Miền hoang dã - Kỳ 5: Nghệ nhân ven đường

07/03/2014 00:00 GMT+7

Ông ngồi ven đường suốt 30 năm qua, xung quanh là hàng nghìn tượng gỗ do chính đôi tay ông làm ra.

1 USD/ngày


Babaka J.Sam và 2 tác phẩm ưng ý nhất - Ảnh: C.M.H 

Ở vùng biên giới  Kenya và Tanzania, đi đâu chúng tôi cũng dễ dàng nhận ra văn hóa Maasai ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của người dân vùng này, đặc biệt là hàng mỹ nghệ, trang sức, chạm khắc gỗ và tranh vẽ lên vải. Hầu như các cửa hàng lưu niệm, khách sạn đều tràn ngập những tượng gỗ, tranh vẽ, hàng trang sức với chủ đề xoay quanh đời sống hoang dã của người Maasai và các loài thú, nhất là 5 loài đặc trưng của Tanzania và Kenya (voi, báo, sư tử, tê giác và trâu rừng). Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm đã được những người gốc Ấn Độ sản xuất hàng loạt để bán đại trà cho khách du lịch.

Nói như vậy không có nghĩa là ngành thủ công mỹ nghệ này đang mai một mà vẫn có sức sống mãnh liệt. Chuyện về một nghệ nhân ở Manyara, tỉnh Arusha thuộc Tanzania thật sống động mà tình cờ, hoặc do linh tính nghề nghiệp mách bảo, chúng tôi đã gặp được.

Từ Kenya sang Tanzania, đời sống người dân hai bên đường như một cuốn phim sống động với muôn hình muôn ảnh, vậy mà chúng tôi vẫn bắt gặp một ánh mắt nhăn nheo nhìn vội theo chuyến xe của đoàn du khách từ Việt Nam sang. Sau hai lần chần chừ trong chuyến đi và về ngang ngôi nhà của ông, cuối cùng chúng tôi cũng đã thuyết phục được anh Trường (trưởng đoàn, đại diện của VYC Travel) quay lại gặp ông, dù xe đã di chuyển về hướng Kenya gần 30 km.

Chúng tôi đã không lầm. Bước vào khoảng sân nhà ông là vô số tượng gỗ với muôn hình vạn trạng được đục đẽo tinh xảo và rất có hồn dù còn thô mộc. Ông tự giới thiệu về mình: “Tôi tên Babaka J.Sam, năm nay 62 tuổi, theo nghề của cha đã hơn 50 năm nay. Dù nghề này ngày càng mai một vì không phải ai cũng thích những tượng gỗ thô mộc làm bằng tay này, nhưng cha tôi đã truyền cho cả ba anh em tôi cái nghề mà cả đời ông đã tạo dựng nên tôi phải theo tới cùng và cũng muốn các con tôi theo nghề này”. Babaka J.Sam vừa nói vừa đưa mắt về phía 2 cậu con trai đang đục đẽo ngoài sân. Hỏi nhà nước có hỗ trợ cho nghề này hay không, ông cười: “Tự túc thôi. Gỗ quý chúng tôi cũng phải mua hoặc vào rừng tìm kiếm những cây đã chết có hình dáng, rồi từ đó làm nên các tượng này”. Hỏi tiếp ông về thu nhập từ việc bán các tác phẩm, ông cười buồn: “Đôi khi cả tuần không bán được cái nào vì dân bản xứ họ không quan tâm, còn du khách chỉ ghé cửa hàng của người gốc Ấn vì họ buôn bán rất bài bản”. Ông cho biết thu nhập bình quân của ông và nhiều người Tanzania khác khoảng 1 USD/ngày!

Những tượng gỗ biết nói

Dẫn chúng tôi đi một vòng ngoài sân, Babaka J.Sam rất tự hào về từng tác phẩm của mình. Ông ít khắc hình các con thú mà chủ yếu khắc người với những dáng đứng, dáng ngồi, ánh mắt, làn môi như biết nói cùng người đối diện. Này là một khúc gỗ ông đã biến thành hình 3 cha con nương vào nhau; kia là hình ảnh một phụ nữ Maasai với 2 bầu vú căng đầy sức sống; hay cũng chỉ một thớt gỗ lại là cuộc chiến của 3 thợ săn chống trả quyết liệt với một con sư tử đang chồm lên cắn xé một trong 3 người. Babaka J.Sam cho biết mỗi một tượng này ông phải mất gần cả tháng mới hoàn thành dù chỉ bán được vài đô.

Chúng tôi hỏi tác phẩm nào ông ưng ý nhất trong suốt mấy chục năm qua, ông vội đi ra sân và ôm vào 3 bức tượng gỗ: “Đây là 3 tượng gỗ mà tôi đã bỏ công gần cả năm trời mới hoàn thành, nhưng vẫn không có người mua”. Chúng tôi như bần thần khi nhìn vào 3 tác phẩm này. Một tác phẩm diễn tả sắc nét gương mặt của người phụ nữ châu Phi, một bức khác là gia đình thật đầm ấm gồm người nam, nữ và em bé gái. Nhưng với chúng tôi, tượng gỗ thứ 3 mới là tác phẩm có hồn, ảnh hưởng của các nền văn hóa mà vẫn đậm chất châu Phi của người Maasai. Hai người phụ nữ với bầu vú căng đầy, dạng chân vào nhau, 4 cánh tay nâng một cái trống (mà có nhiều nét rất giống trống đồng của Việt Nam và Indonesia), phía trên nắp trống là 2 con cá sấu được khắc họa tinh xảo. Babaka J.Sam giải thích: “Đó là sức sống của người phụ nữ và sự sống sẽ tồn tại cũng từ những cánh tay mềm yếu ấy”. Không chần chừ, chúng tôi “vét” túi, “nhét” vào tay ông lão 100 USD để đem về Việt Nam cho bằng được 2 trong 3 tác phẩm này. Một phần cũng muốn ủng hộ ông, dù lúc đó chúng tôi cũng chưa thể xác định được giá trị thật của các tác phẩm. Nhưng tôi tin những tác phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay nhăn nheo, chai sần của một lão nghệ nhân miền biên ải Tanzania cũng đủ làm ấm lòng mọi người rồi!

Với Babaka J.Sam hình như lâu lắm rồi ông mới có nụ cười tươi như vậy...

Cao Minh Hiển
(từ Tanzania)

>> Khả năng thương mại cho công nghệ nhận dạng tiếng nói
>> Nghệ nhân chạm tranh đồng truyền thống
>> Vinh danh nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân
>> Nghệ nhân làng gốm cổ
>> Nghệ nhân bí ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.