Miền Trung quyết liệt phòng chống bão

13/12/2006 23:00 GMT+7

Bộ chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tiền phương đã làm việc khẩn trương hơn bao giờ hết. Công tác kiểm tra việc phòng chống bão của các tỉnh ven biển miền Trung thậm chí đã được tiến hành chặt chẽ cả bằng đường bộ và trên trực thăng.

Đà Nẵng

Sáng 13.12, Bộ chỉ huy PCLB tiền phương đã có cuộc họp giao ban tại Quân khu 5. Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính, TP tiếp tục triển khai các phương án phòng chống bão và lụt, có khả năng số hộ dân phải di dời sẽ lên đến 21.929 hộ với 95.129 người, trong đó, nhiều nhất là Q.Liên Chiểu (khoảng 35.000 người), Hòa Vang (khoảng 18.599 người).

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, sau khi bão Utor đổ bộ vào đất liền, sẽ xảy ra lụt lớn ở Đà Nẵng. Theo ông Trần Văn Nhật, Phó giám đốc Sở Y tế, ngành đặc biệt quan tâm đến kế hoạch di dời các trạm y tế ở những vị trí thấp trũng, dễ xảy ra tình trạng ngập nặng, phải chuyển bệnh nhân và thiết bị y tế về những điểm an toàn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất về các trung tâm y tế quận, huyện để phun ngay sau lụt cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tư khi có người bị nạn tới cấp cứu trong bão, phải đảm bảo sơ cứu cho người bệnh, rồi chuyển sang các bệnh viện công để đảm bảo thực hiện chế độ miễn viện phí, thuốc men, ăn uống cho người bị nạn.

Quảng Ngãi

Bạc Liêu: Một thuyền viên tử nạn trên đường tránh bão

Khoảng 12 giờ ngày 11.12, tàu đánh bắt hải sản BL-1569TS trên đường về đất liền trú bão số 10 theo lời kêu gọi của Đồn biên phòng (ĐBP) 664, khi cách đất liền 6 hải lý (gần 11 km), gặp ngay lúc biển động mạnh, thuyền viên Trần Thanh Kiệt (21 tuổi, ngụ khóm 1, phường 2, thị xã Bạc Liêu) trong lúc vô ý đã bị rơi xuống biển và bị cuốn mất dấu trên sóng biển. Ngay sau khi nhận được tin báo tai nạn, ĐBP 664 đã huy động 7 phương tiện của ngư dân còn trên biển hỗ trợ tìm kiếm. Đến trưa 13.12, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy và đưa thi thể anh Kiệt vào bờ. Chiếc tàu BL-1569TS (do anh Lê Hoàng Nghiêm ngụ phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu vừa là chủ, vừa là thuyền trưởng) xuất bến lúc 18 giờ 20 ngày 10.12; khi xuất bến tàu có đến trình với Trạm kiểm soát kênh 30-4 (ĐBP 664) nhưng chưa được sự đồng ý của trạm.
 
Hàn Ái Tiến

Sau cuộc họp giao ban, đoàn công tác của Bộ chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng đã có chuyến công tác kiểm tra tình hình phòng chống bão Utor bằng máy bay trực thăng đến Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và dọc biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Theo ghi nhận của Vũ Phương Thảo, PV Thanh Niên có mặt trên chuyến bay này, suốt chiều dài bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam không có bóng dáng một con tàu nào ra khơi. Tuy nhiên, tại khu vực bờ biển Quảng Ngãi vẫn còn một số tàu đánh bắt ven bờ.

Tại Khu kinh tế Dung Quất, công tác chuẩn bị đối phó với bão cũng đã được chuẩn bị rất kỹ. Theo đó, để vừa tránh những thiệt hại về vật chất, lại vừa không ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất quyết định mọi công tác phòng chống bão phải được triển khai sẵn sàng và chỉ cho di chuyển người, phương tiện trước khi bão vào 6 tiếng. Các văn phòng, nhà kho cũng đã được chằng chống cẩn thận, đảm bảo an toàn nếu có bão đổ bộ.

Có mặt tại Quảng Ngãi trước đó, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đi kiểm tra công trình nhà máy lọc dầu, đê chắn sóng, các khu cảng, bến xuất sản phẩm (gói thầu 5B), sau đó ra Quảng Nam bằng đường bộ...

Quảng Nam

Chiều qua, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác phòng chống bão số 10. Đến nay, toàn bộ 6.000 tàu thuyền của Quảng Nam đã vào bờ trú ẩn an toàn. Tỉnh cũng đã chỉ đạo kiên quyết 26 tàu vận tải, 1 tàu quân sự và 1 tàu của ngư dân Đà Nẵng rời khỏi đảo Cù Lao Chàm (Hội An), vào tránh bão tại Đà Nẵng. Các lực lượng vũ trang đã đưa 1.500 quân đến các địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền. Ngành nông nghiệp cử cán bộ trực 24/24 tại các hồ chứa nhằm xử lý kịp các tình huống khi có sự cố.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tỉnh phải đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn tính mạng của gần 150.000 người dân vùng có nguy cơ không an toàn theo phương châm 4 tại chỗ (trong đó có gần 70.000 người tránh bão, hơn 78.000 người tránh lũ và 2.500 người tránh sạt lở đất). Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý Quảng Nam phải đề phòng việc đi lại của nhân dân sau bão, lũ; bởi địa phương này từng bị lặp lại tình trạng số người chết sau bão, lũ tăng lên.

Thừa Thiên - Huế

Chiều qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành phương án dự kiến sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm của cơn bão số 10. Theo đó, sẽ có khoảng 17.875 hộ với 72.268 người được đặt trong kế hoạch sơ tán khẩn cấp nếu có bão đổ bộ. Đến chiều hôm qua, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt của ngư dân trên địa bàn đã vào bờ trú ẩn an toàn. Ngoài ra, tại các bến neo đậu của Thừa Thiên - Huế còn có 18 phương tiện đánh bắt với 90 lao động của các tỉnh khác cũng đã vào trú bão an toàn.

Quảng Bình

Dự kiến sẽ di dời khoảng 10.000 người dân, trong đó có 4.000 người ở các vị trí đặc biệt nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Tất cả các tàu thuyền đã vào bờ trú ẩn. Tàu QB 3537 do ông Nguyễn Ngọc Cảnh (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch) làm thuyền trưởng, có 6 ngư dân bị mất liên lạc ngày hôm trước đã nối được liên lạc và đang trên đường vào bờ, hiện cách đất liền 20 hải lý.  

V.P.Thảo - Vũ Trần - D.H - Hồ Trọng - B.N.L - K.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.