Miền Trung đối mặt nguy cơ lũ lụt lịch sử

08/10/2020 06:31 GMT+7

Miền Trung được dự báo liên tiếp hứng chịu 2 đợt mưa lớn khiến khu vực này có nguy cơ xảy ra lũ lụt lịch sử, lũ chồng lũ

Miền Trung được dự báo liên tiếp hứng chịu 2 đợt mưa lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông trong tuần tới, khiến khu vực này có nguy cơ xảy ra lũ lụt lịch sử, lũ chồng lũ.

Mưa lớn dữ dội sẽ gây lũ lụt lịch sử tại miền Trung

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết chiều 7.10, vùng áp thấp trên Biển Đông đã đi vào đất liền các tỉnh nam Trung bộ. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, ghi nhận trong các ngày 6 - 7.10, mưa lớn đã xảy ra khắp các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, với lượng mưa phổ biến 250 - 300 mm/24 giờ. Đặc biệt, một số nơi như Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) có mưa lên tới 405 mm, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mưa 360 mm.

Mưa lũ chia cắt nhiều nơi

Ngày 7.10, Quảng Bình có mưa lớn kéo dài, gây ngập cục bộ, chia cắt nhiều nơi. Tại H.Minh Hóa, đường về xã Xuân Hóa, xã Minh Hóa và một số bản của xã Thượng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa bị ngập lũ nhiều đoạn khiến giao thông ách tắc. Tại H.Bố Trạch, nước lũ trên sông Son, sông Chày và các suối cũng dâng cao. Các điểm du lịch khu vực này đã tạm ngừng đón khách tham quan từ ngày 7.10 cho đến khi có thông báo mới.
Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, cho biết 24 giờ qua, mưa lớn ở Quảng Trị diễn ra trên diện rộng. Tại H.Hướng Hóa, các đập và cầu tràn như Ba Tầng, A Dơi bị ngập, nước chảy xiết. Tại H.Đakrông, đập và cầu tràn ở xã Hướng Hiệp, xã Ba Lòng, xã A Vao, xã La Lay, xã Ba Nang… đều ngập sâu. Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND H.Đakrông, cho biết tất cả các đập tràn, cầu tràn đều ngập khiến nhiều nơi bị chia cắt.
Chiều 7.10, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết đã huy động các lực lượng, người dân ở xã Hướng Tân tìm kiếm 2 người mất tích ở địa bàn thôn Tân Linh (xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa). Khoảng 11 giờ ngày 7.10, trời mưa lớn, anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) và anh Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú thôn Tân Linh) chèo đò qua suối gần hồ thủy điện Rào Quán. Do mưa lớn, đò bị lật khiến hai anh này mất tích.
Ngày 7.10, tại Bình Định, sông Lại Giang chảy qua H.Hoài Ân và TX.Hoài Nhơn, lên nhanh, gây ngập lụt tại một số khu dân cư, chia cắt nhiều đường giao thông nông thôn. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều 7.10, mực nước đo được tại các trạm thủy văn trên các sông ở tỉnh này đều dưới báo động 1.
Chiều 7.10, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang (Quảng Nam), cho biết mưa lớn khiến tuyến đường lên 4 xã biên giới Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm và Ga Ry của H.Tây Giang sạt lở nặng. Đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường khiến 4 xã này bị cô lập cục bộ. Mực nước tại các sông suối đang dâng cao. Địa phương đã huy động các phương tiện xe cơ giới xử lý tại các điểm sạt lở. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) như Trưng Nữ Vương, Phan Châu Trinh, Trần Nguyên Đán... ngập nặng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: "Miền Trung sẽ có lũ chồng lũ, xuất hiện La Nina dịp cuối năm"

Không để thủy điện phải xả lũ khi hạ du ngập lụt

Ngày 7.10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, chủ trì họp với các bộ, ngành bàn và triển khai giải pháp ứng phó với mưa lũ ở các tỉnh Trung bộ, Tây nguyên.
Ông Hiệp nhận định với diễn biến và dự báo hiện nay, các tỉnh Trung bộ có nguy cơ cao rơi vào trận lụt lịch sử như đã xảy ra trong năm 2017, gây ngập lụt diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Trong khi đó, Trung bộ đang là khu vực tập trung rất nhiều hồ thủy điện, hồ thủy lợi và nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, đang trong giai đoạn sửa chữa. Các hồ thủy điện, thủy lợi đặt ở trạng trái báo động cao nhất, riêng 3 hồ do Bộ NN-PTNT quản lý gồm Tả Trạch, Ngàn Trươi và Cửa Đạt đặt ở mức báo động đặc biệt để có phương án sẵn sàng cắt lũ cho hạ du.
“Trong đợt mưa lũ này, các hồ phải tuyệt đối tránh được tình trạng “lũ chồng lũ”, không để xảy ra tình huống hồ thủy điện, thủy lợi phải xả lũ trong khi vùng hạ du vẫn đang ngập lụt”, ông Hiệp nói.

Thừa Thiên-Huế mưa trắng trời, nước dâng nhanh, cây xanh ngã đổ

Trả lời Thanh Niên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các tỉnh miền Trung đang có những yếu tố điển hình để gây ra đợt mưa lớn từng xảy ra trước đây, làm xuất hiện các trận lũ lụt lịch sử. Cụ thể là sự kết hợp đồng thời của vùng áp thấp, dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh. Đây chính là những yếu tố cộng hưởng tạo ra những vùng hội tụ ẩm gây mưa cường độ lớn, thời gian kéo dài. Mưa lớn từ ngày 6.10 và còn kéo dài đến 10 - 11.10. “Vùng mưa lớn nhất, trọng tâm là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Phú Yên, có thể lên tới trên 1.000 mm”, ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, dự báo trong tuần tới sẽ có một nhiễu động hình thành trên vùng biển Philippines, sau đó đi vào Biển Đông và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, có thể mạnh lên thành bão. “Nếu kịch bản này xảy ra thì các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng chịu một đợt mưa lớn thứ hai, bắt đầu từ 13 - 15.10. Các tỉnh miền Trung liên tiếp có mưa lớn chồng mưa lớn, lũ chồng lũ thì nguy cơ xảy ra lũ lụt là rất cao”, ông Khiêm cảnh báo.

Cấm tàu, thuyền ra khơi

Tại vùng biển Quảng Ngãi, do có gió cấp 5, cấp 6 và giật trên cấp 7 nên UBND tỉnh này đã có công văn hỏa tốc cấm tàu thuyền ra khơi.
Tại Phú Yên, hiện còn 234 tàu cá với 1.419 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, nhưng các tàu cá này đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của vùng áp thấp trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.