Trong các chuỗi giá trị nông sản, nông dân luôn là người có đóng góp to lớn mang tính quyết định thế nhưng họ lại là người được hưởng lợi ít nhất.
Thực tế đó đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Không chỉ thế, trong quá trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội họ còn thường xuyên bị một bộ phận những nhà cung ứng vật tư nông nghiệp “móc túi” bằng cách cung cấp những sản phẩm kém chất lượng.
Thức ăn chăn nuôi, phân bón, cây con giống… giả, không đạt chất lượng được bày bán tràn lan đã là chuyện cũ rích đối với nhiều người. Nhưng dù có “biết rồi… nói mãi” thì nó vẫn cứ tồn tại mà các cơ quan chức năng cũng phải bó tay. Đơn cử như ở tỉnh Tiền Giang, trong năm 2011 đã phát hiện tổng cộng 17 mẫu phân bón kém chất lượng của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau. Sự kém chất lượng ở nhiều mẫu phân bón lớn đến mức được coi gần như là “đất sét”. Ở các tỉnh, thành khác của ĐBSCL số lượng phân bón kém chất lượng chắc chắn sẽ không ít hơn. Vấn đề là những địa phương khác cơ quan chức năng có thường xuyên kiểm tra để phát hiện vi phạm hay không?
Nông dân không chỉ bị “móc túi” vì mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng mà hệ quả của nó còn là những vụ mùa thất bát. Như vậy có thể coi như một sự thiệt hại kép. Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng chưa bao giờ sự thiệt hại đó được bồi thường hoặc quy trách nhiệm cho nhà sản xuất. Đó là lý do chính mà nhiều doanh nghiệp bất lương vẫn vô tư “đóng gói đất sét” rồi tung ra thị trường. Một lý do khác không kém phần quan trọng là việc quản lý lỏng lẻo, xử phát nhẹ tay. Nếu một mẫu phân nào đó chẳng may bị phát hiện kém chất lượng thì doanh nghiệp chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Con số này cũng như thể nhổ một cọng tóc trên đầu. Còn số phân bón kém chất lượng thường cũng không thể thu hồi vì đã bán sạch cho nông dân. Có trường hợp doanh nghiệp sau khi bị phát hiện rồi xử phạt, bị báo chí lên tiếng đã quay lại mở một chiến dịch truyền thông rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chuyện vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng sẽ không thể chấm dứt khi mà các hình thức xử phạt còn quá nhẹ tay nên chưa đủ sức răn đe. Nếu nhìn rộng ra, vật tư nông nghiệp dỏm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người nông dân mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp.
Bảo Nguyên
Bình luận (0)