Mối nguy từ nấm mồ

06/05/2017 20:32 GMT+7

Thói quen chôn cất người chết có thể gây tác động về dài hạn đối với môi trường tự nhiên, thay đổi đến tận cốt lõi của kết cấu đất đai theo hướng chẳng mấy tích cực.

Con người không những khắc sâu dấu ấn của bản thân khi còn sống đối với môi trường xung quanh, mà thậm chí đến lúc chết, thi thể bị phân hủy của họ còn can thiệp đến từng mức độ môi trường hóa học của đất đai, theo kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu mới do Đại học Czech thực hiện.
Dù được chôn cất hoặc hỏa táng, thi thể con người sau khi qua đời sẽ phân tán chất sắt, kẽm, lưu huỳnh, can xi, phốt pho. Đây là những nhóm dưỡng chất thiết yếu, nhưng tập tục tang lễ của các nền văn hóa đồng nghĩa với việc chất dinh dưỡng sẽ bị dồn hết vào các nghĩa trang thay vì phân phát một cách đồng đều hơn trong các môi trường tự nhiên.
Hay nói cách khác, dinh dưỡng sẽ quá sức thừa mứa ở một số nơi, trong khi những nơi khác lâm vào tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng.
“Nếu không có nghĩa trang, xác người, cũng như ở trường hợp động vật, sẽ phân bổ dưỡng chất một cách ngẫu nhiên, cho phép chất dinh dưỡng được tái sử dụng cho các thế hệ sinh vật trên trái đất sau này”, theo Hãng tin AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Ladislav Smejda của CH Czech.
Do vậy, đứng trên khía cạnh lợi ích cho môi trường, nghĩa trang là sự tồn tại “phi tự nhiên”. Để rút ra kết luận trên, chuyên gia Smejda và đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng thiết bị quang phổ học huỳnh quang tia X phân tích hóa chất trong đất đai ở các nghĩa trang và những nơi thường rắc tro cốt.
Bên cạnh đó, dựa trên xác động vật, họ cũng đo đạc được ảnh hưởng về mặt giả thuyết đối với tập tục cổ xưa gọi là phơi xác trong môi trường mở, để mọi chuyện được diễn ra một cách tự nhiên.
Trong quá trình quan sát, họ còn phát hiện xác người chứa những nguyên tố độc hại, như thủy ngân từ răng trám, và trong quá trình phân hủy chắc chắn sẽ thấm vào đất. Theo thời gian, các dư lượng hóa chất có hại sẽ tích tụ ngày càng nhiều trong đất, khi càng có thêm nhiều người được mai táng hoặc hỏa táng.
Khi trình bày báo cáo trước hội nghị European Geosciences Union được tổ chức tại Vienna trong tháng 4, ông Smejda cho rằng “điều mà chúng ta đang làm với cơ thể sau khi chết của mọi người sẽ ảnh hưởng đến môi trường một cách dài hạn”.
Nhà khoa học Czech cho biết, có thể đối với bản thân chúng ta việc chôn cất hoặc hỏa táng con người là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng phải nhìn xa hơn trong bối cảnh dân số thế giới đang tăng nhanh. “Đây có thể là vấn đề cấp bách trong tương lai”, ông dự đoán, và thúc giục cộng đồng khoa học hãy tích cực quảng bá những phương pháp tiến hành tang lễ theo hướng sạch và xanh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.