Miền Tây đón lũ: Mùa săn sản vật

14/08/2009 15:09 GMT+7

Từ bao đời qua, năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa lũ về, người dân ĐBSCL lại có dịp săn bắt và thưởng thức những sản vật của miền sông nước. Trong đó, săn chuột đồng là một trong những công việc mưu sinh khấm khá và thú vị nhất trong mùa lũ.

Chuột đồng có mặt khắp nơi ở ĐBSCL. Tuy nhiên, vào mùa nước nổi, chuột có nhiều nhất ở miệt An Giang, Đồng Tháp và các cánh đồng giáp ranh biên giới Campuchia. Kinh nghiệm đã dạy cho người dân vùng sông nước nắm rõ thời điểm nào có nhiều chuột và dùng cách gì để săn bắt chúng hiệu quả nhất.

Trắng đêm đuổi “gà đồng”

Đầu tháng 8, những cánh đồng lúa ở vùng Tháp Mười – Đồng Tháp dần chìm trong dòng nước lũ trắng xóa. Một anh bạn ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười gọi điện thoại giục tôi đến đây để cùng đi săn sản vật mùa nước nổi. Vượt cả trăm cây số và qua mấy bận đò, cuối cùng, tôi cũng đặt chân tới Hưng Thạnh, nơi “chuột đồng nhiều nhất miền Tây” như lời người bạn.

Xế chiều, chúng tôi đến nhà ông Hai Nhi (Trần Văn Nhi), nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thạnh, để chuẩn bị đi săn chuột. Ông Hai Nhi bảo chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi, chờ trời tối sẽ đi. “Dân vùng này mới sáng tạo ra cách săn bắt “gà đồng” mới” - ông Hai Nhi tiết lộ.

Cơm nước xong, ông Hai Nhi pha bình trà nóng ngồi hóng gió Tháp Mười kể chuyện làm ăn. Mải mê nói chuyện đến lúc trăng lên khỏi ngọn cây, chúng tôi sốt ruột vì chẳng thấy ông nói gì đến việc đi săn chuột. Bỗng dưng, bên kia cánh đồng vang lên từng chặp những tiếng leng keng.

Ông Hai Nhi hớp vội ngụm nước trà rồi đứng lên, hối: “Tới giờ rồi, đi thôi!”. Chúng tôi xuống xuồng qua con kênh nhỏ rồi nhắm hướng có âm thanh phát ra để lần tới. Dưới ánh trăng mờ thấp thoáng nhiều bóng người. Ông Hai Nhi cho biết đó là những người trong gia đình ông Hai Muống, một “chuyên gia” săn chuột đồng ở Tháp Mười.

Trên mặt ruộng đã gặt lúa, chúng tôi thích thú ngắm đồ nghề dùng để săn chuột của ông Hai Muống: Một tay đăng tre dài khoảng 30 m đóng thành hình chữ V, ở giữa có một cái rọ (lọp) để chuột chui vào và 2 sợi dây thừng dài 20-25 m treo rất nhiều lon thiếc, bên trong mỗi chiếc lon gắn vật cứng để khi kéo dây sẽ tạo ra âm thanh.

Sau khi đã đóng đăng, đặt rọ xong, ông Hai Muống chỉ huy những người trong gia đình bắt đầu kéo 2 sợi dây thừng. Tiếng leng keng vang lên khiến những chú chuột hoảng loạn chạy dồn về phía trước. Đến khi hết đường chạy cũng là lúc chúng gặp rọ và chui tọt vào.

“Thời gian thích hợp để đuổi chuột là từ 22 giờ tới rạng sáng hôm sau, vì khi đó chúng mới đi ăn nhiều. Đuổi xong đám ruộng này, tụi tôi dời đăng qua đám khác đuổi tiếp. Một đêm, gia đình tôi có thể đuổi tới mấy chục bận, có khi bắt được cả năm -  bảy trăm con” - ông Hai Muống bảo. “Đuổi chuột là cách săn bắt mới được một số “hai lúa” ở đây nghĩ ra, vừa ít mệt lại hiệu quả rất cao” - ông Hai Nhi cho biết.

Soi chĩa, chất chà

Sống khỏe qua mùa lũ

Những ngày ở Tháp Mười, chúng tôi được biết gần như cả xã Hưng Thạnh đều làm nghề săn bắt chuột đồng. Trong đó, giỏi nghề nhất là ông Lê Hồng Sơn, ngụ tại khu dân cư Tân Công Sính. Bất kể mùa nước nổi hay mùa khô, ông Sơn đều sống bằng nghề chất chà bắt chuột. Do không có ruộng đất trồng lúa, mỗi năm nước lũ về, ông Sơn tìm đến mấy chủ ruộng quen xin chất chà trên phần đất trống. Năm nay, ông Sơn chất được hơn 30 đống chà trên các cánh đồng ở Hưng Thạnh. Cứ khoảng 3 đến 5 đêm, ông lại giở chà và bắt cả trăm ký chuột. Là dân chuyên nghiệp trong nghề nên tay lưới bao chà của ông Sơn có cả một cái hom đựng chuột. Khi giở hết chà, vợ chồng ông chỉ việc túm lưới lại thì chuột sẽ chạy tuột vào hom. “Chuột sống ở chà mập hơn chuột bên ngoài. Nhờ nghề này mà dân Tháp Mười sống khỏe trong mùa lũ” - ông Sơn nói.

Người dân ĐBSCL chỉ có thể đuổi chuột để bắt khi nước lũ lăm le tràn đồng. Khi nước lên cao, nhiều người chuyển sang đi soi rồi dùng chĩa bắt chuột. Ông Hai Nhi giải thích: “Khi nước lũ tràn đồng, ngập cả những mô đất cao, hang chuột cũng bị ngập khiến chúng không có chỗ ở.

Lúc này, từng đàn chuột béo núc rủ nhau “vượt lũ” bằng cách tìm bờ đê, bờ kênh xáng và các ngọn cây, bụi cỏ để sinh sống. Ban ngày, chúng trú ẩn trong bụi rậm, chờ đêm tối men theo đó đi kiếm ăn. Tối đến, chỉ cần chống xuồng cặp theo bờ kênh rồi pha đèn là có thể chĩa được chuột. Khi bị ánh sáng đèn làm chói mắt, chuột sẽ không thấy đường chạy nên nằm yên một chỗ, người đi săn chỉ cần chĩa trúng là bắt được”.

Dụng cụ để soi chuột thường là súng chĩa tự chế có thể bắn được mũi tên trong phạm vi 5 m hoặc dùng chĩa búp (loại có 5-7 mũi nhọn) cán dài để đâm. Ở miệt Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu (An Giang), có rất nhiều người săn bắt chuột đồng bằng cách này.

Anh Đỗ Văn Lễ, tay “sát chuột” có tiếng ở kênh Vĩnh Tế với những cú chĩa bách phát bách trúng, kể rằng có đêm đi soi “trúng mánh”, anh mải mê chống xuồng theo các lùm cây,  đến khi trời gần sáng mới biết mình đã sang tận các cánh đồng ở Campuchia.

Ngoài việc soi chĩa, vào mùa lũ, ở Tháp Mười người ta còn chất chà trên những mô đất cao hoặc những bờ đê để bắt loại động vật được mệnh danh là “gà đồng” này. Ông Hai Nhi cho biết: “Tụi tôi chỉ việc chất cây lá thành đống to rồi phủ cỏ hay rơm lên, lũ chuột thấy nơi trú ẩn lý tưởng nên kéo nhau đến ở. Chất chà xong, tụi tôi về nhà chờ vài hôm mới quay lại giở”.

Hôm chúng tôi đến, ông Hai Nhi bảo mấy người con cùng đi giở chà bắt chuột để đãi khách. Mấy cha con ông Hai Nhi xách tay lưới ra vây thành vòng tròn quanh đống chà cặp bờ kênh xáng. Con chó phèn thấy chủ loay hoay xách đồ nghề đi bắt chuột cũng vẫy đuôi mừng rỡ, chạy đến đống chà khịt khịt mũi đánh hơi.

Nhìn con phèn cứ nhảy chồm chồm rồi cào cào hai chân vô đống chà, ông Hai Nhi khẳng định: “Có chuột vào đó rồi”. Quả vậy, chỉ 20 phút sau, khi toàn bộ cây cối, đọt chà được lần lượt lôi ra ngoài, con phèn nhảy xộc vào cắn cổ một con chuột cống nhum to tướng. Nhiều con chuột khác bị động, hết đường chạy đã nhảy tung vào lưới.

Kỳ tới: Du lịch mùa nước nổi

Theo QUỐC DŨNG / Người Lao Động

** Trắng đêm xóm lưới, làng xuồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.