Những tấm ảnh chụp cảnh sân trường vắng lặng không bóng dáng học trò. Hàng ghế đá sân trường bỗng chơ vơ chờ đợi bên con đường vào trường rợp bóng cây. Đến một “tai nạn” như quên thẻ giữ xe cũng bỗng dưng trở thành một khao khát về hiện thực của học trò lúc này. Những dòng chú thích ảnh vẫn nhuốm đậm chất tinh nghịch học trò, nhưng nghe như đã lãng đãng chút xót xa thương nhớ trong câu thơ trúc trắc nỗi niềm: Đường hoa giấy đã nở - Bên dốc tình Nhân Văn - Em không khỏi lăn tăn - Khi nào ta gặp lại?
Tôi nhớ buổi giảng online đầu tiên, thầy trò gặp nhau trên môi trường ảo, giọng học trò bất giác thốt lên ở đâu đó trong không gian lớp học ảo: “Nhớ trường quá thầy ơi!”. Cứ ước có thể được nhìn thấy tụi nhỏ đùa nghịch ồn ào trước mắt, cứ ước được đi một vòng xung quanh các nhóm thảo luận trong lớp, không phải chỉ để xem học trò thảo luận những gì, mà còn được cảm nhận không khí thanh xuân rực rỡ và náo nhiệt của tuổi học trò.
Thú thật tôi cố dằn xúc cảm để nói lời động viên học trò. Những lời có vẻ chia sẻ tâm lý nhưng tôi biết là hoàn toàn sáo rỗng, vì ngay với chính tôi là người nói ra những lời động viên ấy thì buổi học online cũng chỉ là một thứ hoàn toàn lởm khởm về tương tác nhân văn của thầy và trò, của bè bạn học trò.
Cứ ước, dịch bệnh sớm qua đi để những cung đường quen thuộc trong trường, trong khu đô thị Đại học Quốc gia tìm lại sự náo nhiệt nghịch ngợm của sinh viên, để những hàng ghế đá sân trường được sưởi ấm dù là bởi dáng ngồi uể oải của một cô cậu sinh viên nào đó lười học trốn lớp ra ngoài nghe nhạc.
Một vài học trò của tôi vẫn trụ ở TP.HCM. Vì việc làm thêm, vì ở quê buồn quá, vì kẹt chuyện này chuyện kia nên không về. Có đứa lao vào công việc tình nguyện, phụ dọn dẹp khu ký túc xá Đại học Quốc gia để làm khu cách ly. Vẫn thế, vẫn nhanh như rái cá, bọn trẻ lao vào công việc cùng nhau, xắn tay áo cho việc làm tình nguyện. Trong số đó có đứa chính bản thân mình phải lo dọn đồ ra ngoài kiếm chỗ trọ để nhường phòng ký túc xá làm khu cách ly.
Tôi hỏi lúc vào lớp học online, có bạn nào khó chịu vì phải di chuyển nơi ở và đồ đạc ra khỏi ký túc xá đột xuất thế không. Câu trả lời ráo hoảnh: “Dọn lên cung trăng cũng được thầy ơi, miễn sao phụ một tay giúp nhanh hết dịch để tụi em còn đi học”.
Đại học không sinh viên, đường trường vắng bóng học trò, nào chỉ có học trò nhớ trường nhớ lớp, mà thầy cô cũng quay ra nhớ đám học trò đến nao lòng. Nữa là nghe câu thơ học trò tỏ bày thương nhớ: “Đã lâu rồi chưa ghé Văn Khoa - chiều tháng tư mơ ước được về NHÀ”. Ôi trời, chữ “NHÀ” viết hoa hẳn hoi, học trò nhớ trường như nhớ nhà. Tháng tư bỗng như trở thành một lời ước hẹn học trò - ước hẹn được trở về nhà.
Mái trường là mái nhà của tuổi thanh xuân. Không đến trường, không có bạn, thì sao có được những năm tháng thanh xuân rực rỡ!
Bình luận (0)