Mở quán Phở Ông Tây nơi khu nhà giàu của Sài Gòn giữa đại dịch

02/05/2021 11:49 GMT+7

'Có điên mới mở nhà hàng giữa đại dịch vầy'. 'Bớt ngông lại đi'. 'Người ta dừng lại không được mình lại mở ra, sao mạo hiểm vậy con?'.

Đó là những lời chat trong group gia đình gồm 7 thành viên của nhà tôi khi em tôi quyết định vay tiền mở thêm quán cà phê nữa ở Sài Gòn, khi mà thế giới vẫn đang loay hoay giữa hàng triệu triệu người bị nhiễm Covid-19.
Mẹ tôi thường xuyên gọi cho tôi nói: “Con là chị gái nó, nó nghe lời con nhất, con ngăn nó đi”. Một ngày, mẹ tôi phải gọi cho tôi 5 lần kèm chục tin nhắn để nói tôi can em gái tôi. Nhưng tôi biết rõ tính em gái mình, nó rất liều lĩnh kèm với đầu óc khá nhạy bén khi làm kinh doanh nên cũng không nói nhiều, chỉ nói nó thận trọng, đảm bảo chống dịch cùng cả nước.
Học xong đại học, em gái tôi quyết định mở quán cà phê rồi quán phở tại Thảo Điền, nơi mệnh danh là khu nhà giàu của Sài Gòn. Đối tượng mà quán hướng tới là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và du khách. Từ khâu chọn nguyên liệu cho đến đầu bếp và quy trình đều chuẩn châu Âu. Chính vì việc làm thận trọng đó nên thu nhập của quán mãi mới ổn định.
Công việc đâu vào đó thì đại dịch Covid-19 ập đến. Hai tháng đầu, nhân viên trong quán nghỉ nhưng em vẫn hỗ trợ lương. Em nói: “Mình khó nhưng người lao động đằng sau họ là cả gia đình, với lại, họ đã sát cánh bên mình bao năm rồi mới có ngày hôm nay”. Hết 2 tháng, nhân viên cũng tìm cách về quê vì nhìn doanh số sụt giảm thấy rõ, ở lại bà chủ vừa nuôi ăn, lại vừa trả lương, mà đơn hàng ship đi cũng có phần hạn chế. Ai cũng biết đại dịch ảnh hưởng nhiều nhất đến khu vực dịch vụ.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi bố ruột của bếp trưởng qua đời vì dịch Covid-19 tại Ý. Nhìn người mình yêu thương mất đi người thân mà mình không thể đến chia sẻ, nhìn chiếc quan tài lặng lẽ nằm giữa nhà tang lễ trống trơn mà em không kìm được nước mắt khi gọi cho tôi…
Mọi chuyện ổn định hơn, người dân cũng quen với việc mua hàng qua mạng. Chủ quán cùng với bếp trưởng là người nhận hết việc của 10 nhân viên trước đây. Từ những lần giao hàng đó, em phát hiện ra có những mặt bằng rất đẹp nhưng đang rất ế vì… Covid-19. Việc thuê nhà giữa đại dịch sẽ được giá rẻ, nhân công nhiều vì quán phục vụ chủ yếu người nước ngoài nên cần nhân viên giao tiếp tiếng Anh. Những hướng dẫn viên dẫn đoàn quốc tế, nhân viên xuất nhập khẩu và cả những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cũng cần có việc làm thêm.
Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng thay đổi khi không thể đi nước ngoài, người nước ngoài khó về nước. Nó nói cùng tôi: “Vượt qua cơn bão thì đôi cánh sẽ khỏe mạnh hơn. Hai tin em đi, chắc chắn 90% cơ hội em mới làm, ai cũng dè dặt thì mình làm, dẫu sao mình cũng từng có mấy năm lăn lộn rồi, mà có thất bại cũng hổng sao, vì mình vẫn còn rất trẻ”.
Tôi là giáo viên, suốt đại dịch chúng tôi chỉ dạy học online, bữa đủ học sinh, bữa không, mà dạy học đâu chỉ có truyền thụ kiến thức, đó là sự yêu thương, sự chăm sóc và cả sự giao tiếp, tiếp xúc ân cần bằng hành vi phi ngôn ngữ mà những điều này internet không làm được.
Chính vì vậy chúng tôi tổ chức cho học sinh vẽ tranh tuyên truyền, dịch poster từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc Jrai, Bana để các em đến tận nhà tuyên truyền cho bà con…, chứ việc kinh doanh buôn bán thì tôi hoàn toàn mù tịt. Em nói với tôi: “10 người thì hết 9 nhìn em với ánh mắt thương cảm, ai cũng nói em rồ hết trơn”.

Khi thành phố lên đèn cũng là khoảnh khắc những cặp đôi muốn ghi lại khi uống cà phê tại đây

Ảnh: Ngọc Điệp

Vậy rồi quán Chang’s Bistro & cakes hình thành bên cạnh quán Phở Ông Tây, nhờ những nỗ lực kiểm soát của Chính phủ và người dân Việt Nam mà dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, người dân, khách khi đến quán đều thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Em nói, khi nhận được điện thoại của quận mời đến nhận hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, em đã từ chối: “Em biết ơn sự chia sẻ của Chính phủ, tụi em là doanh nghiệp, không góp được thì thôi, em dành phần đó cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn hơn. Mong đại dịch được đẩy lùi để người lao động chỗ em có việc làm đầy đủ, doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều tiền thuế cho nhà nước”.
Bốn tháng kể từ ngày quán được khai trương, doanh thu đều đặn và việc làm của 20 lao động được đảm bảo. Em nói em là người trẻ, đặc tính của người trẻ là năng động và thích ứng nhanh. Nếu ai cũng đứng trước hoàn cảnh tự thân như em, hoặc thích nghi, hoặc là phá sản, thì chắc mọi người cũng sẽ nghĩ mọi cách mà băng qua đại dịch.
Em nói với tôi trong chiều Sài Gòn nhạt nắng: “Trong nguy có cơ, em đã trả hết nợ nần và sẽ mở thêm quán nữa mà không quan tâm đến dịch bệnh, vì em hiểu nó rồi. Hai tin em đi…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.