triều cường lần này, nước sẽ rút chậm, do vậy bà con đang chuẩn bị để gieo trồng vụ đông xuân. Thời tiết vẫn còn bất lợi do mưa ẩm nhiều nên tình hình sâu bệnh, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại, cần vệ sinh ruộng đồng thật kỹ và làm hệ thống thoát nước tốt trước khi gieo sạ, xuống giống. Đối với các vườn cây ăn trái, hoa màu sâu bệnh có thể phát triển mạnh do điều kiện thời tiết trời chuyển sang lạnh và sương mù nhiều hơn, thiếu nắng, mưa ẩm cao ở Tây nguyên và Nam bộ. Bệnh đạo ôn phát sinh trên lúa mùa và đông xuân sớm trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng trổ. Vùng trồng cam, bưởi, quýt vụ tết cần chú ý sâu đục quả, sâu vẽ bùa... có khả năng phát sinh gây hại.
tin liên quan
Mưa to tối qua, người Sài Gòn ngơ ngác thấy nhà thành 'ốc đảo' giữa biển nướcTrận mưa cực to tối qua đã làm nhiều nơi ngập, sáng kẹt xe nghiêm trọng. Nhiều người dân sống trên đường Đường Nguyễn Văn Yến - Kênh Tô Hiệu (P.Tân Thới Hoà, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang khổ sở sống chung với nước ngập sâu từ đêm qua đến trưa 13.10.
Bình luận (0)