Mới quản lý được gần 50% lao động nước ngoài

11/06/2009 09:48 GMT+7

(TNO) Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng, sáng nay 11.6, QH đã thực hiện hoạt động giám sát tối cao: chất vấn và nghe trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn.

Bộ trưởng Ngân nhận được 22 ý kiến của 20 đại biểu (ĐB) QH, tập trung vào hai vấn đề là lao động (LĐ) việc làm bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, LĐ của Việt Nam ở nước ngoài bị về nước trước thời hạn; tình hình lao động việc làm, LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam… Nhóm vấn đề thứ hai là các chính sách cho một số đối tượng như người bị nhiễm chất độc hóa chất... Tỏ ra là người nắm chắc lĩnh vực của ngành mình, Bộ trưởng Ngân dễ dàng "vượt qua" được các câu hỏi của ĐBQH.

Mới quản lý và cấp phép được 50% LĐ nước ngoài

ĐB Võ Thị Thủy (Bình Định) đặt câu hỏi: LĐ nước ngoài du nhập ngày càng nhiều trong khi LĐ trong nước thiếu việc làm, điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc tìm kiếm việc làm của LĐ trong nước? Bộ trưởng Ngân cho biết, khi đã hội nhập thì yếu tố di chuyển giữa các nước là không tránh khỏi, ta đưa LĐ của mình đi làm việc ở nước khác, và nước khác cũng đưa LĐ vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Ngân, Luật của chúng ta quy định rõ là không tiếp nhận LĐ phổ thông của nước ngoài mà chỉ tiếp nhận LĐ kỹ thuật, nhưng thực tế đã có nhiều LĐ phổ thông nước ngoài vào Việt Nam. Số này vào qua con đường du lịch. Người đứng đầu ngành LĐ thương binh và xã hội cho biết, hiện tại ngành mới nắm được và cấp giấy phép chưa được 50% trong tổng số LĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Lý do: “Đơn vị sử dụng LĐ không báo cáo và địa phương không kiểm tra thì sẽ không nắm được” - Bộ trưởng Ngân nói.

Về giải pháp để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Ngân cho biết, trước hết là phải tuân thủ pháp luật và dựa vào quan hệ song phương giữa các nước; và không thể một tuần, hai tuần là giải quyết được. “Trước mắt sẽ kiểm tra nếu LĐ nào đủ điều kiện thì cấp giấy phép còn những người đã hết hạn visa thì tuyên truyền cho họ về nước” - Bộ trưởng Ngân cho biết. Bộ trưởng Ngân đề nghị QH cho phép Chính phủ nghiên cứu và trình Luật về quản lý LĐ nước ngoài tại Việt Nam.

ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đặt vấn đề: "Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2100 có 80 nghìn LĐ khuyết tật có việc làm, nhưng hiện tại mức hỗ trợ để đào tạo nghề cho đối tượng này còn thấp, Bộ có kế hoạch gì để thay đổi chính sách hỗ trợ?". Bộ trưởng Ngân: “Sẽ nâng mức hỗ trợ của người tàn tật cao hơn hiện tại, cao hơn mức hỗ trợ cho dạy nghề ở nông thôn”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nêu thực trạng, có nhiều thông tin khác nhau về số liệu LĐ việc làm khiến cho việc đánh giá chính sách an sinh xã hội của Chính phủ gặp khó khăn, và đề nghị Bộ trưởng giải thích về những số liệu khác nhau này. Bộ trưởng khẳng định: “Nếu căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thống kê thì không có chênh lệch gì, tất cả các phát ngôn của cơ quan nhà nước không có gì là không thống nhất mà chỉ là các phát ngôn của các chuyên gia thì có những khác nhau”. Theo Bộ trưởng Ngân, năm 2008 có khoảng trên 66 nghìn người mất việc, còn 6 tháng đầu năm 2009 thì có khoảng 64 - 65 nghìn LĐ mất việc, nhưng lại có 80% số người bị mất việc đã tìm được việc làm.

Năm 2009 sẽ chỉ tạo được việc làm mới cho 1,45 triệu người

ĐB Nguyễn Thành Tâm tiếp tục: giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, Bộ có đề nghị điều chỉnh con số tỷ lệ LĐ được tạo việc làm mới hay không? Bộ trưởng Ngân cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chỉ trình QH điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản, còn những chỉ tiêu có liên quan thì Chính phủ xin QH cho phép được tự điều chỉnh. Bộ trưởng khẳng định: “Không có quốc gia nào tăng trưởng chậm lại mà chỉ tiêu tạo việc làm mới lại tăng lên”. Theo tính toán, cứ tăng trưởng 1% thì tạo ra 0,34% việc làm mới, vì thế “với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% thì sẽ tạo ra việc làm mới cho khoảng 1,45 triệu LĐ. Mục tiêu tạo ra việc làm mới cho 1,7 triệu LĐ là không đạt được” - Bộ trưởng Ngân cho biết.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) hỏi, Chính phủ đã có Đề án dạy nghề cho nông dân, đối tượng dạy là ai và dạy cái gì?

Bộ trưởng Ngân giải thích: “Đề án dạy nghề có 3 thành phần, một là dạy nghề cho nông dân làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, thứ hai là dạy nghề cho nông dân chuyển dịch sang làm lĩnh vực khác và thứ ba là đào tạo chính đội ngũ trong nông dân tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở. Nhóm đầu thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, và việc dạy này có nhiều hình thức, không nhất thiết phải đến lớp, chẳng hạn như dạy nghề bằng cách đứng đầu bờ. Dạy nghề để chuyển đổi thì đưa vào các trung tâm dạy nghề, Nhà nước sẽ có hỗ trợ để thành lập các trung tâm dạy nghề ở huyện. Đề án này tốn khoảng 32.600 tỉ, kéo dài trong 12 năm từ 2009 đến 2020, mỗi năm dạy cho 1 triệu nông dân, đó là giá quá thấp cho nông dân”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.