Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Họ đã được minh oan!

05/04/2019 05:00 GMT+7

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, cuối cùng, tất cả những nạn nhân đã được minh oan khi nhận quyết định đình chỉ điều tra từ Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Gần 40 năm đi tìm công lý và hơn 5 tháng sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, hôm qua 4.4, cả 7 người còn lại trong vụ án oan 40 năm qua chính thức được minh oan khi nhận quyết định đình chỉ điều tra từ Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
Sáng sớm 4.4, những người bị oan sai cùng người thân có mặt ở trụ sở Viện KSND (VKS) Tây Ninh. Chủ trì buổi làm việc và trao quyết định là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8, VKS Tây Ninh.
Những người bị oan sai khá bất ngờ khi ông Danh trao sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, Phó viện trưởng VKS Tây Ninh, ký vào ngày 11.5.1983 chứ không phải quyết định được ký mới. Theo những người bị oan sai, trước đây trong quá trình đi đòi quyền lợi, họ đã nhiều lần đề nghị VKS cung cấp quyết định này nhưng không được đồng ý.
[VIDEO] Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh

“Sau khi báo đăng thì tìm thấy quyết định”

Ông Thân Văn Danh trao quyết định đình chỉ vụ án cho bà Võ Thị Thương  Ảnh: Trung Hiếu
Ông Danh lý giải, đến phiên tòa phúc thẩm vụ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”, một trong số những người bị oan sai - PV) kiện VKS Tây Ninh đòi bồi thường vào ngày 19.11.2018, cơ quan này vẫn chưa tìm ra quyết định đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất và nhận được yêu cầu từ: Quốc hội, VKS tối cao thì VKS Tây Ninh đã tìm ra và triển khai trao quyết định cho 7 nạn nhân. Do nạn nhân Nguyễn Thành Nghị đã qua đời năm 2013, nên quyết định chỉ được trao cho 6 người trong ngày 4.4. “Trường hợp của ông Nghị, gia đình cần thống nhất giao cho ai nhận, sau đó viện (VKS) mới trao quyết định”, ông Danh nói.
Sau khi nhận quyết định, những người bị oan sai cũng yêu cầu điều chỉnh lại họ tên, năm sinh trong bản quyết định đình chỉ điều tra vụ án cho chính xác.

Cần nhanh chóng khôi phục danh dự và bồi thường người bị oan

Theo luật sư (LS) Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn LS TP.HCM), người đã đồng hành với các nạn nhân đi tìm công lý suốt nhiều năm qua, vụ án oan sai mang đến hậu quả hết sức nặng nề và bi thảm. Các nạn nhân bị bắt giam, tra tấn, dùng nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ 8 người lương thiện bị oan sai gánh chịu hậu quả đau đớn, mà gia đình, người thân họ bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt 40 năm qua chưa được khắc phục.
Trước khi được trao quyết định, nhiều lần bà Võ Thị Thương bày tỏ sự xúc động
Theo LS Phúc, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự khá phức tạp, bao gồm nhiều mặt như: thiệt hại về tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần; các chi phí khác yêu cầu được bồi thường, theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành.
Sự việc trở nên đặc biệt khó khăn cho những người bị oan trong vụ án này vì thời gian xảy ra vụ án và tài sản bị mất mát đã quá lâu. Người bị oan, hầu hết đã rời địa phương đi nơi khác sinh sống, chứng từ chữa bệnh bị mất mát, thất lạc…
“VKS Tây Ninh cần nhanh chóng thụ lý và xem xét giải quyết các yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại cho 7 nạn nhân vừa nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Từ đó sớm khắc phục hậu quả oan sai, thông qua thương lượng bồi thường với người bị oan bằng thiện chí nhằm sớm khép lại nỗi đau thương - cũng là cách khép lại các lỗi lầm đã gây ra”, LS Phúc nêu kiến nghị.
Về việc bồi thường cho những người bị oan sai, ông Danh cho biết sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, những người bị oan sai cần làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại cần làm chi tiết để VKS Tây Ninh có cơ sở tính toán. Về phần VKS Tây Ninh, sẽ có tính toán bồi thường chi tiết cho từng người. Sau đó, VKS Tây Ninh sẽ xin ý kiến của VKS tối cao và sẽ mời nạn nhân đến để thương lượng bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”) vui mừng ôm ông Hồ Long Chánh sau khi được trao quyết định Ảnh: Trung Hiếu
“Chỉ mong việc thương lượng làm sao để các bên đều vui vẻ, phù hợp với quy định. Tôi cũng hy vọng như thế chứ không muốn kéo dài”, ông Danh nói và cho rằng những nỗi oan khuất của các nạn nhân có những thứ không thể thương lượng bằng tiền, nhưng mọi việc liên quan đến bồi thường phải tuân thủ theo quy định pháp luật.
Về câu hỏi quyết định bồi thường sẽ dựa vào thời gian hơn 3 năm 9 tháng giam giữ hay trong thời gian 40 năm mà các nạn nhân đặt ra, ông Thân Văn Danh cho biết chưa thể trả lời vào lúc này. Mọi việc cần phải dựa vào thương lượng giữa hai bên. Nếu việc thương lượng không thành công, các bên sẽ giải quyết vụ việc ở tòa.

Ông Nguyễn Văn Dũng chưa nhận được tiền bồi thường

Đây là vụ án oan sai có lẽ “có một không hai” ở VN. Vào đêm 26.7.1979, chỉ vì tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay xát lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong “đại gia đình” đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt.
Sau đó là những ngày các nạn nhân bị tra khảo, ép cung buộc phải nhận tội. Những người này đã bị tù oan (hơn 3 năm 9 tháng); đến năm 1983 mới được thả. Trong số những người bị bắt oan, chỉ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) do là quân nhân tình nguyện Campuchia (đang về phép thăm nhà) nhận được quyết định đình chỉ điều tra, còn lại 7 người mang thân phận bị can suốt 40 năm qua. Đáng lưu ý, khi bị bắt bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Lan người có con mới 2 tháng rưỡi, người mang bầu 5 tháng.
Nhờ có quyết định đình chỉ điều tra, năm 2018 ông Dũng kiện VKS Tây Ninh đòi bồi thường hơn 40 tỉ đồng nhưng TAND Tây Ninh phán quyết bồi thường 615 triệu đồng.
Liên quan đến việc tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Văn Dũng, VKS Tây Ninh cho hay muốn tổ chức xin lỗi công khai ông Dũng ở địa phương, tức UBND xã Thanh Phước, H.Gò Dầu (Tây Ninh). Tuy nhiên, ông Dũng lại muốn VKS phải tổ chức xin lỗi tại đơn vị chủ quản trước khi ông bị bắt oan vào năm 1979 là Sư đoàn bộ binh 317 (Quân khu 7). Về việc này, ông Danh cho hay cần phải xin ý kiến của lãnh đạo.
Ngoài ra, ông Dũng cho hay do vướng mắc về một số thủ tục, giấy tờ nên đến thời điểm hiện tại, ông chưa nhận được số tiền bồi thường 615 triệu đồng như tòa phán quyết. Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đang yêu cầu ông Dũng bổ sung thêm một số giấy tờ liên quan để triển khai việc bồi thường.
Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.