Mưa trái mùa ở Nam bộ có thể gây hại cho cây điều và hoa trái tết
Nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng từ 13 - 160C, vùng núi hầu hết dưới 10 - 110C, có nơi dưới 80C nên vẫn còn rét đậm rét hại, trời nhiều mây và sương mù khá dày đặc.
Trong tuần sau có mưa do các nhiễu động thời tiết xấu trên cao, mưa từ các tỉnh Đông Bắc sẽ mở rộng qua phía Tây Bắc và cả Bắc Trung bộ, có nơi mưa to và giông, gió giật mạnh. Như vậy miền Bắc cần đề phòng lũ quét và sạt lở một vài nơi ở vùng núi, ngập úng trái mùa một cách bất thường có thể nguy hiểm, gần cuối tuần mưa giảm thời tiết tốt dần.
Miền Trung vẫn còn mưa trong hai ngày cuối tuần này (5 - 6.1), có nơi mưa vừa, mưa to. Qua tuần sau mưa có xu hướng giảm, có lúc hửng nắng nên trời đỡ rét lạnh hơn. Nhiệt độ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế thấp nhất là 14 - 170C, còn từ Đà Nẵng trở vào hầu hết 19 - 230C. Do độ ẩm cao nên sương mù ở vùng núi miền Trung khá dày đặc, tầm nhìn xa rất hạn chế.
Thời tiết Tây nguyên và Nam bộ tốt hẳn lên, mưa nhỏ vài nơi chủ yếu ở vùng gần ven biển tây nam. Trời giảm mây và có nắng nhiều hơn, đêm về sáng hơi se lạnh và có sương mù, có lúc kéo dài đến gần trưa mới tan. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Đông khoảng 21 - 230C, miền Tây 23 - 250C, buổi trưa có lúc trời hơi nóng 32 - 340C do quang mây và bức xạ tăng.
Theo dự báo của Mỹ, từ 10 - 14.1 sẽ có một cơn bão hoạt động trên vùng tây Thái Bình Dương, phía đông Philippines. Cơn bão này có khả năng sẽ vượt qua miền Nam Philippines vào nam Biển Đông trong khoảng từ 15 - 17.1. Do chịu tác động bởi đợt không khí lạnh mạnh gây gió mùa đông bắc nên bão có diễn biến khá phức tạp, chủ yếu là gây thời tiết xấu trên các vùng biển gần quần đảo Trường Sa và Nam bộ, có thể miền Nam có mưa trái mùa từ sau 20.1.
Gió mùa đông bắc sẽ giảm về cường độ từ nay đến cuối tuần tới nên khá thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi, sau đó sẽ bắt đầu đợt gió mạnh từ ngày 12.1 và kéo dài ít nhất 6 - 7 ngày, kết hợp với rìa của hoàn lưu bão hoặc áp thấp nhiệt đới nên biển động trở lại.
Đợt triều cường đầu tháng chạp âm lịch đang lên khá nhanh, đỉnh triều cao nhất được dự báo sẽ vượt mức báo động 3 trong ngày 7 và 8.1, tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là từ 1,51 - 1,53 m, sẽ gây ngập những vùng trũng thấp vào sáng sớm và chiều tối.
Như vậy trong tháng chạp còn bão gây mưa trái mùa, cần tăng cường dinh dưỡng cho các vườn cây ăn trái nhằm chống chọi được với sự thất thường của thời tiết. Đối với các vườn mai tết, cần chú ý theo dõi nhiệt độ và nhất là đợt mưa trái mùa vào gần giữa tháng chạp có thể làm cho mai bung nụ sớm. Riêng dưa hấu tết, miền Nam thì dưa dễ bị nứt vỏ do mưa trái mùa xen kẽ nóng ẩm, miền Trung có thể bệnh sương mai gây hại, giảm năng suất và chất lượng.
Đối với cây điều, khoảng tháng 1 và tháng 2 là cây ra hoa, đậu quả và phát triển quả non. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng và chất lượng hạt điều. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cây điều rất mẫn cảm với sự phát sinh và gây hại của bọ xít muỗi và bệnh thán thư, vì vậy cần lưu ý đặc biệt trong điều kiện có mưa trái mùa.
Bình luận (0)