Minh bạch thông tin

23/05/2017 07:21 GMT+7

Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường bất động sản cả nước liên tục trải qua các cơn nóng, lạnh bất thường. Nguyên nhân cũng là thông tin thiếu chính xác, thiếu minh bạch.

Đầu tiên là cơn sốt đất từ TP.HCM, Hà Nội và lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Cuối tuần qua, TP.HCM đã phải họp đột xuất và đưa ra nhiều giải pháp, thậm chí tính đến việc xử lý hình sự những người, những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi.
Bởi sau cơn sốt, thị trường thường rơi vào tình trạng đóng băng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Chúng ta hẳn chưa quên sau cơn sốt đất những năm 2006, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào tình trạng ngủ đông kéo theo hàng loạt dự án dở dang bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội; những ngành công nghiệp đi cùng BĐS như sắt, thép, xi măng, gạch, đồ gỗ, đồ điện, thiết bị vệ sinh... cũng đình trệ. Hàng triệu lao động mất việc làm. Chính phủ và các bộ, ngành đã phải đưa ra nhiều giải pháp nhưng cũng rất vất vả, mất rất nhiều thời gian để “đánh tan băng”, hồi phục thị trường. Nhắc lại để thấy hệ quả của các cơn sốt là hết sức nguy hiểm.
Trở lại với cơn sốt đất tại TP.HCM, nguyên nhân bắt đầu từ các thông tin chuyển đổi lên quận của một số huyện, thông tin đầu tư các dự án lớn, thông tin chỗ này xây cầu, chỗ kia làm đường... Chuyện thực hư chưa biết thế nào nhưng người này rỉ tai người kia, chỗ này gom đất hay chỗ kia tăng giá, hối thúc nhau “đánh nhanh thắng nhanh”... Thế là tạo thành cơn sốt. Theo khảo sát của Hiệp hội BĐS TP.HCM, tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá đất ở một số quận, huyện tại TP đã tăng 30 - 70%.
Trước đó, thị trường BĐS lại trải qua “cơn lạnh cục bộ” khi Bộ Tài chính công bố thanh tra 60 dự án “đất vàng”. Nhiều người mua nhà hoang mang, ngưng đóng tiền, không ít trường hợp hủy hợp đồng khiến một số dự án có tên trong “bảng phong thần” lao đao. Phải khẳng định là việc thanh tra để tránh làm thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa là chủ trương đúng. Nhưng với một thị trường nhạy cảm như BĐS, việc công bố thông tin cần hết sức thận trọng và chính xác để tránh thiệt hại, xáo trộn không đáng có. Bộ Tài chính sau đó cũng chấp nhận 4 đề xuất của Hiệp hội BĐS TP.HCM và giải thích rõ hơn chủ trương này nên các chủ đầu tư và người mua nhà cũng an tâm trở lại.
Nhìn lại có thể thấy lịch sử các cơn nóng - lạnh của thị trường BĐS từ trước tới nay đều xuất phát từ thông tin. Vì vậy, để hạn chế tối đa việc này, giải pháp mấu chốt cũng là thông tin. Đó là sự công khai, minh bạch và đặc biệt, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền về tất cả những vấn đề liên quan đến thị trường BĐS phải sớm nhất và chính xác nhất. Có như vậy, giới đầu nậu, cò mồi mới không có cơ hội “thổi” giá, trục lợi chính sách được.
Đó cũng chính là giải pháp mà TP.HCM đã đưa ra trong cuộc họp đột xuất cuối tuần trước: công khai kế hoạch sử dụng đất của tất cả các quận, huyện lên ứng dụng điện thoại để người dân hiểu một cách chính xác nhất. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả. Các tỉnh thành, cũng cứ giải pháp này áp dụng, thì cơn sốt ắt hạ nhiệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.