Mỏ vàng Mà Sa Phìn chưa từng được kiểm tra về an toàn lao động

25/08/2016 14:56 GMT+7

Liên quan tới vụ sập hầm vàng ở Lào Cai, Công ty Cổ phần Nhẫn là đơn vị duy nhất được cấp phép tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, nhưng tới nay chưa từng được kiểm tra về an toàn lao động.

Tại hiện trường sập hầm vàng, trong sáng ngày 25.8, con đường độc đạo nối từ trong mỏ vàng Mà Sa Phìn ra trung tâm huyện Văn Bàn thi thoảng vẫn xuất hiện vài nhóm người là phu vàng, dáng vẻ thất thểu và mệt mỏi. Công tác cứu hộ vẫn đang được triển khai. Cụ thể Công ty Cổ phần Nhẫn đang thuê một đội quân là người bản địa đi tìm kiếm những nạn nhân trong vụ sập hàm vàng diễn ra vào chiều tối ngày 19.8. Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, 6 ngày sau khi xảy ra vụ sập hầm vàng trong mỏ vàng Mà Sa Phìn, chính quyền UBND tỉnh Lào Cai vẫn không dựng một trạm tìm kiếm cứu nạn dã chiến.
Một phu vàng trong nhóm đang tìm đường ra trung tâm huyện Văn Bàn, là Nông Văn Thành (38 tuổi, quê ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, thông thường trong mỏ vàng Mà Sa Phìn có tới gần 500 phu vàng làm thuê. Trong số này có khoảng 100 công nhân thuộc Công ty Cổ phần Nhẫn, số phu vàng còn lại đều thuộc các mỏ vàng khai thác thổ phỉ.
Theo phản ảnh của người dân, cũng như phu vàng, thì tại khu vực khai thác vàng của Công ty Cổ phần Nhẫn có xuất hiện 3 người Trung Quốc làm thuê. Những người này làm việc trong mỏ một thời gian dài và nhiều người đã thuộc mặt 3 người làm thuê Trung Quốc này.
Sáng ngày cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên về việc có hay không lao động Trung Quốc làm việc tại mỏ vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), ông Nguyễn Đức Lành, Phó giám đốc sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: năm 2013, Công ty Cổ phần Nhẫn gửi hồ sơ lên sở là 10 người, sau đó phía sở đã cấp phép cho họ sử dụng lao động là người Trung Quốc, nhưng đến ngày 19.5.2015 là hết hạn. Những người này hoạt động ở lĩnh vực tư vấn khai thác. Từ đó đến nay, Công ty Cổ phần Nhẫn chưa có hồ sơ nào gửi về sở để cấp phép cho người Trung Quốc làm việc trong công ty của họ. 

tin liên quan

'Ém' số người chết vụ sập hầm vàng
Một cán bộ công tác tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xác nhận với Thanh Niên đến chiều qua ủy ban này không được báo cáo gì về sự cố nghiêm trọng.
Trả lời về việc sử dụng lao động là trẻ em trong các hầm vàng thuộc mỏ vàng Mà Sa Phìn, ông Lành cho hay, theo quy định mới của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội thì độ tuổi lao động là từ 15 tuổi, nhưng quy định độ tuổi người vị thành niên là 18 tuổi. Theo kiểm tra ban đầu, trong mỏ vàng có 2 lao động 17 tuổi. Có thể, 2 người này vào mỏ vàng để làm việc vặt như nấu cơm, rửa bát hoặc các việc phụ khác chứ không trực tiếp vào mỏ đào vàng.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các nạn nhân thiệt mạng và mất tích trong vụ sập mỏ vàng Mà Sa Phìn ít nhất có 3 người chưa đủ tuổi vị thành niên gồm: Bàn Văn Lợi (17 tuổi), Bàn Văn Ngân (17 tuổi), đều cùng ngụ tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và cháu Châu A Dế (14 tuổi, ngụ ở xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Về công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động đối với Công ty Cổ phần Nhẫn (đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác tại mỏ vàng Mà Sa Phìn với diện tích 90 hecta) ông Lành nói: "Từ trước đến nay chưa có cuộc kiểm tra về an toàn lao động nào đối với Công ty Cổ phần Nhẫn. Lý do là nhân lực của sở chỉ có 6 người mà phải quản lý số lượng lên đến 2.880 doanh nghiệp. Đơn vị kiểm tra cật lực cả năm cũng không thể hết được số doanh nghiệp này".
Sáng cùng ngày, PV Thanh Niên cũng đã liên hệ với ông Phạm Văn Hoằng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nhẫn để xác minh thông tin có hay không lao động người Trung Quốc tại mỏ vàng Mà Sa Phìn. Ông Hoằng khẳng định là: “không có”, đồng thời cho rằng thông tin báo chí nói sập mỏ vàng là không đúng. “Tai nạn là do mưa lũ”, ông Hoằng lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.