Minh Phụng - Hoàng tử sân khấu

30/11/2008 22:46 GMT+7

Cái tin NSƯT Minh Phụng qua đời lan nhanh không thể tả. Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ mà khán giả đã kéo đến đông nghẹt căn nhà của ông ở Q.7, TP.HCM, thậm chí có những người từ các tỉnh đi xe đò lên phúng viếng. Nghe đọc bài

Sân khấu cải lương đã sinh ra một “thế hệ vàng” gồm Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh Phụng, Minh Vương... cho đến bây giờ vẫn còn sức hút đối với người hâm mộ. Trong đó Minh Phụng được mệnh danh là “Hoàng tử sân khấu”.

Với nét đẹp nho nhã, cộng thêm giọng ca trong vắt ngọt ngào,  ông được rất nhiều khán giả ái mộ. Bởi lẽ đâu dễ tìm được những kép chánh vừa có thanh vừa có sắc như thế.

Cho đến tận phút cuối ở giường bệnh, sắc diện của Minh Phụng vẫn tươi tắn lạ kỳ. Bệnh tiểu đường, tim mạch hành hạ ông bao nhiêu năm nhưng tổ nghiệp vẫn không lấy đi cái sắc vóc ấy, hơi ca ấy, cho nên hôm nào rời giường bệnh là ông đi hát liền, cứ như phép lạ. Cô con gái Y Phụng định cư bên Mỹ, dư sức báo hiếu, nhưng ông không bỏ hát được, vẫn chạy sô các tỉnh, rồi chạy qua Đầm Sen, rạp Hưng Đạo. Thậm chí trong những lúc mê sảng vì bệnh ông cũng đòi lên sân khấu: “Cô y tá ơi, pha sữa lẹ lẹ lên để tôi còn đi diễn. Lệ Thủy, Bạch Tuyết chờ tôi kìa”. Rồi ông gọi vợ: “Em lấy cây kiếm cho anh, chị Thủy, chị Tuyết đang chờ!”. Vợ ông, nghệ sĩ Kiều Tiên lay chồng: “Đây là bệnh viện mà anh!”. “Không, anh khỏe rồi, sẽ làm trích đoạn Mùa thu lá bay với chị Tuyết”.

Vậy đó, lúc nào tình yêu sân khấu cũng cuồn cuộn trong ông.

 
NSƯT Minh Phụng cùng vợ (giữa) và con gái Y Phụng (Ảnh do gia đình nghệ sĩ cung cấp)
Khó ai ngờ cái sân khấu đầu tiên Minh Phụng biểu diễn chính là nhà của mấy bà... mua bánh mì. Hồi nhỏ nhà nghèo, ông phải phụ mẹ mua cá đem ra chợ bán nuôi 9 anh em. Rồi ông lấy mối bánh mì đi bán dạo thêm mỗi sáng. Mấy bà, mấy cô biết thằng nhỏ ca hay nên bắt phải ca một vài câu vọng cổ rồi mới chịu mua. Thường bán hết rổ bánh thì đã trễ giờ học. Thầy giáo thương cậu học trò học giỏi mà sao cứ đi trễ hoài, hỏi chuyện mới biết, thế là không phạt nữa. Lớn lên, vì trốn lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn nên ông “lủi” vô gánh hát, đâu ngờ sau này trở thành người nổi tiếng.

Chính vì thế, khi đã thành “sao” ông vẫn giữ nguyên tấm lòng nhân ái của thuở cơ hàn. Nghệ sĩ Kiều Tiên kể: “Đứa nhỏ nào bán bánh mì, khoai lang, bánh tét, hàng rong, vé số đi ngang mời mua, anh cũng mua hết. Và anh dạy tụi nó: Các cháu ráng phấn đấu, đừng nản chí, đừng làm bậy; chú cũng từ cái nghèo mà đi lên. Hồi sau giải phóng anh có làm trưởng đoàn cải lương ở Bến Tre, thương anh em lắm, bởi anh nhớ hồi xưa mình cũng nghèo như vậy”.

Nhưng có một điều ngạc nhiên là ông không hề có những thú vui nghệ sĩ như nhiều người khác mà lại có một đời sống gần như chuẩn mực. Nghĩa là không hút thuốc, không uống rượu, rảnh thì đi đánh tennis, đi chùa. Ông quy y từ nhỏ tại chùa Huệ Quang (Thốt Nốt, Hậu Giang) với pháp danh Thiện Ngộ, thỉnh thoảng có vào chùa tụng kinh. Lớn lên cũng thích làm bạn với quý sư thầy. Sinh nhật ông  mới đây, thấy chụp ảnh toàn là chư tăng. Đám tang của ông  cũng do chư tăng lo liệu giùm hết, vợ con đỡ phần lúng túng.

Năm 1961, nghệ sĩ Minh Phụng là kép chánh của đoàn Thanh Phương. Sau đó ông chuyển sang hát cho rất nhiều đại bang như Mây Tần, Thủ Đô, Kim Chung... và nổi tiếng trong các vở Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau, Xin một lần yêu nhau, Mùa thu lá bay... Sau giải phóng, Minh Phụng làm Trưởng đoàn cải lương Quê Hương của tỉnh Bến Tre, rồi chuyển công tác về Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn Văn công TP.HCM, đoàn Phước Chung, Hương Mùa Thu. Các vai đặc sắc của ông là đại úy Ralp (vở Hòn đảo thần vệ nữ), trung úy Ngọc (Cây sầu riêng trổ bông)...

Minh Phụng từng đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1993 với vai thầy giáo trong vở Thị trấn đêm đông cũng trong năm này, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Không chỉ sống điều độ, ông còn là một người cha hết lòng với con cái. Nhớ có lần ghé Nhà hát Trần Hữu Trang, gặp Minh Phụng đang tập tuồng với các bạn, tôi buột miệng: “Trời, năm mươi mấy tuổi rồi mà còn “đẹp trai lồng lộng” vậy ta?”. Minh Phụng cười: “Đẹp gì cô ơi! Tui đang rầu mấy đứa con đây nè. Sao nó ham chơi quá, hổng tập trung vô sự nghiệp”. Rồi ông kể một thôi một hồi về “mấy đứa nhỏ” y như mấy bà mẹ ở nhà. Trong mắt ông hình như con cái vẫn còn bé bỏng, và người cha ấy vẫn muốn trải lòng ra che chở cho con.

Quả thật sau này các con của ông đều thăng tiến trong nghề và lo báo hiếu chu đáo. Diễn viên Y Phụng khóc: “Tôi đem cái đĩa mới thu âm về cho ba nghe để ba chỉnh sửa giùm, không ngờ... Album nào của tôi cũng có ba chọn bài, chọn bạn diễn phù hợp, có khi còn đặt tác giả viết riêng cho tôi hát. Ba dạy tôi luyến láy, chẻ nhịp cho điệu nghệ. Vui nhất là mỗi năm ba đều sang Mỹ hát chung với tôi, rồi thu đĩa chung”. Nhưng Y Phụng không ngờ chuyến về Việt Nam lần này lại là lần cuối cô nhìn thấy mặt cha. Linh cảm cha con đã xui khiến cô quyết giành cho được chiếc vé máy bay khan hiếm giữa mùa này để trở về. Và giờ đây dù không còn nhận được sự chỉ dạy của “người thầy” đặc biệt ấy nữa, nhưng cô tự hứa sẽ cố gắng làm nghề tốt hơn để nơi chín suối, cha mình có thể nở nụ cười mãn nguyện...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.