Mở cửa bầu trời cho doanh nghiệp ngoại?

25/02/2019 06:13 GMT+7

Thông tin hãng hàng không liên doanh giữa Tập đoàn Thiên Minh (VN) - AirAsia (Malaysia) có thể cất cánh trong quý 2 khiến không ít ý kiến e ngại thị trường hàng không VN có thể dần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Lo doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường

Tháng 12.2018 vừa rồi, AirAsia - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á và Tập đoàn Thiên Minh (VN) đã chính thức ký thỏa thuận hình thành một đội bay cho hãng hàng không mới tại VN. Ông Trần Trọng Kiên, Giám đốc điều hành Thiên Minh Group, cho biết đội bay chủ yếu sẽ bao gồm các máy bay Airbus A320 và A321.
Không ai dễ dàng mở cửa cho người ngoài tự do vào nhà mình như VN
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel
Các bước tiếp theo của thỏa thuận vẫn đang được hai bên tiến hành và theo kế hoạch, chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng sẽ được thực hiện vào quý 2/2019. Sự tham gia của một “tay chơi” mới ngay sau cuộc chào sân của tân binh Bamboo Airways đã thổi một luồng không khí vào thị trường hàng không vốn đã nhiều năm yên ắng.
Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng sự tham gia của nhiều hãng hàng không sẽ tạo nên sự cạnh tranh, mang lại nhiều hơn cơ hội cho thị trường cũng như người dùng, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại sự xuất hiện của doanh nghiệp (DN) ngoại trên bầu trời VN.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, kể mới đây công ty ông vừa tổ chức cho một đoàn khách bay charter từ TP.Vinh sang Bangkok (Thái Lan).
Khi bay về chiều ngược lại, nhà chức trách hàng không của Thái nhất định không cho bay vì nghi ngờ công ty mở bán vé thêm, khai thác đưa khách từ Thái Lan sang VN.
Chỉ sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, đáp ứng mọi quy định họ mới đồng ý cho thực hiện chuyến bay. “Trong khi đó, có biết bao hãng hàng không của Hàn Quốc, Malaysia bay sang VN cũng tổ chức bán vé như vậy với giá rẻ, VN lại cấp phép dễ dàng. Nói như vậy để thấy Thái Lan, một trong những thị trường hàng không cởi mở nhất khu vực, vẫn có những quy định gắt gao nhằm bảo vệ chủ quyền bầu trời; bảo hộ, giữ thị trường cho DN trong nước. Không ai dễ dàng mở cửa cho người ngoài tự do vào nhà mình như VN”, ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Malaysia cho đến các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc… đều tận dụng nguồn lực nước ngoài để phát triển đội bay, tăng cạnh tranh cho thị trường hàng không.
Tuy nhiên, các công ty liên doanh chỉ được thực hiện các đường bay quốc tế, từ một điểm tại quốc gia khác đến một điểm tại quốc gia họ. Không nước nào cho phép các công ty có yếu tố nước ngoài thực hiện các chuyến bay nội địa, bay tự do trên bầu trời của họ.
Lấy bài học từ các thương hiệu Việt nổi tiếng đã lần lượt rơi vào tay DN ngoại, ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ lo lắng khi kịch bản liên doanh rồi dần dần tìm mọi cách “đá văng” DN Việt, mua lại cổ phần để thâm nhập thị trường nội địa sẽ diễn ra với ngành hàng không. Khi đó, DN nước ngoài với tiềm lực lớn hơn sẽ có đủ sức thống lĩnh thị trường hàng không, đẩy DN nội địa ra rìa.

Công khai tiêu chuẩn, ưu tiên nội lực

Vận tải hàng không VN được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng hiện chỉ có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways.
Trong đó, Jetstar Pacific là công ty con của Vietnam Airlines. DN Việt không phải không thấy được “miếng bánh” béo bở chưa được khai thác hết từ thị trường này.
Trước Bamboo Airlines hay thương vụ bắt tay giữa Air Asia và Tập đoàn Thiên Minh, Vietstar Airlines là cái tên kiên trì nổi bật trong số các DN “xếp hàng” chờ cái gật đầu từ Chính phủ.
“Đánh tiếng” sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên từ năm 2016 nhưng đến giờ Vietstar Airlines vẫn chưa thể cất cánh trên bầu trời VN. Trao đổi với Thanh Niên, một đại diện của Vietstar Airlines chia sẻ họ đã nhiều lần nộp hồ sơ, hoàn thiện đầy đủ theo yêu cầu của Cục Hàng không, Bộ GTVT nhưng vẫn bị từ chối. Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn đang rốt ráo hoàn thiện tất cả tiêu chuẩn, thủ tục theo đúng yêu cầu của nhà chức trách hàng không, quyết được bay trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nếu thật sự muốn mở cửa bầu trời, việc đầu tiên Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cần làm là “mở” danh sách các DN chờ bay.
Cụ thể, công khai có bao nhiêu DN đang có nhu cầu mở hãng hàng không, khả năng đáp ứng của từng DN thế nào, tại sao DN này được cấp phép mà DN kia lại không được cấp phép… Trên cơ sở đó, làm rõ các quy định về chuẩn mực, công khai tiêu chuẩn của nhà nước VN về việc cấp phép mở hãng hàng không, tạo sự công bằng, mở ra môi trường cạnh tranh thật sự cho các DN.
Về việc liên doanh hàng không trong nước - nước ngoài, bà Lan nhận định hàng không là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia.
Cần quy định quyền ưu tiên cho DN Việt trong trường hợp liên doanh. Cụ thể, khi không liên doanh nữa, DN nội địa sẽ được ưu tiên mua lại cổ phần chuyển nhượng, nếu bên chủ nhà không có ý định mua mới bán cho người khác. Không để những đối tượng bên ngoài tìm cách mua lại cổ phần của đối tác, biến đổi chủ sở hữu, trở thành một hãng hàng không nội địa bay trên bầu trời VN, dễ dàng thâu tóm thị trường thông qua một công ty trong nước.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: “Các quốc gia phát triển không cho phép DN nước ngoài tự do bay trên bầu trời của họ. Họ giữ thị trường nội địa để chủ động kiểm soát, chủ động phát triển kinh tế. Không chỉ hàng không mà lĩnh vực kinh tế nào cũng vậy, muốn phát triển bền vững phải đi từ nhân tố nội lực, không nên ưu đãi để trở nên phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.