‘Môi giới bất động sản tay tung, tay hứng nên thị trường mới nhiễu loạn’

Mai Hà
Mai Hà
31/10/2023 13:59 GMT+7

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần đưa môi giới bất động sản về đúng chức năng môi giới, tư vấn thay vì vừa mua vừa bán, tay tung tay hứng gây nhiễu loạn thị trường như trước đây.

Nêu ý kiến thảo luận về dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sáng 31.10, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho rằng hợp đồng mua bán không nên chỉ bắt buộc qua công chứng mà có thể qua sàn. 

Theo ông Cường, sàn giao dịch bất động sản là 1 trong 3 yếu tố cấu thành thị trường bất động sản. Nếu sàn không chuyên nghiệp thì thị trường sẽ méo mó.

‘Môi giới bất động sản tay tung, tay hứng nên thị trường mới nhiễu loạn’ - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

GIA HÂN

Trước đó, khi tổng kết quá trình thực hiện luật Kinh doanh bất động sản 2014 có nói nhiều sàn giao dịch bất động sản đã làm cho thị trường sai lệch. Ông Cường cho rằng, cần điều chỉnh lại quy định trong luật để sàn giao dịch không gây sai lệch nữa. Đặc biệt, luật năm 2014 đã không quy định đúng chức năng của sàn giao dịch bất động sản là môi giới, mà cho phép cả bán cả mua.

“Sàn bất động sản đáng lẽ phải đứng giữa nhưng lại tay tung, tay hứng, làm nhiễu loạn thị trường. Luật mới phải quy định chặt chẽ hơn, sàn chỉ được thực hiện chức năng làm trung gian và phải chịu trách nhiệm trước các thông tin cung cấp cho khách hàng và cơ quan nhà nước”, đại biểu Cường nêu và đề xuất sàn không được tham gia vào mua bán mà chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch, tương đương phí công chứng; thù lao môi giới do hai bên thỏa thuận.

Đồng tình việc dự thảo luật không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn, song ông Cường cũng đề xuất nếu có giấy xác nhận giao dịch qua sàn thì không cần qua công chứng nữa. Nói cách khác, trao cho sàn đúng chức năng tư vấn cho khách hàng và cung cấp thông tin thị trường cho nhà nước.

“Vai nào trò đấy, đúng vai sẽ đúng trò. Tôi biết quy định này khiến công chứng không vui vì không được độc quyền xác nhận, môi giới cũng không vui vì phải tuân thủ pháp luật, không được tự tay tung tay hứng kiếm lợi như trước đây. Nhưng chúng ta phải lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người mua”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Tranh luận với ông Cường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, vai trò xác nhận của công chứng như bên thứ 3 cần thiết, vì thế đề nghị xác nhận mua bán chỉ thông qua công chứng.

“Không thể tư duy theo kiểu lý thuyết như thế, có rất nhiều cách mua bán thông qua giá cả. Trước đây nhà cao tầng thông báo bán thì ngày hôm sau hỏi hết hàng. Nhưng ra sàn có ngay và giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, ông nói.

Do đó, đại biểu Thân đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo, giao dịch bất động sản được tự do, không bắt buộc qua sàn. Nếu giao dịch tốt khách hàng sẽ thông qua sàn, ngược lại khách hàng sẽ không tham gia nữa.

Trước đó báo cáo tiếp thu, chỉnh lý luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với quan điểm không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn mà chỉ khuyến khích.

Lý do thực thi luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm an toàn pháp lý của giao dịch. Thậm chí, xuất hiện nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường.

Để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo luật sẽ bổ sung điều 59 về quản lý hoạt động các sàn giao dịch bất động sản. Theo đó, sẽ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản ở cấp tỉnh, trong quản lý hoạt động của các sàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.